Từ Lotteria, Golden Gate tới Red Sun, có phải “bóng ma Món Huế” lại đang ám quẻ thị trường F&B trong Covid-19?
Không hẹn mà gặp, chỉ trong vài ngày, những tin xấu nhất từ thị trường chuỗi F&B lại đến từ 2 thương hiệu lớn nhất thị trường. Phía Golden Gate giảm 80% lợi nhuận, trong khi phần RedSun còn tệ hơn, họ bị các nhà cung cấp đến tận trụ sở đòi nợ. Trước đó không lâu, còn rộ lên thông tin Lotteria sắp đóng cửa tại Việt Nam.
Đã từng có một thời, Món Huế chính là nỗi ám ảnh của các chuỗi F&B lớn tại TP. HCM cũng như các nhà cung cấp. Năm 2019, thị trường chuỗi F&B gần như đóng băng, dù vì lý do gì khiến Món Huế sụp đổ thì cũng không thể phủ nhận, làm chuỗi F&B chưa bao giờ là dễ dàng và chỉ cần lơ là một chút, sẽ lãnh hậu quả nghiêm trọng.
Đến năm 2020, dù scandal Món Huế đã dần bị mọi người lãng quên, nhưng vì Covid-19 cũng không ai dám phóng tay đầu tư chuỗi F&B lớn. Chỉ đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021, thị trường chuỗi F&B mới bắt đầu ấm lên với sự gia tăng mở rộng thị trường của Sữa Chua Trân Châu Hạ Long, Phúc Long, cơm tấm Phúc Lộc Thọ…
Giới đầu tư và những người trong ngành F&B chưa kịp vui mừng hay chuẩn bị ‘đu theo’ chúng bạn, thì tin xấu bắt đầu dồn dập kéo đến.
Đầu tiên, là thông tin từ The Korea Time cho biết, Lotteria Việt Nam đang đứng trước nguy cơ đóng cửa, theo sau các chi nhánh Indonesia. Dù sau đó Lotteria đã bác thông tin này, nhưng kết quả kinh doanh lỗ nhiều năm liền cũng khiến dư luận ái ngại - ngay cả từ khi chưa xuất hiện Covid. Tiếp theo, Báo cáo tài chính của Golden Gate – doanh nghiệp đầu ngành chuỗi F&B Việt đã giảm 80% lợi nhuận trong năm 2020. Cuối cùng, RedSun – doanh nghiệp chuỗi F&B lớn thứ 2 thị trường Việt Nam, bị nhà cung cấp của mình tố cáo việc không chịu trả công nợ đúng hạn cho họ. Lý do cũng là bởi... Covid.
Lotteria Việt Nam vẫn tiếp tục lỗ
Mặc dù, ngay sau khi nghe thông tin, Lotteria Việt Nam đã lập tức phủ nhận việc chuẩn bị đóng cửa hơn 210 cửa hàng tại Việt Nam; nhưng những chỉ số kinh doanh xấu là một thực tế không thể trốn tránh.
Kể từ năm 2016 đến 2019, dù chưa có Covid-19, Lotteria Việt Nam đã liên tục báo lỗ.
Năm 2016, doanh thu thuần của Lotteria Việt Nam đạt 1.306 tỷ đồng, lợi nhuận gộp ghi nhận 766 tỷ đồng. Mang tính chất hoạt động chuỗi nhà hàng, biên lợi nhuận gộp của Lotteria ở mức khá cao, thậm chí cao hơn một số chuỗi lớn trên thị trường như Golden Gate hay Redsun với gần 60%. Mặc dù lợi nhuận hoạt động cao, song đến gần cuối năm, Lotteria vẫn báo lỗ lên tới 135 tỷ đồng.
Đến năm 2017, tình hình kinh doanh của Lotteria tốt lên một chút, khi doanh thu tăng 17% lên 1.530 tỷ đồng. Ngoài ra, từ năm 2017, khoản lỗ của chuỗi F&B này bất ngờ giảm mạnh, chỉ còn 20 tỷ đồng, giảm 85% so với mức lỗ 135 tỷ đồng trong năm 2016. Kết quả kinh doanh đầy khả quan được duy trì sang năm 2018 với doanh thu đạt 1.561 tỷ đồng, lỗ 24 tỷ.
Lotteria thua lỗ liên tục tại thị trường Việt Nam trong vài năm gần đây.
Năm 2019, công ty đạt hơn 1.680 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 8% so với 2018. Tuy nhiên, câu chuyện mất tiền vẫn chưa buông tha họ, khi tiếp tục thua lỗ 22 tỷ đồng. Tính đến tháng 12/2019, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 1.005 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu gần 500 tỷ đồng, nợ phải trả là 505 tỷ đồng.
Còn theo The Korea Times, Lotteria tiếp tục lỗ trong năm 2020. Giá trị sổ sách của Lotteria Việt Nam ở mức 26,8 tỷ won (553 tỷ đồng) vào đầu năm ngoái, nhưng đã giảm xuống còn 15,6 tỷ won (322 tỷ đồng) sau khi ghi nhận khoản lỗ 11,2 tỷ won (231 tỷ đồng). Vì Covid-19, khoản lỗ của Lotteria tại Việt Nam lại tăng lên 3 con số.
Lý do khiến Lotteria liên tiếp thua lỗ là bởi đặc thù của chuỗi cửa hàng ăn nhanh ngốn nhiều chi phí bán hàng, doanh thu hàng năm ghi nhận trên nghìn tỷ nhưng không đủ bù các khoản chi phí, kết quả lợi nhuận vẫn chẳng thấy đâu.
Trong năm 2020, do Covid-19, chi phí đầu vào tăng – cụ thể là giá các loại thực phẩm, bệnh dịch khiến nguồn cung hạn chế và giá nhân công cũng tăng dần. Bên cạnh đó, doanh thu của Lotteria cũng giảm dần, do giãn cách xã hội và người dân Việt Nam ngày càng quan tâm tới vấn đề sức khỏe nhiều hơn.
Golden Gate có một năm chật vật
2020 đánh dấu năm tăng trưởng âm đầu tiên của ông chủ chuỗi nhà hàng lẩu nướng, bia tươi Golden Gate trong một thập niên gần nhất.
Mặc dù giữa năm 2020, ban lãnh đạo CTCP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate Group) trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận sau thuế giảm hơn một nửa so với năm 2019, còn 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu này Golden Gate vẫn không đạt được phân nửa.
"Giai đoạn giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 thực sự là một cú sốc lớn với chúng tôi. Cả một thời gian dài, doanh thu toàn chuỗi không nổi một đồng. Đó thực sự là khoảng thời gian rất khó khăn", ông Hà Thúc Tú - Giám đốc điều hành chi nhánh miền Golden Gate Group, từng chia sẻ tại Hội nghị Thương Hiệu 2020 do Forbes Việt Nam tổ chức.
Khó khăn lớn nhất của Golden Gate trong Covid-19: vì các thương hiệu của họ nằm chủ yếu ở phân khúc trung và cao cấp, phù hợp phục vụ tại nhà hàng hơn là ở nhà. Thế nên, khi bước vào các đợt giãn cách, sản phẩm của họ không quá thích hợp bán qua online cũng như không chuẩn bị đủ cơ sở vật chất cho việc bán hàng online.
Báo cáo tài chính của doanh nghiệp sở hữu chuỗi 400 nhà hàng các thương hiệu Vuvuzela, Manwah, Gogi House... ghi nhận doanh thu thuần năm 2020 ở mức 4.559 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 65 tỷ đồng, giảm gần 5 lần so với năm 2019 và không đạt được 1/2 kế hoạch đặt ra.
Golden Gate đã đóng hết tất cả cửa hàng Vuvuzela tại miền Nam trong năm 2020.
Chi phí bán hàng gồm nhân công, thuê mặt bằng, sửa chữa nhà hàng... cùng chi phí quản lý doanh nghiệp tiếp tục ăn mòn vào phần lớn lợi nhuận. Cụ thể, chi phí bán hàng ở mức 2.317 tỷ đồng, tăng so với con số 2.218 tỷ đồng năm 2019. Chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) cũng tăng lần lượt 2% và 31% lên 310 tỷ đồng và 21 tỷ đồng.
Chi phí thuê cửa hàng tăng nhẹ so với năm 2019, lên gần 533 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi ngày, Golden Gate phải chi trả gần 1,5 tỷ đồng tiền mặt bằng.
Cuối năm 2020, nợ phải trả của Golden Gate tăng từ 170 tỷ đồng lên 1.120 tỷ đồng. Tổng tài sản cũng tăng nhẹ lên gần 2.300 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hàng tồn kho và các khoản tiền trả trước dài hạn.
Từ làn sóng COVID-19 thứ nhất, Golden Gate đã gặp phải tình trạng các ngân hàng từ chối cho vay thêm tiền. Mặt bằng của công ty chủ yếu đi thuê, không có nhiều bất động sản đảm bảo.
Dù cho Chính phủ và các ngân hàng đã sớm đưa ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng việc tiếp cận nguồn tín dụng của Golden Gate vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong kinh doanh nhà hàng, nguồn vốn đặc biệt quan trọng để họ có thể duy trì hoạt động và thanh toán các khoản nợ.
Tuy nhiên, vì vẫn đang kinh doanh tốt trong những năm trước, ví dụ như năm 2019: doanh thu thuần 4.776 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 321 tỷ đồng; nên họ vẫn đang gồng được.
Red Sun nợ đồng lần
Tấm gương Golden Gate kinh doanh tốt như thế mà còn thê thảm trong Covid-19, thì Red Sun khó tránh khỏi một năm dài kinh doanh tồi tệ.
Ngày 9/4, thông tin một nhóm người tụ tập, treo biển trước Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế Mặt Trời Đỏ (Red Sun), yêu cầu công ty này thanh toán công nợ cho các nhà cung cấp đã gây xôn xao dư luận.
Doanh nghiệp này hiện sở hữu 215 cửa hàng ăn uống trên cả nước với 14 thương hiệu gồm ThaiExpress, King BBQ, Hotpot Story, Sushi Kei, Bukbuk, Khaolao… tập trung chính vào các món lẩu, nướng, bia tươi và đồ ăn Nhật Bản, Thái – Lào, Hàn Quốc. Họ chính là tay chơi lớn thứ hai thị trường chuỗi nhà hàng, chỉ sau Golden Gate Group.
King BBQ - một thương hiệu nướng nổi bật của RedSun.
Anh T. - Giám đốc công ty N.K.P, đại diện của một trong những doanh nghiệp có mặt tại Red Sun ngày 9/4 cho biết, doanh nghiệp của anh bắt đầu hợp tác và chuyên cung cấp thịt bò cho Red Sun từ năm 2020. Tuy nhiên, sau 3 tháng làm việc suôn sẻ, Red Sun bắt đầu trì trệ trong việc thanh toán công nợ.
Sau nhiều lần hứa hẹn qua email rồi trì hoãn, kéo dài thời gian, hiện RedSun vẫn chưa thanh toán tiền hàng tháng 11,12/2020 và tháng 1/2021 cho công ty N.K.P. Tổng số tiền của doanh nghiệp này đang bị neo lại tại RedSun lên tới 3,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn rất nhiều nhà cung cấp khác cũng bị RedSun trì hoãn, không trả công nợ. Có doanh nghiệp ít thì 1-2 tỷ đồng, nhiều thì lên tới 9 tỷ đồng. Tổng số tiền công nợ mà chúng tôi biết, ước chừng vài chục tỷ đồng.
Sau đó, ông Nguyễn Nam Trung - Giám đốc điều hành RedSun đã xuất hiện và đối thoại với một số nhà cung cấp. "Mỗi một tháng công ty phải chi trả khoảng 30 tỷ tiền thuê mặt bằng và phải củng cố nhân sự liên tục sau đợt dịch", ông chia sẻ.
Ông Trung cũng cho biết mỗi tháng công ty sẽ cam kết trả nợ cũ 500-700 triệu đồng từ ngày 25-30 hàng tháng cho các nhà cung cấp lớn, đến khi hết nợ. Phía Red Sun đã đưa ra giấy xác nhận cho phương án này. Tuy nhiên, anh T. - Giám đốc công ty N.K.P không chấp nhận giấy tờ này, vì trước đó Tập đoàn cũng từng xác nhận nhưng vẫn "chây ì" không trả.
Công văn giải thích và hứa hẹn với các nhà cung cấp của RedSun.
Trước đó nữa, phản hồi bằng email với các nhà cung cấp, RedSun nói rằng ảnh hưởng Covid-19 khiến công ty lâm vào tình trạng "hết sức căng thẳng về dòng tiền". Doanh thu từ hệ thống RedSun bị sụt giảm nghiêm trọng, tuy vậy trong 3 tháng cuối năm 2020, hoạt động của công ty đã phục hồi được 85%.
Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, RedSun cho biết thời điểm cuối năm 2020 các ngân hàng tài trợ đã kéo dài thời gian xét duyệt cấp hạn mức cho vay vốn lưu động khiến công ty gặp phải trình trạng căng thẳng dòng tiền, do phải đáo hạn khoản vay cũ và chờ tái cấp hạn mức năm 2021.
Không phải bây giờ, Red Sun mới có vấn đề. Mặc dù, trong giai đoạn 2016-2019, doanh thu của Redsun tăng trưởng tương đối ổn định, nhưng không được như các đối thủ chính trong ngành. Doanh thu năm 2018 của Red Sun đạt 623 tỷ đồng, tăng 14%, trong khi con số tăng trưởng của năm 2017 là hơn 51%; lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ đạt 1,4 tỷ đồng. Những năm trước đó, dù cũng ghi nhận hàng trăm tỷ doanh thu, công ty chỉ lãi xấp xỉ 1 tỷ đồng.
Sang năm 2019, Red Sun ghi nhận 743 tỷ đồng doanh thu, tăng 120 tỷ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán quá cao (chiếm 84% doanh thu), cộng với chi phí thuê mặt bằng, trang thiết bị, nhân công và vận hành lớn, cuối năm, chủ thương hiệu King BBQ vẫn báo lỗ 7,5 tỷ đồng.
Chúng ta có thể thấy câu chuyện của Red Sun khá tương đồng với vấn đề của Lotteria, mặc dù quy mô chuỗi lớn song lợi nhuận không đáng kể, thậm chí còn lỗ. Có thể không cần quá lo lắng cho Golden Gate hay Lotteria, nhưng nếu Red Sun không vay được tiền trong lần tái cấp hạn mức này, thì mọi chuyện sẽ ra sao?
Doanh nghiệp và tiếp thị