MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ một nước nghèo những năm 1950, Trung Quốc đã dựa vào những ngành này để vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ sau 60 năm?

08-12-2016 - 10:00 AM | Tài chính quốc tế

Trong quá trình vực dậy nền kinh tế, Chính phủ Trung Quốc từng phải đối mặt với nhiều chỉ trích nặng nề như cáo buộc thao túng tiền tệ giúp cho hàng hóa xuất khẩu của nước này hấp dẫn hơn hay việc các công ty Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên sau tất cả, Trung Quốc đã đạt được rất nhiều thành tựu trong cải cách kinh tế và đó là điều không thể phủ nhận được.

Năm 2015, sản lượng kinh tế Trung Quốc đạt 10,8 nghìn tỷ USD và mức tăng trưởng 6,9%/năm. Nếu tính theo ngang giá sức mua (PPP) thì Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, do quy mô dân số đạt 1,3 tỷ người nên GDP bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn xếp sau Mỹ.

Trung Quốc đã làm thế nào để từ một nước nghèo những năm 1950 vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ sau 60 năm? Câu trả lời nằm ở “kế hoạch 5 năm” của Trung Quốc. Với các kế hoạch 5 năm một lần, Trung Quốc đã vực dậy cả ngành công nghiệp và dịch vụ, đồng thời tự do hóa nền kinh tế.

Trong quá trình vực dậy nền kinh tế, Chính phủ Trung Quốc từng phải đối mặt với nhiều chỉ trích nặng nề như cáo buộc thao túng tiền tệ giúp cho hàng hóa xuất khẩu của nước này hấp dẫn hơn hay việc các công ty Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Sau tất cả, Trung Quốc đã đạt được rất nhiều thành tựu trong cải cách kinh tế và đó là điều không thể phủ nhận được. Dưới đây là những “cỗ máy kiếm tiền” của nền kinh tế Trung Quốc!

Nông nghiệp

Khoảng 9% GDP của Trung Quốc đến từ nông nghiệp. Năm 2013, ngành này tạo công ăn việc làm cho khoảng 30% lực lượng lao động Trung Quốc, tuy nhiên ước tính con số này sẽ giảm xuống còn 5% vào năm 2020. Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của quốc gia này bao gồm gạo và lúa mì – mặc dù không mang lại lợi nhuận lớn nhất nhưng là những sản phẩm cần thiết nhất trong bữa ăn của người Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng trồng các loại hạt đậu, rau, trái cây, hạt tinh dầu, trà, cà phê, ngô và cây thuốc lá. Quốc gia này còn phát triển mạnh mẽ ngành nuôi trồng và đánh bắt cá tôm, nuôi gà và lợn. Về phía Đông Trung Quốc, những trang trại rộng lớn ở vùng ngoại ô là nơi cung cấp thực phẩm cho hầu hết các thành phố lớn, từ thịt, rau, hoa quả đến trứng, sữa.

Mặc dù là một nước có nền công nghiệp phát triển và sản xuất ra nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất, nhưng nông dân Trung Quốc lại chưa biết tận dụng vào nông nghiệp. Chính vì vậy, hiện đại hóa nông nghiệp đã trở thành một chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của chính phủ Trung Quốc trong thời gian tới.

Trung Quốc còn đang phải đối mặt với cuộc “khủng hoảng thừa” trong nông nghiệp khi nhiều sản phẩm làm ra dư thừa, cầu không đủ cung. Tại nhiều tỉnh, người nông dân chỉ trồng những loại hoa màu phổ biến một cách tràn lan dẫn đến không tiêu thụ được, thực phẩm bị hư hỏng rất nhiều.

Công nghiệp

Cũng giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Trung Quốc chọn công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển. Đến nay, quốc gia này đã trở thành “anh cả” trong ngành sản xuất và chiếm tới 1/2 sản lượng thép toàn thế giới.

Theo số liệu thống kê năm 2015, ngành công nghiệp khai thác than đá của Trung Quốc đạt 3,68 tỷ tấn, quặng sắt đạt 1,4 tỷ tấn; muối đạt 70 triệu tấn; dầu đạt 215 triệu tấn và khai thác vàng lớn hơn cả Nam Phi. Do phụ thuộc vào khai thác than đá nên quốc gia này đang chuyển sang phát triển các ngành năng lượng tái tạo trong những năm tới.

Trung Quốc cũng là quốc gia có nguồn dự trữ dầu và khí đốt tự nhiên phong phú, đồng thời có thế mạnh trong sản xuất thủy điện. Đập Tam Hiệp được hoàn thành trong năm 2012 đã trở thành đập thủy điện lớn nhất cung cấp điện năng cho toàn bộ các thành phố phía Nam của Trung Quốc.

Ngành sản xuất

Bên cạnh ngành mũi nhọn là dệt may, Trung Quốc còn là cường quốc sản xuất các sản phẩm máy móc, xi măng, chế tạo thực phẩm, máy bay, ô tô, xe máy, hàng tiêu dùng và đồ điện tử. Không chỉ có các công ty sản xuất trong nước, Trung Quốc còn thu hút nhiều ông lớn nước ngoài đến đầu tư các nhà máy lắp ráp sản phẩm điện tử. Năm 2015, ngành công nghiệp phần mềm của Trung Quốc đã tăng trưởng tới 16% và tạo ra doanh thu vượt ngưỡng 490 tỷ USD.

Đây cũng là quốc gia sản xuất và tiêu thụ ô tô lớn nhất thế giới. Theo số liệu thống kê năm 2014, có tới 244 triệu ô tô được tiêu thụ tại Trung Quốc. Xu hướng này tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và đạt 24,6 triệu xe năm 2015. Hầu hết các loại ô tô sản xuất tại Trung Quốc, dù thương hiệu nội địa hay nước ngoài, đều được tiêu thụ trong nước.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc cũng bị chỉ trích là ăn cắp bản quyền sáng chế và kém an toàn, đặc biệt là sản phẩm sản xuất bởi các công ty nội địa. Đa số sản phẩm ô tô Trung Quốc được xuất khẩu sang châu Phi, Nam Mỹ, Trung Đông và Nga.

Ngành dược

Công nghiệp dược cũng là một ngành phát triển mạnh ở Trung Quốc. Với mức tăng trưởng 10% năm 2015, Trung Quốc đã trở thành quốc gia sản xuất thuốc theo đơn lớn thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, một lần nữa, ngành công nghiệp dược của Trung Quốc bị tố cáo là ăn cắp bản quyền.

Hệ thống phân phối thuốc của Trung Quốc qua rất nhiều công đoạn, thuốc được luân chuyển qua nhiều tầng môi giới và khi đến các bệnh viện hoặc hiệu thuốc, giá của chúng đã đội lên hàng chục lần. Đây cũng là một ngành có tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư lớn. Nhiều hãng dược quốc tế đã có mặt ở Trung Quốc như Pfizer, GlaxoSmithKline, Novartis hay AstraZeneca…

Ngành dịch vụ

Có thể nói Trung Quốc là một thiên đường đối với nhà giàu – những người thích tiêu xài hàng xa xỉ. Đây là nơi tập trung những trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới, ngành bán lẻ của quốc gia này chiếm tới 9% GDP chỉ trong quý III năm 2016. Và đóng góp vào con số ấn tượng này không thể không kể đến Alibaba. Doanh thu của Alibaba trong ngày độc thân (11/11) năm nay đạt mức kỷ lục 17,8 tỷ USD.

Năm 2015, ngành du lịch và dịch vụ đóng góp gần 8% (tương đương 854 tỷ USD) vào tổng GDP của Trung Quốc. Một số ngành khác như vận tải, bất động sản, xây dựng… cũng dần trở thành ngành mũi nhọn của kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, đi cùng với phát triển kinh tế, Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn như ô nhiễm môi trường, khí thải từ các nhà máy gia tăng, tham nhũng tràn lan. Bên cạnh đó, thất nghiệp và lạm phát cũng là những vấn đề khiến chính quyền Bắc Kinh đau đầu trong những năm gần đây.

Hà My

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên