Từ năm 2016 đến nay, chỉ mới phá sản được 1 doanh nghiệp nhà nước
Giai đoạn 2011 – 2015, có 8 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thua lỗ phải phá sản. Từ năm 2016 đến nay, có thêm 1 doanh nữa. Tuy nhiên, số lượng này quá ít so với toàn bộ DNNN thua lỗ, cần phải phá sản.
- 29-06-2017Kinh tế Việt Nam biến đổi như thế nào trong 6 tháng đầu năm?
- 09-06-2017SCIC sẽ hoạt động với tư cách như một nhà đầu tư cho DNNN?
- 31-05-2017Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thời điểm chín muồi để doanh nghiệp Mỹ tham gia vào lĩnh vực tài chính ngân hàng và cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam
- 30-05-2017Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: "Trong thực tế chưa có khoản nợ nào của DNNN mà Nhà nước không phải trả"
- 30-05-2017Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020
Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thực chất và hiệu quả” tổ chức vừa qua.
Quá ít DNNN được phá sản
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (thuộc Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương – CIEM) cho biết: Năm 2015 có đến 20% tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, lỗ luỹ kế, nhiều rủi ro không tự chủ được về tài chính, đóng góp thu ngân sách nhà nước giảm…
Ông cho hay mặc dù Chính phủ đã xác định xử lý dứt điểm các DNNN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường nhưng kết quả thực hiện đến nay chưa rõ nét.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước mới có 8 DNNN thua lỗ phải phá sản. Từ năm 2016 đến nay, cũng chỉ có thêm 1 doanh nghiệp nhà nước phải phá sản.
Ông Trung nói: Số lượng này quá ít so với toàn bộ doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, cần phải phá sản.
Chỉ rõ các bên đang không muốn doanh nghiệp bị phá sản, ông Trung cho biết hiện vẫn còn nhiều hình thức hỗ trợ tránh cho DNNN phá sản.
“Nhiều doanh nghiệp có nợ cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, mất an toàn tài chính, nguy cơ đổ vỡ cao, nhưng không bị xử lý. Chi tiêu, đầu tư, mua sắm lãng phí, thất thoát nguồn lực chưa được xử lý kịp thời, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Nhiều hình thức ưu tiên, ưu đãi tiếp cận nguồn lực vẫn diễn ra trên thực tế. Kết quả xử lý hàng chục dự án thua lỗ, “đắp chiếu” vẫn là câu hỏi ngỏ”, ông nói.
Điểm đáng lưu ý là cơ chế giao mục tiêu, nhiệm vụ và giám sát thực hiện đối từng DNNN không có thay đổi trong nhiều năm qua.
Ông Trung cho biết, nhiệm vụ hàng năm chủ yếu dưới hình thức phê duyệt kế hoạch đăng ký của doanh nghiệp, chưa thể hiện trách nhiệm cũng như mong muốn của cơ quan chủ sở hữu đối với DNNN trực thuộc. Mục tiêu trung và dài hạn của chủ sở hữu đối với từng DNNN hầu như chưa rõ, thiếu các chỉ tiêu định lượng vừa không tạo động lực, vừa không có áp lực buộc doanh nghiệp phải thực hiện.
“Điển hình là áp lực tối đa hóa lợi nhuận đối với doanh nghiệp kinh doanh chỉ cần “năm sau cao hơn năm trước” là đủ”, ông Trung dẫn chứng.
Trong giai đoạn 2011-2015 và từ năm 2016 đến nay đã có nhiều đổi mới về chủ trương và pháp luật. Tuy nhiên, ông Trung nhìn nhận việc triển khai thực hiện này hết sức chậm chạp, thậm chí không phù hợp với quy định pháp luật. Việc chuyển giao doanh nghiệp về SCIC ngày càng khó.
Ngoài ra, do nguyên nhân thất thoát tài sản của dự án, doanh nghiệp yếu kém nhưng chưa xác định trách nhiệm của ai. Bộ máy quản lý, cơ quan chủ quản kiêm nhiệm nhiều vị trí khác nhau.
Mặt khác, trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, mô hình chuyển doanh nghiệp nhà nước về SCIC rất tốt nhưng quá trình thực thi còn nhiều vướng mắc. Dù luật đã quy định rõ ràng nhưng khảo sát của CIEM tại nhiều doanh nghiệp cho thấy, cơ quan quản lý có những văn bản dưới luật cho phép doanh nghiệp giữ lại, không chuyển về SCIC. Hơn nữa, gánh nặng nợ quốc gia thông qua vay của doanh nghiệp nhà nước chưa có dấu hiệu cải thiện.
Một trong những nguyên nhân chính được ông Trung đưa ra là lợi ích nhóm. Theo đó, cơ hội để trục lợi đã dẫn đến việc không muốn thay đổi, thậm chí trì hoãn quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là tái cấu trúc quản trị.
Tái cấu trúc một cách thực chất
Để có thể nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN, ông Phạm Đức Trung đề xuất, cần tái cấu trúc danh mục tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp hiệu quả và thực chất. Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả tái cấu trúc quản trị và các mặt hoạt động của DNNN.
Đặc biệt, cần tái cấu trúc danh mục tài sản nhà nước đầu tư: Thu hồi tối đa vốn nhà nước từ cổ phần hóa để đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực cần tới vai trò của DNNN
Tiếp tục thu hẹp diện doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Sau 2020, chỉ nên giữ 100% vốn nhà nước đối với một số DN thuần tuý cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích và khó thu hút đầu nhà đầu tư bên ngoài. Các doanh nghiệp còn lại đều có thể cổ phần hóa không phân biệt ngành, lĩnh vực hoạt động, kể cả các công ty xổ số. Bên cạnh đó, cần ban hành cơ chế mới cho phép bán toàn bộ một DNNN không giới hạn quy mô.
Trong 5 tháng đầu năm 2017, mới cổ phần hóa được 13 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp; có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo tiêu chí mới; Công bố giá trị 38 doanh nghiệp (nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa); Đang xác định giá trị 107 doanh nghiệp; Tỷ lệ cổ phần trúng giá và giá bán cổ phần chưa đáp ứng yêu cầu, là rào cản đạt mục tiêu thu hút cổ đông bên ngoài và tái cơ cấu sở hữu.
Điểm đáng chú ý là giá bán trung bình đạt 13.000 đồng/cổ phiếu; Khối lượng cổ phần trúng giá đạt 60% cổ phần bán ra, nhưng chỉ tương đương 12,2% vốn điều lệ; 30% doanh nghiệp chỉ bán được dưới 2% số cổ phần đấu giá lần đầu.