Từ người đánh giày tới hệ thống Bệnh viện cho đồng hồ đeo tay đầu tiên tại Việt Nam
Ít ai nghĩ rằng ông chủ của Bệnh Viện Đồng Hồ - địa chỉ tin cậy cho người đeo đồng hồ tại Việt Nam, cũng là cái nôi đào tạo nên những chuyên gia sửa chữa đồng hồ, lại xuất thân từ một anh đánh giày.
Xuất thân từ một người đánh giày, rồi làm quét dọn cho 1 cửa hàng đồng hồ, nhờ chăm chỉ mà anh được ông chủ cửa hàng cho học nghề sửa chữa đồng hồ, và anh đã có cơ hội tiếp xúc với những cỗ máy đếm thời gian từ đó.
Môi trường công việc mang đến cho anh nhiều cơ hội hơn, đến khi được đảm nhận vị trí Kỹ thuật trưởng tại một trung tâm sửa chữa đồng hồ uy tín bậc nhất Hà thành thời đó. Anh đã có cơ hội được gặp các chuyên gia đến từ những thương hiệu nổi tiếng như Seiko, Rado, Omega và được họ đào tạo.
Trải qua 9 năm kinh nghiệm với nghề, cộng với sự nỗ lực của bản thân, năm 2010 anh được tham gia cuộc thi tay nghề toàn khu vực Đông Nam Á và may mắn đạt kết quả cao nhất với 74/100 điểm. Sau cuộc thi lại càng có nhiều cơ hội đến với anh, cơ hội lớn nhất có lẽ là Chuyến đào tạo nghề đồng hồ tại Thụy Sĩ. Chuyến đi này như là một phần thưởng cho những năm tháng cố gắng ấy, và chuyến đi cũng làm thay đổi hoàn toàn tư duy của người thanh niên này.
Mô hình Bệnh viện cho đồng hồ đầu tiên tại Việt Nam
Trong căn phòng kính trong suốt, du dương tiếng nhạc Cổ điển, những người kỹ thuật viên ngồi tỉ mẩn tháo lắp từng chi tiết “nhỏ hơn cái kim” để “bắt bệnh” và “điều trị” cho những chiếc đồng hồ của khách hàng.
“Hồi đấy Việt Nam mình không hề có hình thức nào tương tự để mà làm theo, mọi thứ tôi set-up cho Bệnh Viện Đồng Hồ đều được học hỏi từ chuyến đi Thuỵ Sỹ, từ sắp xếp phòng kỹ thuật, đồ dùng máy móc, cho đến vận hành, thậm chí tờ phiếu biên nhận đồng hồ cũng phải học từ họ. Mô hình của chúng tôi thời điểm đó là mô hình đầu tiên tại Việt Nam cho dịch vụ đồng hồ đeo tay” – Đặng Văn Trường – người sáng lập Bệnh Viện Đồng Hồ chia sẻ.
Sự chuyên nghiệp là một lựa chọn
Khi xây dựng Bệnh Viện Đồng Hồ năm 2014, với tư duy phải “làm khác biệt”, anh bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình bằng câu slogan “Dịch vụ số 1 cho đồng hồ chính hãng”.
“Chúng tôi có tôn chỉ là không sửa đồng hồ giả, đồng hồ nhái, chúng tôi muốn Bệnh Viện Đồng Hồ, ngoài sự chuyên nghiệp, phải là nơi tập trung những gì chân thành và tử tế nhất”
Với hệ thống 4 cửa hàng ở HN và TP.HCM, đội ngũ kỹ thuật của Bệnh Viện Đồng Hồ là linh hồn của Công ty. “Với những người thợ sửa chữa đồng hồ, sự khéo léo, tập trung và cẩn thận là những yếu tố quan trọng, nhưng trung thực phải là yếu tố đặt lên hàng đầu” – anh vẫn luôn nói như vậy để mỗi học trò khi xác định theo nghiệp, phải rèn luyện đức tính kiên trì và trách nhiệm với công việc, với kỷ vật của Khách hàng.
Anh muốn đó phải là nơi mà mọi chiếc đồng hồ, bất kể giá trị đều được phục vụ với tinh thần chuyên nghiệp, chất lượng thống nhất, mang lại sự yên tâm cho Khách hàng.
Căn chỉnh nhanh chậm trên máy Tester.
Tất cả hệ thống máy móc, thiết bị, công cụ sửa chữa anh đều nhập về từ những thương hiệu uy tín trong ngành công nghiệp đồng hồ Thuỵ Sỹ. Các linh, phụ kiện đồng hồ cũng được anh nhập khẩu từ nguồn chính hãng, đảm bảo chất lượng.
“Ví dụ như đồng hồ Rolex hoặc Patek Philippe, những thương hiệu này đòi hỏi phải có bộ công cụ mở đáy riêng, chúng tôi trang bị đầy đủ những thứ đó để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, đồng hồ cao cấp mà làm theo kiểu nghiệp dư thì sớm muộn gì cũng mất uy tín, hay như riêng đồng hồ Rolex cần đến 6 loại dầu riêng biệt để chấm vào bộ máy, chúng tôi cũng có đủ cả” – Anh Trường cho hay.
Tại đây, quy trình sửa chữa được công khai, minh bạch khi các phòng kỹ thuật được thiết kế hiện đại. Khách hàng được báo giá trước khi sửa chữa, cũng như có thể trực tiếp theo dõi kỹ thuật viên thực hiện thao tác trên chiếc đồng hồ của họ. Và mọi đồng hồ sửa chữa tại đây đều nhận được bảo hành từ 06 – 24 tháng.
Khách hàng ngày càng tin tưởng vào chất lượng, dịch vụ của Bệnh Viện đồng Hồ, nên đến nay Đặng Văn Trường cùng những người đồng hành với mình đã mở được 4 trung tâm lớn tại Hà Nội và TP.HCM, phục vụ hơn 20.000 chiếc đồng hồ mỗi năm, rất nhiều trong số đó là những thương hiệu thuộc hàng top của ngành đồng hồ như Patek Philippe, Audemars Piguet, Vacheron Constantin, Jaeger-LeCoultre, Breguet, A Lange & Söhne, Rolex…
“Thời kỳ đầu, khách hàng đến với tôi sợ để lại đồng hồ, họ nghĩ sẽ bị tráo đồ hay từ không có bệnh lại thành có bệnh để “ăn” tiền, thế mới thấy lâu nay dịch vụ sửa chữa đồng hồ ở Việt Nam mình “loạn” quá, hoạt động manh mún và thiếu chuyên nghiệp thì rất dễ mất niềm tin của khách hàng. Khi đó tôi lại càng tự tin với tầm nhìn và triết lý kinh doanh của mình, làm thật, không trái lương tâm thì không sợ gì cả”.
Tầm nhìn, cũng như triết lý này được anh xây dựng, theo đuổi trong cả việc đào tạo, bồi dưỡng những người học trò của mình trở thành thợ giỏi trong lĩnh vực đồng hồ.
Không chỉ nhận mà còn phải cho đi
Đặng Văn Trường tin rằng cuộc sống không chỉ là nhận mà còn phải cho đi, hướng tới những điều nhân văn, ý nghĩa.
Trong tiến trình phát triển của Bệnh Viện Đồng Hồ, vấn đề nhân sự mảng Kỹ thuật luôn là cốt lõi, việc đào tạo học viên không chỉ đảm bảo mục tiêu phát triển mà còn để anh truyền đạt lại niềm đam mê và những kinh nghiệm suốt gần 20 năm trong nghề.
“Xuất phát điểm của tôi không cao, được như ngày hôm nay một phần nhờ bản thân, phần nhiều nhờ may mắn và giúp đỡ của những người đi trước, nên tôi muốn làm gì đó giúp lại cuộc đời”, anh chia sẻ.
Đây là lớp học mà phần lớn những người theo đuổi đều có hoàn cảnh khó khăn, đến với nghề ban đầu có thể vì “cơm áo gạo tiền”, nhưng rồi qua quá trình gắn bó, niềm đam mê cứ lớn dần để rồi ai cũng quyết tâm theo nghiệp, trở thành những người thợ sửa chữa đồng hồ giỏi.
Khi tuyển học viên, anh ưu tiên trao cơ hội cho những em gặp hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Mỗi khóa học kéo dài từ 6 tháng tới 1 năm, với những ai có nghị lực và khả năng trong nghề, Bệnh viện Đồng hồ còn có chính sách tặng học bổng lên tới 50 triệu đồng cho một khóa học. Học viên hoàn thành khoá học được tạo điều kiện để làm việc và có thu nhập ổn định, cơ hội phát triển tay nghề cao.
Chia sẻ thêm về quản lý nhân sự kỹ thuật, Trường nói: “Trong quá trình làm việc, tay nghề của các bạn ấy được tôi kiểm tra định kỳ 1 lần mỗi năm, đây là cơ sở để thực hiện việc tăng cấp bậc, từ đó quyết định tăng lương và khả năng để học những cơ cấu máy mới - phức tạp và đòi hỏi nhiều tinh tế hơn trong thao tác. Cấp bậc cao nhất sẽ được cấp Chứng chỉ nội bộ và cất nhắc cho vị trí Kỹ thuật trưởng tại các địa điểm mới mở của Bệnh Viện Đồng Hồ”
Mong muốn đem lại dịch vụ chuyên nghiệp đến với nhiều người đeo đồng hồ hơn
“Mục tiêu của tôi đến nay vẫn như ngày đầu tiên thành lập Bệnh Viện Đồng Hồ, đó là cung cấp cho người đeo đồng hồ Việt Nam một nơi sửa chữa đồng hồ thực sự chuyên nghiệp và uy tín”
Anh cũng hi vọng Bệnh Viện Đồng Hồ là nơi để nuôi dưỡng và chăm sóc cho cái tâm, cái tài của những người thợ hướng đến những giá trị thật, hướng đến phục vụ khách hàng bằng tất cả tài năng và tâm huyết của những người gìn giữ thời gian.