Tư nhân hóa hệ thống ngân hàng
Tuy có tốc độ tăng trưởng cao nhưng quy mô của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn tương đối nhỏ. Quan trọng hơn, tỷ lệ vốn sở hữu của Nhà nước trong hệ thống này vẫn đang ở mức cao.
Chiếm số lượng lớn
Theo thống kê từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến hết năm 2015, hệ thống tổ chức tín dụng của Việt Nam sau tái cơ cấu đã phát triển khá đa dạng cả về cơ cấu và chủng loại. Trong đó, hệ thống này gồm: 7 ngân hàng thương mại (NHTM) thuộc sở hữu Nhà nước, 28 NHTM cổ phần tư nhân, 55 ngân hàng liên doanh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Hiện vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 449.473 tỷ đồng. Trong đó, vốn của khối NHTM Nhà nước là 144.999 tỷ đồng và của nhóm ngân hàng cổ phần là 186.147 tỷ. Cụ thể NHNN đang sở hữu 77,11% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), 64,46% vốn tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), 95,28% vốn của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), 100% vốn tại các ngân hàng: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GPBank), Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CBBank).
Nhận xét chung về vấn đề sở hữu các ngân hàng hiện nay, PGS.TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Thành viên Hội đồng Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, cấu trúc sở hữu của các NHTM cổ phần hiện tại rất phức tạp với sở hữu chéo, sở hữu tháp, sở hữu ngầm… Đây là nguồn gốc sinh ra cơ chế quản trị độc quyền cá nhân, lợi ích nhóm, biến NHTM cổ phần đại chúng thành những ngân hàng phi đại chúng, khiến nguồn vốn đầu tư không được phân bổ hiệu quả, có thể dẫn đến rủi ro cho hệ thống tài chính.
Trên thực tế, tại Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ ban hành về giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước căn cứ vào tiêu chí phân loại và vai trò với sự phát triển cả ngành để xác định tỷ lệ duy trì nắm giữ vốn Nhà nước nhưng tối đa không được quá 65% vốn điều lệ. Tuy nhiên, tại Tập đoàn Bảo Việt và các NHTM cổ phần, tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ vẫn được duy trì ở mức không thấp hơn 65% vốn điều lệ. Nghị quyết của Chính phủ còn nêu rõ, riêng VietinBank được bán hơn 35% vốn Nhà nước.
Như vậy, theo Nghị quyết này, trong thời gian tới, NHNN vẫn có thể duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần ở mức cao tại các NHTM như hiện nay.
Mặc dù vậy, xét cả quá trình, tỷ trọng tổng tài sản sở hữu của Nhà nước tại các NHTM Nhà nước đã có sự giảm mạnh trong khoảng 20 năm trở lại đây. Báo cáo nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển về vai trò của Nhà nước trong phát triển hệ thống tài chính Việt Nam cho thấy, năm 1993, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước là 85%, nhưng đến tháng 7-2015, tỷ lệ này đã xuống mức 47%. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn cao hơn mức trung bình trên thế giới (14,87% vào năm 2010).
Tư nhân hóa
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế, Việt Nam đã đạt được tiến bộ vượt bậc trong hoàn thiện khung pháp lý theo hướng tiếp cận các thông lệ quốc tế nhằm tạo điều kiện cho hệ thống tài chính phát triển, trong đó, việc cơ cấu lại hệ thống quản trị, cách thức điều hành hệ thống ngân hàng đã có nhiều tiến bộ và cải cách vượt bậc hơn cả.
Tuy nhiên, với việc NHNN là “cổ đông lớn” của khá nhiều NHTM như hiện nay, theo PGS.TS Đào Văn Hùng, cả 4 NHTM Nhà nước (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV) hiện đều là NHTM đa năng, có chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu và chiến lược phát triển tương tự nhau, có hệ thống sản phẩm dịch vụ cơ bản giống nhau. Do vậy, việc tiếp tục để tồn tại cả 4 NHTM Nhà nước đã dẫn đến chính các ngân hàng này cạnh tranh lẫn nhau, vừa không tạo được một ngân hàng có tầm cỡ trong khu vực vừa lãng phí các nguồn lực.
Đặc biệt, một chuyên gia tài chính- ngân hàng đã cho rằng, việc NHNN mua lại 3 ngân hàng 0 đồng, chuyển toàn bộ thành quyền sở hữu của NHNN có thể gây nhiều thiệt hại khi đây là 3 ngân hàng yếu kém. Vì thế, 3 ngân hàng này hoặc là để phá sản hoặc là bán lại cho các nhà đầu tư tư nhân.
Từ thực trạng trên, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, khu vực tư nhân đã được khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế và đã có bước phát triển mạnh mẽ, có khả năng đảm nhận được nhiều ngành, lĩnh vực mà khu vực Nhà nước đang thực hiện. Vì thế, với nguồn lực Nhà nước còn hạn chế thì cần chuyển vai trò từ nhà đầu tư trực tiếp (vào sản xuất, kinh doanh) sang vai trò điều tiết, hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự can thiệp của Nhà nước chỉ nhằm khắc phục những thất bại của thị trường.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đào Văn Hùng nhận định, Nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo và triệt để áp dụng các nguyên tắc thị trường trong phát triển hệ thống tài chính, cần chuyển dần từ một hệ thống phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng (Bank-based) sang hệ thống tài chính theo thị trường (Market-based). Vì thế, trong dài hạn, Nhà nước cần thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, tuy nhiên trong giai đoạn 5-10 năm tới vẫn cần thiết duy trì vai trò của khu vực Nhà nước trong chi phối, điều chỉnh hệ thống tài chính.
“Các ngân hàng cũng là mô hình doanh nghiệp kinh doanh đặc thù. Nhà nước đã thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ thì không có lý do gì để không có những bước đi thoái vốn phù hợp ở các NHTM Nhà nước, khu vực nào tư nhân làm được thì Nhà nước nên để tư nhân làm. Theo tôi, nếu thực hiện được việc giảm dần tỷ lệ sở hữu của Nhà nước ở 4 NHTM lớn, bán cho các nhà đầu tư nước ngoài, bán cho kinh tế tư nhân và dùng tiền đó để đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông, giáo dục, y tế… thì Nhà nước mới thể hiện được vai trò khi đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu cho sự phát triển kinh tế- xã hội”, ông Hùng nói.
Hải Quan