MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ nước nghèo nhất khu vực, phải xuất khẩu lao động, quốc gia Đông Âu này bất ngờ trở thành điểm nóng hút công nhân nước ngoài như thế nào?

04-05-2023 - 16:20 PM | Tài chính quốc tế

Sự chuyển mình thành công 180 độ này đã tạo nên sự chú ý khắp Châu Âu.

Từ nước nghèo nhất khu vực, phải xuất khẩu lao động, quốc gia Đông Âu này bất ngờ trở thành điểm nóng hút công nhân nước ngoài như thế nào? - Ảnh 1.

Tờ Economist cho biết chỉ cách đây 1 đời người, hình ảnh dân chúng xếp hàng xin trợ cấp lương thực tại Romania không có gì lạ. Thế nhưng giờ đây những đám đông xếp hàng dài tại nền kinh tế Đông Âu này đã biến thành lao động nhập cư nước ngoài đến xin trợ giúp. Vô số người Bangladesh, Nepal hay Ukraine đã đến Romania để làm bồi bàn, xây dựng và tạo dựng cuộc sống.

Hãng tin Reuters thì nhận định từ một quốc gia thuộc hàng nghèo nhất Châu Âu, Romania đã chuyển mình mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế Đông Âu lớn thứ 2 khu vực sau Ba Lan. Thậm chí từ một nước từng phải đi xuất khẩu lao động kiếm thu nhập về cho đất nước, Romania nay đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của lao động nước ngoài cần nơi ổn định cuộc sống tại Đông Âu.

Từ nước nghèo nhất khu vực, phải xuất khẩu lao động, quốc gia Đông Âu này bất ngờ trở thành điểm nóng hút công nhân nước ngoài như thế nào? - Ảnh 2.

Nhờ sự trợ giúp từ các nguồn tiền cứu trợ của Liên minh Châu Âu (EU), đồng tiền ổn định, đầu tư nước ngoài trực tiếp tăng cao đã khiến Romania thành điểm sáng khu vực.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán quốc gia này sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức 0,7% của Ba Lan, nền kinh tế lớn nhất Đông Âu.

Giỏi quan hệ

Hãng tin Reuters nhận định việc Romania gia nhập EU vào năm 2007 và giữ được mối quan hệ tốt đẹp với các nhà lãnh đạo trong khối đã đem lại những “phần thưởng” xứng đáng. Trong khi các quốc gia láng giềng gặp rắc rối vì những vấn đề địa chính trị khi xin trợ cấp thì Romania dễ dàng nhận được hơn 6 tỷ Euro vay vốn ưu đãi hậu đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Nicolae Ciuca của nước này thậm chí tuyên bố đặt mục tiêu kêu gọi hơn 10 tỷ Euro tiền hỗ trợ mỗi năm, tương đương 4% GDP cả nước. Từ nay đến năm 2027, các nhà hoạch định chính sách của Romania đặt mục tiêu tìm kiếm 90 tỷ Euro tiền hỗ trợ từ EU.

Bên cạnh nguồn hỗ trợ khủng từ EU, việc Romania giữ được đồng Leu ổn định cũng giúp nền kinh tế có lợi thế hơn trong khu vực trước bối cảnh bất ổn địa chính trị tại Ba Lan và Ukraine. Với tư cách là thành viên EU, Romania nhận được mọi lợi ích đáng có khi gia nhập khối này, qua đó tạo được ưu điểm vượt trội khi các doanh nghiệp, nhà máy muốn dịch chuyển sản xuất.

Theo Reuters, rất nhiều nhà máy tại Ukraine và Nga đã dịch chuyển sang Romania vì chi phí rẻ, vị trí địa lý thuận tiện và đặc biệt đây là thành viên EU.

Trong tháng 1-10/2022, tổng giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Romania đã đạt 9,39 tỷ Euro, mức 10 tháng cao nhất kể từ khi quốc gia này gia nhập EU.

Khảo sát của Ernst&Young cho thấy hơn một nửa số tập đoàn quốc tế hiện có ý tưởng mở rộng nhà máy tại Romania, đặt thị trường này ở vị trí thứ 4 trong top các quốc gia cần đầu tư ở Châu Âu.

Thế nhưng sự bùng nổ quá nhanh này lại đem đến một cơn đau đầu khác cho Romania: lao động.

Từ nước nghèo nhất khu vực, phải xuất khẩu lao động, quốc gia Đông Âu này bất ngờ trở thành điểm nóng hút công nhân nước ngoài như thế nào? - Ảnh 3.

Thiếu lao động

Tờ Economist nhận định trong suốt 10 năm, nền kinh tế Romania đã tăng trưởng bền vững với 4,7% vào năm 2022. Chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2010 của nước này chỉ tương đương 53% mức bình quân Liên minh Châu Âu (EU) thì vào năm 2021 đã đạt 74%.

Kinh tế tăng trưởng ổn định là vậy nhưng dân số lại giảm mạnh từ 23,2 triệu USD năm 1990 xuống 19 triệu người hiện nay. Nguyên nhân chính là bất ổn chính trị kể từ năm 1989 khiến vô số lao động xuất khẩu nước ngoài, rời bỏ đất nước. Hậu quả là khi tình hình Romania trở nên sáng sủa hơn so với nhiều nước trong khu vực thì nước này lại thiếu lao động trầm trọng và trở thành điểm sáng cho người nhập cư.

Hàng loạt ngành nghề đang bùng nổ tại Romania khát lao động trầm trọng, từ du lịch, khách sạn, nhà hàng cho đến xây dựng. Giám đốc Alexandru Baiculescu của công ty xây dựng Hidro Salt cho biết trong số 350 nhân viên thì có đến 200 người là lao động nhập cư, phần lớn là người Sri Lanka và Việt Nam.

Mức lương bình quân của công nhân xây dựng nhập cư này vào khoảng 1.000 USD/tháng, chưa kể tiền ăn ở.

Nhu cầu lao động tại Romania lớn đến mức cơ quan cấp visa cho người nước ngoài của họ bị quá tải trầm trọng.

Theo giám đốc Adriana Iftime của Liên đoàn doanh nghiệp ngành xây dựng (FCCE), Romania sẽ cần ít nhất 100.000 lao động nước ngoài vào cuối năm 2024 mới đủ đáp ứng được nhu cầu.

Việc quốc gia này nhận được 27 tỷ Euro, tương đương 29,8 tỷ USD trong gói hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng của EU hậu đại dịch đã khiến vô số công ty chạy đua với thời gian để hoàn thành tiến độ các công trình. Khoảng 17 tỷ Euro trong gói hỗ trợ trên sẽ đổ thẳng vào các dự án.

Nếu tính cả các khoản hỗ trợ khác từ EU thì Romania sẽ nhận được hơn 80 tỷ Euro từ nay đến năm 2027 và chắc chắn nền kinh tế này sẽ thiếu lao động trầm trọng.

“Lao động nhập cư là giải pháp duy nhất khi chúng tôi không còn lựa chọn nào khác”, bà Iftime than thở.

Từ nước nghèo nhất khu vực, phải xuất khẩu lao động, quốc gia Đông Âu này bất ngờ trở thành điểm nóng hút công nhân nước ngoài như thế nào? - Ảnh 4.

Thậm chí số người nước ngoài sinh ra tại Romania cũng đang tăng mạnh. Tính đến cuối năm 2022, quốc gia này có 113.520 công dân nước ngoài đến từ những quốc gia ngoài EU, mức tăng 110% so với cách đây 5 năm. Bên cạnh đó là 54.765 người mang quốc tịch EU, 113.000 người tị nạn Ukraine và 200.000 người nhập cư nữa từ quốc gia láng giềng Moldova.

Theo tính toán của Tổ chức nhập cư quốc tế (IOM) chi nhánh Bucharest, nếu loại trừ những người nhập cư láng giềng Moldova thì vào năm 2030, Romania sẽ có khoảng 600.000 người nước ngoài sinh sống.

*Nguồn: Economist, Reuters

Theo Băng Băng

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên