Từ tâm dịch đến điểm sáng hút vốn FDI
Khắc phục những khó khăn do dịch bệnh, Bắc Giang và Bắc Ninh đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, thu hút vốn FDI đạt kết quả ấn tượng
- 09-12-2021Luỹ kế từ đầu năm, Bình Dương hút 1,3 tỷ USD vốn FDI từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản..., tăng 59% so với cùng kỳ
- 08-12-2021'Ông lớn' LG rót 1,4 tỷ USD, địa phương này chưa hết năm đã cán đích mục tiêu hút vốn FDI
- 12-11-2021Xứ sở “người đẹp Tây Đô” bất ngờ lọt top 5 địa phương hút vốn FDI nhiều nhất cả nước trong 10 tháng, vượt mặt Hà Nội và Quảng Ninh
Bắc Giang, Bắc Ninh từng là tâm điểm của đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4. Tuy nhiên, từ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, vượt qua khó khăn và triển khai nhiều giải pháp phù hợp, 2 địa phương này đã và đang là những điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
"Top 10" thu hút vốn FDI
Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), từ đầu năm đến cuối tháng 11, tỉnh Bắc Giang đã thu hút được hơn 1 tỉ USD vốn FDI. Trong đó, các dự án cấp mới với tổng số vốn đăng ký hơn 613 triệu USD, bên cạnh đó là các dự án điều chỉnh vốn, góp vốn mua cổ phần. Tỉnh Bắc Giang đứng thứ 9 trên cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI, tính đến ngày 20-11.
Các dự án FDI có quy mô khá lớn tại Bắc Giang tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, vốn đầu tư trung bình đạt 150 triệu USD. Đặc biệt, trong năm 2021, tỉnh thu hút được một số dự án FDI có quy mô lớn như dự án Nhà máy Fukang Technology với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 453 triệu USD, hiện đã đi vào hoạt động giai đoạn 1. Tiếp đó có thể kể đến dự án Công nghệ tế bào quang điện JA Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư JA Solar Investment (Hồng Kông - Trung Quốc) với số vốn đăng ký đạt 210 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động từ quý I/2022...
Doanh nghiệp FDI sản xuất tại khu công nghiệp ở Bắc Giang. Ảnh: ĐẶNG THU
Trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến khó lường, nhấn mạnh việc kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, cho biết Bắc Giang luôn tập trung tháo gỡ vướng mắc bất cập liên quan đến quy định pháp luật, cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, bình đẳng, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thúc đẩy chuyển đổi số để mang đến sự thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tương tự, Bắc Ninh cũng đạt được những kết quả ấn tượng trong thu hút vốn FDI 11 tháng qua, dù tỉnh này cũng trải qua giai đoạn khó khăn của đợt bùng dịch lần thứ 4, khi dịch Covid-19 lây lan ở các khu công nghiệp của tỉnh. Tính đến ngày 20-11, Bắc Ninh thu hút được hơn 971 triệu USD vốn FDI, trong đó 110 dự án cấp mới với tổng số vốn đăng ký gần 542 triệu USD. Bắc Ninh đứng thứ 10 trên cả nước về kết quả thu hút vốn FDI.
Để vào "top 10" cả nước về thu hút vốn FDI, ông Nguyễn Quang Thành, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bắc Ninh, cho biết tỉnh đã đẩy mạnh tiến độ xây dựng công trình dự án trọng điểm có tính chất liên kết phát triển vùng, cùng với đó là thúc tiến độ giải phóng mặt bằng khu công nghiệp tạo mặt bằng cho nhà đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, địa phương đã linh hoạt trong xúc tiến đầu tư có trọng tâm, "gõ đúng cửa", thu hút dự án lớn có tính chất lan tỏa. Cũng theo ông Thành, tỉnh Bắc Ninh luôn duy trì "5 sẵn sàng" để thu hút vốn đầu tư FDI, gồm: sẵn sàng về mặt bằng đầu tư, sẵn sàng về nhân lực, sẵn sàng cải cách, sẵn sàng hỗ trợ và sẵn sàng chống dịch Covid-19.
Sẵn sàng về cơ chế, hạ tầng
Với những kết quả tích cực trong phòng chống dịch, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam nói chung và 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh được kỳ vọng sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới. Ngoài các giải pháp về xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, việc đầu tư vào hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở cho công nhân... cũng là một trong những yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư chọn Bắc Giang, Bắc Ninh là các điểm đến đầu tư.
Trong một hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp châu Âu mới đây, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, nhấn mạnh tỉnh sẽ hoàn thiện và phát triển hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng công nghiệp và hạ tầng xã hội của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để đáp ứng các yêu cầu về đầu tư. Ông Mai Sơn cam kết Bắc Giang sẽ triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh, nhất là trong vấn đề tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư, xây dựng.
Với Bắc Ninh, ông Nguyễn Quang Thành cho biết các khu, cụm công nghiệp ở tỉnh được đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, khả năng cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc, là cơ sở để Bắc Ninh kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Bắc Ninh cũng là địa phương dẫn đầu nguồn cung bất động sản công nghiệp tại miền Bắc. Cụ thể, theo báo cáo Savills Việt Nam vừa công bố, với 15 dự án, Bắc Ninh dẫn đầu miền Bắc với tổng diện tích 5.797 ha khu công nghiệp và đạt tỉ lệ lấp đầy trung bình năm 2021 lên tới 99%.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, có cái nhìn tích cực về Việt Nam. Dù bối cảnh dịch bệnh nhưng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam vẫn gia tăng. Với những tín hiệu đó, Thứ trưởng cho rằng thu hút vốn FDI sẽ có nhiều triển vọng trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2022. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nhắc đến các chuyến công du của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian qua luôn gắn với xúc tiến đầu tư, đây là yếu tố quan trọng để chúng ta tin tưởng vào bức tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
11 tháng, cả nước thu hút vốn FDI đạt 26,46 tỉ USD
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20-11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 26,46 tỉ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 11 tháng qua, có 1.577 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 14,1 tỉ USD, tăng 3,76% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 14 tỉ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Người lao động