Với sứ mệnh đưa tiếng Anh đến với số đông, phù hợp với mức thu nhập của gia đình Việt, Hệ thống Trung tâm Anh ngữ Quốc tế iSpeaking ra đời với mức học phí thấp nhưng chất lượng cao, ứng dụng công nghệ giáo dục hiện đại, xây dựng hệ thống học tập cá nhân hoá đến với từng học sinh. Song song với đó, cô giáo người Mỹ - Founder của hệ thống tiếp tục đầu tư cho Trường mầm non Quốc tế Helen Garvis, để hoàn thiện ước mơ "người gieo mầm" bằng tất cả sự tận tâm, tử tế và yêu thương.
Tới Việt Nam theo lời mời của một người bạn, có lẽ ở thời điểm đó, chính cô cũng Helen Garvis cũng không thể ngờ mình sẽ lựa chọn ở lại đất nước cách xa nửa vòng trái đất này. Thế nhưng, theo lời mách bảo của trái tim và tìm thấy sứ mệnh đến với giáo dục, cùng với ước mơ xây dựng một ngôi trường riêng cho con trai của mình, tới nay, Helen Garvis đã xây dựng Hệ thống Trung tâm Anh ngữ Quốc tế đáp ứng được tiêu chí: học phí thấp nhưng tiêu chuẩn cao và Trường mầm non Quốc tế mang tên mình.
Với chiến lược "khác biệt hóa" bằng sự tận tâm, tử tế và lòng yêu thương, hành trình vượt qua những tháng ngày gian khó để xây dựng niềm tin và phát triển thương hiệu của cô Helen Garvis khiến nhiều người khâm phục.
Sinh ra, lớn lên và đang có sự nghiệp riêng ở Mỹ, lý do gì khiến cô quyết định tới Việt Nam để "gieo mầm" cho những dự án giáo dục của mình?
Tôi đến Việt Nam theo lời mời của một người bạn. Thời gian đầu có hơi bỡ ngỡ về đất nước xa lạ khi chưa bao giờ đặt chân tới, chỉ đọc sách, xem phim và nghe qua lời kể của bạn bè.
Trong quãng thời gian ở Việt Nam khi đó, tôi tham gia nhiều chuyến du lịch trải nghiệm và các chương trình thiện nguyện tới các làng trẻ mồ côi, khu vực vùng sâu vùng xa. Những chuyến đi như vậy đã giúp tôi có cơ hội trải nghiệm một cuộc sống mới lạ, tiếp xúc với nhiều mảnh đời khác nhau của trẻ em Việt Nam. Tôi bắt đầu phát hiện ra những thiệt thòi của các em, chúng đều không được tiếp cận nền giáo dục như tôi đã được thụ hưởng.
Đồng thời, tôi cũng nhận ra rằng ở Việt Nam, để có được có cơ hội tiếp xúc với một nền giáo dục tốt không phải là dễ dàng đối với nhiều gia đình có thu nhập trung bình, thấp.
Những điều đó dần trở thành ngọn lửa nhen nhóm khiến tôi ấp ủ ước muốn xây dựng một trung tâm tiếng Anh chất lượng dành cho rất nhiều người có mong muốn được học tập nhưng lại không có đủ điều kiện để học.
Tôi nhận ra mình cần dành nhiều thời gian hơn nữa để cống hiến tuổi trẻ và "gieo mầm" sự nghiệp giáo dục tại Việt Nam, giúp đỡ nhiều trẻ em Việt hơn nữa, để thực hiện được ước mơ này cần phải tạo ra một tổ chức hoạt động giáo dục đúng nghĩa.
Hệ thống Trung tâm Anh ngữ Quốc tế iSpeaking khi mới thành lập có quy mô thế nào?
Những ngày đầu tiên chân ướt chân ráo làm nghề giáo ở Việt Nam, tôi không biết đến cách thức để thành lập doanh nghiệp như thế nào, cần những thủ tục pháp lí gì. Khó khăn nhất là bất đồng ngôn ngữ.
Ban đầu, Hệ thống Trung tâm Anh ngữ Quốc tế iSpeaking chỉ có một vài phòng học với các phương tiện giảng dạy đơn sơ, cơ bản. Chính tôi là người đứng lớp kiêm tất cả mọi việc, từ bắt tay vào việc xây dựng chương trình học cho đến phải tự tay đi mua từng chiếc bàn, chiếc ghế, tờ giấy hay cây bút viết bảng.
Đó là cơ sở vật chất, còn về chương trình học thì sao?
Tôi mất rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu và xây dựng từ những học liệu tiêu chuẩn quốc tế như Oxford hay Cambridge. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải biến đổi để phù hợp với môi trường, văn hoá, đặc điểm của trẻ em Việt Nam. Chương trình học chính là suối nguồn sáng tạo mang tới cảm hứng học tập cho học sinh. Vì thế, không ép buộc con trẻ phải học tập hay bắt chước theo một hình mẫu có sẵn.
Khi đó, Hà Nội đã có nhiều trung tâm Anh ngữ có tiếng, iSpeaking làm thế nào để tạo ra sự khác biệt và nhận được niềm tin để lựa chọn của phụ huynh?
Tôi không có cách nào khác là bắt đầu bằng việc làm việc nghiêm túc ngay từ những giây phút đầu tiên. Tôi vẫn còn nhớ thời điểm đầu tiên đó là vào một buổi sáng chủ nhật, tôi bắt đầu sự nghiệp "gõ đầu trẻ" của mình với… một học viên duy nhất. Đó chính là con của chị hàng xóm tốt bụng. Tuy lớp chỉ có một học sinh nhưng tôi vẫn dồn hết tâm huyết soạn từng bài giảng, truyền đạt cho con những kiến thức tốt nhất, chăm chút phòng học đẹp đẽ. Không lâu sau, bé nhanh chóng tiến bộ, phụ huynh bé tin tưởng và giới thiệu thêm nhiều phụ huynh đến học cùng.
Theo thời gian, cứ người này giới thiệu người khác mang con tới học và số lượng học sinh từ vài chục, vài trăm cho đến con số hàng chục nghìn. Rất nhiều năm trong thời gian đầu tôi chưa biết cách để làm quảng cáo nhưng học sinh vẫn được giới thiệu kéo tới học rất đông.
Quyết định mở tiếp các cơ sở khác để tạo thành Hệ thống Trung tâm Anh ngữ Quốc tế iSpeaking đã mang tới những khó khăn, thách thức gì?
Khi iSpeaking đã gây dựng được chỗ đứng của mình trong thị trường giáo dục, số lượng học sinh bỗng nhiên tăng lên đột biến. Không còn cách nào khác, tôi phải mở rộng quy mô hoạt động của trung tâm, thế nhưng điều này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính tôi không thể nào ngờ tới. Số lượng trung tâm nhiều, một mình tôi không đủ khả năng để giám sát được hoạt động mỗi trung tâm sát sao, chất lượng dịch vụ trở nên đi xuống, phụ huynh phàn nàn, mất niềm tin, nhân viên cấp dưới gặp áp lực nên đã xin nghỉ.
Đứng trước thất bại, tôi không muốn khát vọng, ước mơ của mình chấm dứt. Đây chỉ là những khó khăn, thử thách mà bất cứ một người đứng đầu doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt. Từ đó, tôi lại đứng dậy và tiếp tục chiến đấu với mọi chông gai, gỡ rối các vấn đề gặp phải để tìm được hướng đi mới. Cụ thể là tư duy lại cách vận hành hệ thống chuỗi phù hợp, nghiên cứu quy trình kiểm soát và quản lí chất lượng hiệu quả, thực hiện giải pháp quản trị bằng các ứng dụng công nghệ. Và cuối cùng là tìm kiếm những mảnh ghép nhân sự cần thiết, những con người có chung chí hướng và ước mơ.
Vốn là người làm chuyên môn, trước đó chỉ giảng dạy tại Mỹ, cô đã làm thế nào để quản lý và quản trị hệ thống của mình?
Đó chính là một trong những thách thức mà tôi cũng phải vượt qua. Bắt đầu từ việc phải học thêm về các kiến thức quản lý hệ thống, quản trị tổ chức.
Sau này khi hệ thống đã phát triển thành chuỗi, tôi lại dấn thân vào hành trình tìm kiếm những nhân tài có cùng chí hướng và mục đích lý tưởng để có thể điều hành và quản lí tổ chức giáo dục của mình. Câu chuyện đã không còn cá nhân nữa mà đã trở thành sự chiến đấu của một tập thể để ước mơ được tiếp tục.
Ở thời điểm cách đây 10 năm, cô thấy việc học tiếng Anh của trẻ em Việt Nam lúc đó có ưu và nhược điểm gì? So với hiện tại thì sao?
10 năm trước đây, cơ hội được tiếp xúc và học tiếng Anh của trẻ hầu như ít hơn. Số lượng trung tâm tiếng Anh tên tuổi chưa có nhiều như hiện tại, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam cũng chưa đông như bây giờ. Học tiếng Anh với 100% giáo viên nước ngoài, cơ sở vật chất tốt đều chỉ có ở những trung tâm tiếng Anh lớn. Cộng thêm vị trí đắc địa nên học phí rất đắt, chỉ dành cho những gia đình khá giả, có điều kiện.
Bây giờ, trẻ em có nhiều cơ hội để học tiếng Anh hơn, từ học ở trường lớp, trung tâm ngoài hay học qua các thiết bị công nghệ, điện tử. Trong thời đại toàn cầu, tiếng Anh trở thành nhu cầu học tập cơ bản cho mọi trẻ em. Tôi tự hào vì nhờ iSpeaking với mức học phí thấp nhưng chất lượng dịch vụ giảng dạy và đào tạo chuyên nghiệp, tiếng Anh đã được mang tới gần hơn với nhiều gia đình hơn.
Trong số các học viên của mình, cô ấn tượng với trường hợp nào nhất?
Trong suốt quãng thời gian đứng lớp của mình, tôi đã dạy dỗ rất nhiều đứa trẻ, sau nhiều năm trời học tập tại iSpeaking, các mối quan hệ đó trở nên thân thiết và gần gũi như những người ruột thịt. Trong số đó, có nhiều bạn nhỏ đạt thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh thành phố, Olympic tiếng Anh, du học tại các trường đại học danh tiếng như Stanford University, University of Rochester… Hầu hết các em đều là những đứa trẻ sinh trưởng trong những gia đình lao động phổ thông hay công chức bình thường, không có xuất phát điểm tốt về điều kiện kinh tế.
Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng tôi đã dạy ai đó thành công hay để ý xem ai là người thành công nhất, việc truyền cảm hứng đam mê học tập cho những đứa trẻ, giúp chúng yêu thích tiếng Anh, có niềm tin vào bản thân và bước chân ra biển lớn, đó chính là thực hiện thành công ước mơ của bản thân tôi thì chính xác hơn.
Từ đâu, cô quyết định thành lập trường mầm non quốc tế và lấy tên mình - Helen Garvis – làm tên trường?
Quyết định thành lập trường mầm non quốc tế và lấy tên mình - Helen Garvis – làm tên trường chính là quyết định đặt danh dự và tâm huyết của mình vào ngôi trường. Đây cũng là một ngôi trường tôi dành riêng cho con trai như một món quà của người mẹ, thể hiện tình yêu thương của tôi dành cho bé.
Từ lúc thai nghén cho tới lúc thành hình tôi phải mất tới 5 năm. Cho tới lúc nhận thấy thời điểm chín muồi và đủ khả năng cũng như tài chính để tiếp tục vận hành một ngôi trường mới, tôi mới quyết định thành lập Trường mầm non Quốc tế Helen Garvis
Công việc tại các trung tâm tiếng Anh với học sinh từ 3 tới 18 tuổi khác biệt như thế nào so với công việc tại một trường mầm non quốc tế? Có điều gì khó khăn, vất vả hơn?
Mỗi công việc đều có khó khăn riêng. Thế nhưng có thể công việc tại Trường mầm non Quốc tế Helen Garvis thậm chí có phần khó khăn vất vả hơn gần như tôi phải bắt đầu tất cả lại mọi thứ từ đầu. Đây là một ngôi trường thực sự, một mái nhà thứ hai để các con lớn lên. Tôi phải cùng với các giáo viên, nhân viên của nhà trường phải nhận trách nhiệm thay mặt các bậc cha mẹ dạy dỗ, chăm sóc con cái của học.
Công việc khó khăn nhất là tìm được giáo viên đủ tâm và tầm để dạy dỗ học sinh, thực sự ở Việt Nam số lượng giáo viên đạt yêu cầu này không nhiều.
Từng chia sẻ, bản thân mang đậm tư tưởng của mô hình giáo dục Khai phóng Hoa Kỳ, cụ thể, cô đã áp dụng triết lý giáo dục này như thế nào vào trường học của mình?
Thể hiện qua chương trình học, mang nhiều tính trải nghiệm, giúp các con có tình yêu với thiên nhiên, cuộc sống và tri thức. Bên cạnh đó việc đào tạo không chỉ thiên về kiến thức, kĩ năng mà còn giúp trẻ hoàn thiện về nhân cách, đạo đức. Mọi học sinh ở trường đều được tự do thể hiện cá tính và nhận được sự tôn trọng cá nhân với những đặc điểm khác biệt.
Làm thế nào để các giáo viên thấm nhuần được triết lý giáo dục "tôn trọng sự khác biệt" này?
Ngay từ đầu, tôi đã lựa chọn những con người có chung mục đích, phù hợp để chèo lái con thuyền Helen Garvis mang triết lý giáo dục này. Tôi không ép buộc những giáo viên đồng hành cùng tôi phải khiên cưỡng theo đuổi một triết lý vô nghĩa, tôi luôn muốn truyền cảm hứng, cùng chung tay làm việc và đồng cam cộng khổ với những thầy cô giáo, nhân viên – những người cộng sự của mình để thấu hiểu nhau hơn.
So với iSpeaking, việc thuyết phục phụ huynh tin tưởng và lựa chọn trường cho con ở lứa tuổi 1-6 dễ và khó hơn ở điểm nào?
Việc xây dựng và phát triển iSpeaking đã khiến chúng tôi có một kho kiến thức và trải nghiệm, phần nào giúp phụ huynh hiểu và yên tâm hơn. Nhưng trên tất cả, tôi vẫn cho rằng mọi hành động bắt nguồn từ hai từ tận tâm và tử tế khiến iSpeaking hay Helen Garvis mới có thể tồn tại và được tin tưởng lựa chọn. Có những thứ tôi luôn giữ vững nguyên tắc trong suốt sự nghiệp của mình: trung thực, bền bỉ duy trì chất lượng sản phẩm, dịch vụ, kiên định với sứ mệnh và triết lý giáo dục mình theo đuổi.
Việc giáo dục trẻ ở giai đoạn "mầm non" này có điểm gì đặc biệt phải chú ý?
Đây là giai đoạn con trẻ hình thành và phát triển thói quen, kích thích sự đam mê khám phá tri thức và khơi gợi tiềm năng sáng tạo. Nếu bỏ lỡ mất thời điểm "vàng" này sẽ rất mất nhiều thời gian và công sức về sau để giúp trẻ phát triển.
Hơn nữa, trẻ ở giai đoạn mầm non rất non nớt, nhạy cảm, tâm lý thay đổi bất ngờ "sáng nắng chiều mưa" giáo viên cần phải yêu quý, dành nhiều thời gian chăm sóc và kiên nhẫn lắng nghe hơn.
Theo cô, điều gì quyết định thành công và hạnh phúc của một đứa trẻ?
Không có bất cứ định nghĩa nào về thành công và hạnh phúc của một đứa trẻ hay thậm chí một ai đó. Nếu bạn bắt đứa trẻ muốn khóc phải cười hay một đứa trẻ giỏi Văn phải giỏi Toán, đó là phản giáo dục.
Thành công và hạnh phúc luôn phụ thuộc vào góc nhìn và đánh giá của mỗi cá nhân, thậm chí hai thứ đó đôi khi không song hành cùng nhau. Tôi không cố gắng tạo ra một khuôn mẫu hay khái niệm nào để ép buộc con trẻ phải thực hiện theo. Mặc dù vậy, luôn có một công thức để giúp con người theo đuổi thành công hay hạnh phúc dù lựa chọn theo con đường nào, đó là tổng hợp các yếu tố nền tảng giá trị của tri thức, danh dự bản thân, ý chí và sự bền bỉ theo đuổi đam mê, khả năng vượt qua thất bại. Đây chính là những điều tôi cùng các giáo viên tại iSpeaking và Helen Garvis truyền đạt cho các em học sinh mỗi ngày.
Hành lang và sảnh thang bộ
Hệ thống Trung tâm Anh ngữ Quốc tế iSpeaking và Trường mầm non Quốc tế Helen Garvis là một chút quả ngọt đạt được sau gần 10 năm gian khó, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thử thách ở phía trước. Không dừng lại ở con số một ngôi trường mầm non và hàng chục trung tâm tiếng Anh, ước mơ của cô Helen là xây dựng được Tổ chức giáo dục hàng đầu tại Việt Nam để thực sự kiến tạo một nền giáo dục Việt Nam tốt đẹp hơn.
Trí Thức Trẻ