MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ vụ diễn viên ‘tố’ bảo hiểm: Cần tỉnh táo trước ‘ma trận’ thông tin hợp đồng

11-04-2023 - 12:20 PM | Tài chính - ngân hàng

Từ vụ một nữ diễn viên phát trực tiếp (livestream) trên Facebook, khóc nức nở, khẳng định bị tư vấn mập mờ về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng: Khách hàng cần đọc kỹ hợp đồng khi tham gia; đồng thời nếu thắc mắc, ngay lập tức yêu cầu công ty bảo hiểm, tư vấn viên giải đáp thỏa đáng. Ngược lại, khách hàng có 21 ngày để "dùng thử" và đi tới quyết định cuối cùng.

Từ vụ diễn viên ‘tố’ bảo hiểm: Cần tỉnh táo trước ‘ma trận’ thông tin hợp đồng - Ảnh 1.

Thông thường, các khách hàng chỉ nghe qua tư vấn chứ không mấy khi đọc hết và hiểu được các ý trong hợp đồng bảo hiểm.

Bảo hiểm là một sản phẩm tốt về khía cạnh kiểm soát rủi ro hay sự an toàn hoặc an tâm cho tương lai (khó hoặc không thể kiểm soát). Nhưng nó là một sản phẩm tài chính phức tạp, tinh vi mà sự thất bại chủ yếu nằm ở người mua thiếu hiểu biết, có thể do quá tin tưởng vào đại lý thiếu hiểu biết hoặc đạo đức nhưng thừa tham vọng.

Liên quan vụ lùm xùm một diễn viên vừa "tố" nhân viên của một hãng bảo hiểm tư vấn không rõ ràng; đồng thời lo mất tiền tỷ khi mua bảo hiểm, một số luật sư cho biết, họ chưa được đọc bản hợp đồng ký kết giữa các bên nên chưa phân tích cụ thể được đúng - sai. Tuy nhiên, thực tế nhiều người mua bảo hiểm thường tin và nghe tư vấn hơn là đọc hợp đồng vì hợp đồng quá dài, nhiều ngôn ngữ mang tính kỹ thuật.

“Tôi là dân kinh tế, đọc đi đọc lại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ còn ung hết cả thủ, không hiểu gì. Họ cố tình viết hợp đồng với câu chữ phức tạp, tham chiếu ngược xuôi như ‘mê cung’, để người mua không thể hiểu nổi, chỉ nghe diễn giải của nhân viên bán bảo hiểm rồi mua, trong khi lời nói của nhân viên bán bảo hiểm chẳng có giá trị pháp lý. Nhất là khi công ty bảo hiểm nhân thọ ‘song kiếm hợp bích’ với ngân hàng, ăn theo các hợp đồng tín dụng của ngân hàng (việc Nhà nước cấm nhưng chưa có chế tài xử lý vi phạm) thì người vay tiền buộc phải ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, miễn thắc mắc, miễn đàm phán câu chữ, điều kiện”, TS Lương Hoài Nam viết trên Facebook. TS Lương Hoài Nam đề xuất: Đã đến lúc Nhà nước cần mạnh tay với các hình thức lừa đảo núp danh bảo hiểm nhân thọ!

Theo luật sư Hà Huy Phong - Công ty Luật Inteco, bảo hiểm là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù, vừa đòi hỏi sự tính toán theo cơ chế thị trường (tự do ý chí và thoả thuận), nhưng cũng vừa đòi hỏi sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn để bảo vệ người tiêu dùng. Hợp đồng bảo hiểm thuộc diện hợp đồng mẫu mà công ty bảo hiểm phải đăng ký trước khi lưu hành.

“Dù đã được đăng ký nhưng bản thân hợp đồng vẫn luôn bị cài cắm để dẫn dụ và ngăn chặn khả năng khách hàng thực hiện các quyền của mình, hoặc làm cho khách hàng bị mất khả năng bảo vệ trước các rủi ro do chính công ty bảo hiểm (bao gồm cả đại lí và nhân viên công ty bảo hiểm) gây ra. Không phải người mua bảo hiểm nào cũng đủ khả năng tự bảo vệ mình trước ‘ma trận’ các thông tin tiếp thị và bán hàng của đơn vị kinh doanh bảo hiển. Đặc biệt, thực tiễn ở Việt Nam, dịch vụ bảo hiểm còn bị ‘biến dạng’ khá nhiều thông qua các đại lý kinh doanh bảo hiểm và nhân viên tư vấn, môi giới bảo hiểm”, luật sư Hà Huy Phong cho biết.

Một yêu cầu của pháp luật, là công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm về việc các đại lý và nhân viên của mình thực hiện trong quá trình tư vấn, giới thiệu, ký kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm với khách hàng. Do đó giới luật sư cho rằng: Khách hàng nên dành thời gian đọc kĩ hợp đồng bảo hiểm, làm việc trực tiếp với đại lý bảo hiểm có thẩm quyền, không nên thông qua các đại lý cá nhân, cá nhân tư vấn và môi giới.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật phân tích: Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là hợp đồng dân sự, khách hàng tự nguyện ký vào bản hợp đồng này đồng nghĩa phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã ký. “Hợp đồng chỉ có thể vô hiệu trong trường hợp khách hàng bị lừa dối, đe dọa, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục...”, luật sư Diệp Năng Bình cho biết.

Luật sư Bình đã từng nhận hỗ trợ pháp lý cho nhiều vụ liên quan đến vấn đề bảo hiểm nhân thọ. Nhưng chủ yếu các hợp đồng này thường thương lượng giữa hai bên, còn một vài vụ có gửi tòa nhưng tòa chưa thụ lý nên gần như chưa có vụ nào ra tòa để xử. Các vấn đề tranh chấp chủ yếu là do khách hàng không đọc kỹ hay đọc hết hợp đồng hoặc chữ ký trong hợp đồng không phải là chữ ký chính mà là chữ ký điện tử. Thường khi khách hàng đóng tiền xong, mấy chục ngày sau công ty bảo hiểm mới gửi hợp đồng qua và chữ ký đó là chữ ký điện tử in ra.

“Bản thân tôi khi mua bảo hiểm, 20 ngày sau họ mới gửi hợp đồng sang. Khi đọc xong bản hợp đồng cứng, tôi mới biết một số bệnh chỉ được bồi thường 20%, chứ không phải 100% như lúc nhân viên tư vấn nên tôi không đóng tiền nữa. Khách hàng hoàn toàn có thể dừng hợp đồng giữa chừng”, luật sư Diệp Năng Bình chia sẻ.

Chiều 10/4, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có công văn gửi Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MVI - MVI Life (Aviva Việt Nam trước đây) yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, trong những ngày vừa qua, vụ việc bà N.T.N.L (diễn viên N.L) phản ánh về giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với Công ty MVI Life đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Theo đó, cơ quan quản lý yêu cầu MVI Life rà soát các thông tin về hợp đồng bảo hiểm giao kết với diễn viên N.L và quá trình tư vấn của đại lý bảo hiểm, việc công bố thông tin cho khách hàng khi thay đổi chủ đầu tư và đổi tên doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải báo cáo về công tác dịch vụ và chăm sóc khách hàng đối với các hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực. Các nội dung này được Bộ Tài chính yêu cầu MVI Life báo cáo về Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm trong ngày 11/4. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng yêu cầu MVI Life tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm; yêu cầu đại lý tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm, cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm.

Ông Phùng Đắc Lộc - Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: Trong quy tắc điều khoản bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm đều ghi rõ quyền lợi bảo hiểm như: Các khoản tiền được chi trả toàn bộ hay một phần số tiền được bảo hiểm (theo một số tiền nhất định hoặc theo tỷ lệ % trên số tiền bảo hiểm; đồng thời cũng quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ giấy tờ cần thiết kèm theo giấy yêu cầu trả tiền bảo hiểm). Người tham gia bảo hiểm nên đọc kỹ và thực hiện theo hướng dẫn các văn bản trên để được trả tiền bảo hiểm nhanh chóng và chính xác.

Tuy nhiên, có một số trường hợp có nghi vấn về kê khai số tiền yêu cầu chi trả bảo hiểm chưa chính xác thường liên quan đến bệnh lý hoặc chi phí điều trị (như cảm cúm nằm nội trú 30 ngày, vết thương phần mềm điều trị 2 tháng) hoặc có dấu hiệu gian lận bảo hiểm (theo điều 213 Bộ Luật Hình sự), doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) có quyền xác minh thêm. Thời gian xác minh chậm nhất là 30 ngày (theo luật Kinh doanh bảo hiểm), DNBH phải có kết luận thanh toán tiền bảo hiểm. Trường hợp DNBH nhũng nhiễu đòi hỏi thêm nhiều thủ tục, giấy tờ hoặc trả tiền bảo hiểm không đúng quy định, khách hàng có thể khiếu nại đến Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) - địa chỉ số 28 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nếu vẫn chưa được DNBH giải quyết theo đúng cam kết của hợp đồng bảo hiểm khách hàng có thể khởi kiện DNBH ra tòa án hoặc trọng tài để xử lý và được bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Theo Minh Phương

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên