Từ vụ lấy hải sản ở quán buffet: Đưa hình ảnh khách lên mạng coi chừng phạm luật
Việc công khai hình ảnh thực khách bỏ 10 kg hải sản vào ba lô định mang về có thể ảnh hưởng đến uy tín của quán mà còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
Những ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao clip một quán buffet ở đường Nguyễn Chí Thanh (TP Hà Nội) công khai hình ảnh khách bỏ 10 kg hải sảng vào ba lô định mang về.
Sự việc được lan truyền nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội và xảy ra tranh luận trái chiều.
Chị T., một người xuất hiện trong clip cho biết ngày 25-1 chị và nhóm nhân viên có đặt bàn tại quán buffet với giá 409.000 đồng/người. Sau đó, nhân viên quán phát hiện chị A. (nhân viên của chị T.) bỏ 10 kg hải sản vào ba lô nên mời công an đến giải quyết.
Đáng chú ý, quán buffet đã quay clip có hình ảnh chị T. rồi đăng lên trang của quán khiến clip chia sẻ rộng rãi. Sau đó, quán đã phạt khách số tiền 6,5 triệu đồng do toàn bộ hải sản bị niêm phong và hư hỏng sau khi công an đến ghi nhận.
Chị T. cho biết việc quán quay clip có hình ảnh của chị đã khiến nhiều người quen biết liên tục hỏi thăm. Dù chị có giải thích là nhân viên của mình lần đầu ăn buffet nên tưởng như ăn cổ ở quê mới mang về nhưng nhiều người vẫn liên tục nhắn tin, gọi điện khiến chị mệt mỏi.
Đến trưa 28-1, clip mặc dù đã gỡ bỏ khỏi trang mạng xã hội của quán nhưng clip vẫn còn lan truyền mạnh trên mạng.
Mỗi quán buffet đều có quy định riêng về tiền vé cũng như những quy định phạt nếu khách giấu đồ ăn mang về. Tuy nhiên việc tự ý công khai hình ảnh của khách trên mạng sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của quán mà còn vi phạm pháp luật.
Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền với hình ảnh của mình, việc sử dụng ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý.
Mặt khác Quy định tại Điều 32, 41, 42, 43, 44, và 45 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 chỉ hạn chế hoặc tước bỏ một số quyền dân sự của bị can, bị cáo như: cấm đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định, cấm đi khỏi nơi cư trú, tịch thu tài sản...
Không có quy định nào tước bỏ quyền đối với hình ảnh của một người, dù đó là kẻ phạm tội. Như vậy, người phạm tội vẫn có quyền đối với hình ảnh của mình.Trong trường hợp này, dù người ăn buffet có sai nhưng việc quay phim, chụp ảnh họ đăng lên mạng xã hội xâm phạm đến quyền về hình ảnh của họ.
Theo quy định tại điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 thì hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra hành vi sử dụng mạng máy tính để đăng tải hình ảnh nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Tùy theo mức độ vi phạm mà người vi phạm sẽ phải chịu mức phạt tương ứng, cụ thể: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Hoặc có thể bị phạt tù từ 3 tháng tới 2 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Người lao động