Từ vụ thất thoát 8 tỷ đồng do kế toán rút ruột công quỹ chơi bitcoin đến bài học cảnh tỉnh cho nhà đầu tư tiền số ở Việt Nam
Đầu tư tiền số trên các sàn giao dịch ở Việt Nam là hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro và có khả năng bị mất trắng rất cao.
- 02-03-2018Nhà quản lý quỹ từng đổ 50% danh mục vào bitcoin: "Bong bóng là cần thiết để mang vốn vào thị trường"
- 02-03-2018Bitmain - con cá voi lớn nhất thị trường bitcoin: sống sót sau thảm họa 2014, trở thành đối trọng thực sự của Google về AI
- 28-02-2018Bill Gates: Bitcoin không phải là thứ tốt đẹp
Những ngày vừa qua, giới đầu tư rúng động trước thông tin một nhân viên kế toán để mất 8 tỷ VND do đầu tư vào bitcoin. Đáng chú ý, số tiền này đến từ nguồn công quỹ của một công ty cổ phần du lịch biển thuộc phường Phước Tiến, thành phố Nha Trang.
Chiều ngày 3/3, Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ – Trưởng Công an TP Nha Trang đã xác nhận với Báo CAND về sự việc trên và cho biết cơ quan này vừa chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa để tiến hành điều tra theo thẩm quyền pháp luật quy định về tố tụng hình sự. Theo phía Công an TP Nha Trang, đây là vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham ô tài sản tiền tỷ.
Theo đơn tố cáo của giám đốc công ty, anh Trương Ngọc Tuyển (30 tuổi) đã "rút ruột" từ công quỹ của công ty bằng thủ đoạn chuyển tiền từ tài khoản của doanh nghiệp tại hai ngân hàng vào tài khoản cá nhân. Trong vòng 6 tháng cuối năm 2017, số tiền tổng cộng anh Tuyển đã "rút ruột" của công ty theo lời vị giám đốc trên là hơn 8,2 tỷ đồng.
Sau khi chiếm đoạt được tiền, Tuyển chuyển vào một tài khoản ảo để tham gia giao dịch mua bán bitcoin trên sàn HTC – một sàn tiền số ít người biết đến ở Việt Nam.
Đầu tư tiền số vốn rất rủi ro bởi tính chất biến động mạnh mẽ, vô danh, vô chính phủ của các đồng tiền và đặc biệt là các sàn giao dịch có thể bị sập bất cứ lúc nào.
Năm 2014, sự kiện sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới Mt. Gox bị đánh sập đã thổi bay 500 triệu USD của nhà đầu tư và khiến cho giá bitcoin sụt giảm thê thảm. Tuy nhiên, số lượng sàn giao dịch bị đánh cắp vẫn không ngừng tăng lên kể từ đó đến nay.
Năm 2015, sàn giao dịch Bitstamp tuyên bố đã bị hack 19.000 bitcoin trị giá khoảng 5 triệu USD vào thời điểm xảy ra vụ việc.
Năm 2016, sàn giao dịch Bitfinex tuyên bố bị hack 120.000 bitcoin, khiến tài khoản của nhà đầu tư sụt giảm 36%.
Đi kèm với đà tăng mạnh mẽ của đồng tiền số bitcoin trong năm 2017 là những vụ đánh cắp sàn giao dịch như Youbit của Hàn Quốc, Bithumb, CoinDash và cả sàn giao dịch uy tín nhất Nhật Bản – Coincheck.
Sàn lớn thì tuyên bố bị đánh cắp. Các sàn nhỏ thậm chí còn biến mất. Nhà đầu tư gửi tiền vào ví chung của sàn bị mất trắng và không có cách nào để lấy lại.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho khoản tiền hơn 8 tỷ đồng đầu tư vào bitcoin của anh Tuyển bị mất trắng. Khoảng giữa tháng 1, sàn giao dịch HTC mà anh Tuyển gửi tiền đầu tư đã bất ngờ bị sập.
Không chỉ biến mất bất ngờ, nhiều sàn giao dịch tiền số còn ngang nhiên nhận tiền nhưng không thực hiện lệnh giao dịch cho khách hàng. Những mẩu tin nhắn cảnh báo sàn giao dịch lừa đảo như dưới đây thường xuyên xuất hiện trong các nhóm đầu tư tiền số ở Việt Nam.
Một nhà đầu tư cảnh báo về việc bị mất tiền trên sàn giao dịch
Do không được pháp luật quy định, các sàn giao dịch tiền số ở Việt Nam đang hoạt động một cách tự do mà không có cơ quan thẩm quyền nào quản lý. Chính điều này đã tạo điều kiện cho những vi phạm xảy ra.