Từ ý tưởng đến hiện thực của ông Trump sẽ điều khiển thị trường hàng hóa
Ngoài những biến động ngắn hạn khi các nhà đầu tư phản ứng trước kết quả bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Mỹ, rủi ro chính đối với các thị trường hàng hoá toàn cầu là sẽ có bao nhiêu ý tưởng của ông Donald Trump khi tranh cử chức Tổng thống sẽ trở thành chính sách thực sự khi ứng cử viên của Đảng Cộng Hoà này bước chân vào Nhà Trắng.
Thị trường hàng hoá toàn cầu trở nên khó đoán định bởi Tổng thống mới của Mỹ chưa đưa ra những kế hoạch chính sách rõ ràng mà mới chỉ dừng lại ở hàng loạt các khẩu hiệu, những lời đe doạ và những lời hứa mơ hồ.
Tuy nhiên, bấy nhiêu cũng đủ cho thấy nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump sẽ đem lại cả những yếu tố tích cực và tiêu cực cho nhu cầu và giá hàng hoá.
Phần lớn những thông tin từ ông đến nay chỉ đủ cho thấy chính sách năng lượng trong nước mà ông sẽ thực hiện, nhưng bất kỳ sự thay đổi nào ở thị trường Hoa Kỳ cũng sẽ đều có ít nhiều tác động tới phần còn lại của thế giới.
Ông đã nhấn mạnh tới mục tiêu để cho thị trường tự quyết định sẽ sử dụng những nguồn năng lượng nào, và sẽ tăng cường khai thác, thăm dò và vận chuyển nhiên liệu hoá thạch. Điều này sẽ tích cực đối với sản lượng dầu và khí gas ở Mỹ, bởi sẽ giúp nhiên liệu này tăng sức cạnh tranh với than đá cũng như khí gas – những loại nhiên liệu đang có giá thành rẻ hơn nhiều so với dầu.
Tuy nhiên trên quy mô toàn cầu thì điều đó sẽ chỉ có tác động mạnh nếu Mỹ xuất khẩu dầu thô, các sản phẩm dầu và khí gas hoá lỏng (LNG).
Yếu tố quan trọng hơn đối với triển vọng hàng hoá toàn cầu đó là những chính sách thương mại quốc tế của ông Trump.
Nếu ông thực hiện việc áp đặt các hàng rào thuế quan như đã đe doạ đối với hàng hoá Trung Quốc và những nước khác nếu những hàng hoá đó bị coi là “chống lại” chính sách “nước Mỹ là trên hết”, điều đó sẽ có tác động tiêu cực đối với nhu cầu hàng hoá trên toàn cầu.
Bị tác động nhiều nhất sẽ là những hàng hoá rời như quặng sắt và than đá, và những kim loại công nghiệp như đồng và nhôm. Đây là những nguyên liệu để sản xuất hàng loạt những hàng hoá chế biến và liên quan tới các hệ thống vận tải, nên thương mại toàn cầu sẽ bị thu hẹp lại do các chính sách của ông Trump.
Và cũng không loại trừ khả năng Mỹ sẽ bắt đầu tăng các hàng rào thuế quan, các đối tác thương mại cũng sẽ đáp trả bằng việc cũng nâng hàng rào thuế quan của mình, điều này sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới dòng chảy hàng hoá và dịch vụ, nhất là ở khu vực Thái Bình Dương.
Khía cạnh tích cực có thể dẫn tới nhu cầu hàng hoá tăng sau khi ông Trump trở thành Tổng thống là chính sách tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong nước.
Ông Trump đã giành được chiến thắng trước bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ chủ yếu nhờ thắng lợi ở các bang “vành đai công nghiệp” như Ohio, Pennsylvania và Michigan. Ông đã cam kết sẽ làm đảo ngược tình trạng người dân ở các bang này bị mất việc làm do nhiều nhà máy phải đóng cửa bởi không thể cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày càng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, những hàng rào thương mại chưa chắc sẽ mang lại nhiều việc làm cho người dân bởi các nhà đầu tư lưỡng lự khi đổ vốn vào những liên doanh mà họ không hoàn toàn tin tưởng rằng sẽ được bảo vệ.
Điều đó có nghĩa là, nếu ông muốn sẽ giành lại chiến thắng một lần nữa vào 4 năm sau thì ông sẽ phải mang lại việc làm cho những bang này như đã hứa.
Và điều đó có nghĩa là chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ tăng mạnh, và ông Trump đã lên kế hoạch về chương trình 500 tỷ USD trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Đây là yếu tố rất tích cực cho nhu cầu hàng hoá, nhưng chắc chắn cũng sẽ dẫn tới tăng thâm hụt ngân sách, tăng lạm phát và kéo theo là tăng tỷ lệ lãi suất.
Trên thực tế, chính sách thương mại của ông Trump được nhận định là sẽ dẫn tới tăng lạm phát và đẩy tăng giá đồng đô la, không chỉ bởi việc chắc chắn sẽ nâng tỷ lệ lãi suất, mà còn bởi nhu cầu hàng hoá giảm đi sẽ ảnh hưởng tới tiền tệ của những thị trường đang nổi cũng như của những nền kinh tế phát triển vốn phụ thuộc vào hàng hoá như Australia và New Zealand.
Nhưng liệu tân Tổng thống Trump có thể có cơ hội để thực hiện những kế hoạch gây tác động lớn hay không, khi mà những ý tưởng của ông đã gây ra nhiều phản ứng dữ dội ngay cả với nhiều đảng viên Đảng Cộng Hoà? Quá trình tranh cửa Tổng thống của ông đã khiến nhiều người trong đảng Cộng Hoà thể hiện sự chán ghét đối với ông, và chính sách bảo hộ thương mại và mở rộng chi tiêu làm gia tăng thâm hụt có thể sẽ vấp phải rất nhiều sự phản đối nên sẽ khó để thực hiện.
Nhìn chung nền kinh tế Mỹ và thế giới đang bước vào một giai đoạn được tiên đoán là sẽ có rất nhiều bất ổn. Trên thị trường hàng hoá, những mặt hàng công nghiệp rất khó có cơ hội để tăng giá, và có thể phải mất một thời gian chờ đợi xem chính sách của ông Trump sẽ như thế nào, và ông có vượt qua được những người phản đối để thực hiện các kế hoạch mạnh bạo như ý tưởng hay không.