Tuần 5-9/8: Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên toàn thị trường
Khối ngoại sàn HoSE có tuần bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm với giá trị gấp 2,12 lần tuần trước đó và đạt 876,7 tỷ đồng. Khối ngoại sàn HNX có tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp với tổng giá trị đạt 271,3 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu sự rung lắc rất mạnh từ những diễn biến bất ổn từ tình hình kinh tế chính trị thế giới. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 974,34 điểm, tương ứng giảm 1,7% so với tuần trước đó. HNX-Index cũng giảm 0,9% xuống 102,79 điểm.
Ngoài những yếu tố bên ngoài, giao dịch của khối ngoại tiếp tục ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhà đầu tư và gây áp lực lớn đến thị trường chung. Trên toàn thị trường, khối ngoại mua vào 92,4 triệu cổ phiếu, trị giá 4.510,7 tỷ đồng, trong khi bán ra 136 triệu cổ phiếu, trị giá 5.551 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt 43,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng lên đến hơn 1.040 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, khối ngoại có tuần bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm với giá trị gấp 2,12 lần tuần trước đó và đạt 876,7 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng đạt 41,5 triệu cổ phiếu.
|
Khối ngoại sàn HoSE tiếp tục bán ròng rất mạnh cổ phiếu VJC với giá trị đạt 252,9 tỷ đồng, trong đó có hơn 110,6 tỷ đồng được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận. Bên cạnh đó, CCQ ETF nội E1VFVN30 cũng bị bán ròng hơn 195 tỷ đồng và đa phần được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận. Hai mã HPG và MSN bị bán ròng lần lượt 120 tỷ đồng và 82,9 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại sàn HoSE là VIC với giá trị đạt 50,6 tỷ đồng. Hai mã BID và TDM được mua ròng lần lượt 41 tỷ đồng và 36,2 tỷ đồng.
|
Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp tục bán ròng 66 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng đạt 2,9 triệu cổ phiếu, đây cũng là tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp của khối ngoại sàn này với tổng giá trị đạt 271,3 tỷ đồng.
|
ACB bất ngờ là cổ phiếu bị khối ngoại sàn HNX bán ròng mạnh nhất với giá trị đạt 43,7 tỷ đồng. Việc ACB bị khối ngoại bán ròng mạnh được lý giải là do vừa qua, ACB chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% ngày 25/7. Ngân hàng sẽ phát hành thêm 374 triệu cổ phiếu trong đợt chi trả này. Lượng cổ phiếu quỹ ACB nắm giữ sẽ không được nhận cổ phần cổ tức, đồng nghĩa tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ vượt "room". Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần bán ra một lượng cổ phiếu để đảm bảo tổng sở hữu khối ngoại tại ACB không quá 30%. Theo BCTC hợp nhất quý II, ACB đang sở hữu 66,5 triệu cổ phiếu quỹ.
Trong khi đó, đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại sàn HNX là DGC với 7,7 tỷ đồng. PVI và SHB được mua ròng lần lượt 5,7 tỷ đồng và 2,34 tỷ đồng.
Ở sàn UPCoM, khối ngoại tiếp tục nối dài chuỗi mua ròng liên tiếp, nhưng giá trị mua ròng ở tuần này chỉ đạt vỏn vẹn 2,5 tỷ đồng.
|
VEA dẫn đầu về giá trị mua ròng của khối ngoại sàn UPCoM với 23,9 tỷ đồng, đứng sau là QNS với giá trị mua ròng là 21,8 tỷ đồng. Trong khi đó, BCM bị bán ròng mạnh nhất với 18,3 tỷ đồng. Bộ ba cổ phiếu họ 'Viettel' là VTP, VGI và CTR bị bán ròng lần lượt 13 tỷ đồng, 9 tỷ đồng và 8,5 tỷ đồng.