Tuần giao dịch 16-19/4: Dòng tiền thị trường suy yếu, nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ tiền mặt
Các CTCK đều có chung quan điểm dòng tiền đang suy yếu và nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ tiền mặt, hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu trong những nhịp hồi phục của thị trường.
- 15-04-2019Đóng cửa cùng lúc 70 chi nhánh, điều gì đang xảy ra với “vua tôn” Hoa Sen?
- 15-04-2019Đất Xanh (DXG): Tăng trưởng "nóng", lãi lớn nhưng dòng tiền liên tục âm
- 13-04-2019Dòng tiền ETF “hạ nhiệt”, chứng khoán Việt Nam giao dịch ảm đạm trước kỳ nghỉ lễ
Tuần giao dịch 8-12/4 diễn ra tương đối ảm đạm. Sau khi chạm ngưỡng 1.000 điểm trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, thị trường đã mau chóng quay đầu giảm điểm. Điểm tích cực là mốc 980 điểm đang đóng vai trò hỗ trợ "cứng" cho thị trường và VN-Index vẫn vận động trong biên độ hẹp từ 980 – 1.000 điểm.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index dừng tại 982,9 điểm, giảm nhẹ 0,64% so với tuần trước đó. Dù vậy, vẫn xuất hiện một số nhóm ngành tăng điểm khá như thủy sản, dệt may, dầu khí.
Thanh khoản tuần qua tiếp tục ở mức thấp với giá trị khớp lệnh bình quân HoSE đạt 2.793 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ 4% so với tuần trước đó. Tuy vậy, thanh khoản chỉ tăng trong những phiên điều chỉnh mạnh, trong khi những phiên hồi phục thanh khoản khá thấp và đây là tín hiệu không thực sự tích cực.
Về giao dịch khối ngoại, sau giai đoạn mua ròng ấn tượng đầu năm, khối ngoại đã quay đầu bán ròng khoảng 40 tỷ trong tuần vừa qua. Bên cạnh đó, dòng tiền ETF cũng có dấu hiệu suy yếu khi VFMVN30 ETF chỉ còn phát hành ròng lượng chứng chỉ quỹ trị giá 9 tỷ đồng, trong khi VNM ETF là 5 triệu USD (118 tỷ đồng). Việc dòng tiền khối ngoại, ETF "hạ nhiệt" cũng góp phần khiến tâm lý giới đầu tư thận trọng hơn.
Dòng tiền ETF đang có dấu hiệu "hạ nhiệt"
Giá dầu tuần qua vẫn ổn định trên mức 63 USD/thùng (WTI) và điều này đã hỗ trợ tích cực cho các cổ phiếu ngành dầu khí.
Thận trọng trong bối cảnh dòng tiền suy yếu
Trong tuần giao dịch tiếp theo (16-19/4), sự chú ý của thị trường sẽ là kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp, cũng như các tin tức về kế hoạch kinh doanh năm 2019 từ đại hội cổ đông. Tuy nhiên, khó có thể kỳ vọng sự bứt phá mạnh sẽ diễn ra khi mà nhiều doanh nghiệp lớn đang đặt kế hoạch khá thận trọng trong năm 2019.
Về diễn biến thị trường, dòng tiền đang có dấu hiệu suy yếu rõ nét trong những tuần gần đây và do đó việc thận trọng, gia tăng nắm giữ tiền mặt là điều cần thiết. Việc VN-Index bứt phá khỏi vùng 980 – 1.000 điểm với thanh khoản lớn sẽ xác nhận xu hướng của thị trường.
Đánh giá về xu hướng thị trường tuần mới, CTCK SHS cho rằng xác suất giảm của VN-Index tiếp tục được đánh giá cao hơn với ngưỡng hỗ trợ gần nhất tại 980 điểm và xa hơn là quanh ngưỡng 965 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên hạn chế mua vào trong giai đoạn này và có thể tận dụng những nhịp tăng điểm để bán giảm tỷ trọng cổ phiếu. Nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có thể tích lũy thêm cổ phiếu trong các phiên điều chỉnh của thị trường.
Trong khi đó, CTCK VNDIRECT đánh giá thị trường vẫn tiếp tục dao động trong biên độ hẹp với các cổ phiếu vốn hóa lớn biến động trái chiều nhau. Trong khi các cổ phiếu như HDB; TCB; VPB; NVL; SAB; CTD…diễn biến ngày một xấu đi với giá liên tục đi tìm mức đáy mới thì ngược lại GAS; FPT; VCB; VHM; MSN…vẫn trụ vững và giúp tâm lý ổn định.
VNDIRECT cho rằng dòng tiền vẫn đang bị rút ra khỏi thị trường khi thanh khoản chỉ tăng theo chiều giảm điểm. Ở khía cạnh chỉ số, xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn chưa quá tiêu cực khi hỗ trợ 965 điểm của VN-Index chưa bị phá vỡ. Tuy nhiên, các trạng thái cổ phiếu tiêu cực vẫn ngày một tăng và dòng tiền bị rút ra sẽ khiến tâm lý của thị trường yếu dần. VNDIRECT giữ quan điểm thận trọng và ủng hộ chiến lược giảm tỷ trọng cổ phiếu để phòng ngừa các rủi ro ngắn hạn.
Chung quan điểm thận trọng, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng nỗ lực phục hồi của thị trường là tương đối khó khăn khi dòng tiền trên thị trường đang ngày càng suy yếu. Dòng tiền có xu hướng tìm đến các cổ phiếu vừa và nhỏ, thay vì các cổ phiếu lớn. Lực mua ròng của khối ngoại cũng đang suy giảm rõ rệt. Xu hướng giảm dường như vẫn chiếm ưu thế và rủi ro vẫn còn hiện hữu. Nhà đầu tư tiếp tục hạn chế giải ngân mới và ưu tiên quản trị rủi ro trong thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, CTCK BSC đánh giá trạng thái giằng co, phân hóa chờ tin tiếp tục là xu thế chủ đạo khi động lực tăng giá chưa rõ ràng. Trong ngắn hạn, BSC tiếp tục lưu ý về mô hình Vai - đầu - vai khi VN-Index không thể vượt ngưỡng tâm lý 1.000 điểm và suy yếu nhanh về dưới 970 điểm. Một sự vận động vượt quá cận trên hoặc dưới trong khoảng giá hẹp từ 980-1.000 điểm sẽ là cảnh báo sớm về một sự vận động tăng hoặc giảm, thoát khỏi thế giằng co hiện tại.