MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Túi tiền quốc gia” thêm bao nhiêu từ việc tăng thuế VAT?

Ước tính thuế giá trị gia tăng tăng 2% sẽ giúp ngân sách có thêm 59.000 tỷ đồng, từ đó tỷ trọng thuế giá trị gia tăng trong thu ngân sách sẽ tăng lên khoảng 33%, CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết.

Bộ Tài chính có đề xuất về việc tăng thuế giá trị gia tăng VAT ở nhóm hàng hoá, dịch vụ như nước sạch, hoạt động văn hoá, triển lãm, sản xuất phim, các thiết bị chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học… từ 5% lên mức 10%.

Nhóm đối tượng không chịu thuế VAT như phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, chuyển quyền sử dụng đất… được đề xuất từ không chịu thuế VAT lên chịu thuế VAT.

Đối với mức thuế suất thông thường 10%, Bộ Tài chính nhận định là tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Đề xuất tăng lên mức 12%, áp dụng từ 1/1/2019.

Đánh giá của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) về đề xuất tăng thuế VAT cho biết, đây có lẽ là thông tin không tốt cho cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng, trong khi ước tính việc tăng thuế sẽ giúp ngân sách có thêm 59.000 tỷ đồng, chiếm 33% tổng thu ngân sách.

Hiện, thuế giá trị gia tăng đóng góp khoảng 28% thu ngân sách thường xuyên và khoảng 25% tổng thu ngân sách trong giai đoạn 2010-2015.

Bên cạnh việc nhận định mức thuế VAT 10% “tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế”, Bộ Tài chính cũng dẫn số liệu cho biết nhiều nước đã tăng thuế suất phổ thông từ năm 2009-2016.

Cụ thể, thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19% nhưng đến năm 2014 đã tăng lên gần 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế giá trị gia tăng từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.

Với một số nước khu vực Đông Nam Á, Bộ Tài chính cũng chỉ rõ thuế phổ thông đang cao hơn 10%. Cụ thể, ở Lào, Indonesia, Campuchia mức thuế phổ thông là 17%, mức thuế ưu đãi là 13% còn ở Philippines mức thuế suất là 15%.

Ngoài việc đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính cũng đề xuất việc giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp mức từ 3-5% áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, doanh nghiệp siêu nhỏ với quy mô doanh thu dưới 3 tỷ đồng được hưởng thuế suất 15% còn doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô doanh thu từ 3-50 tỷ đồng sẽ được hưởng mức thuế 17%.

HSC cho biết tác động cuối cùng của những thay đổi luật thuế theo đề xuất sẽ làm tăng thu ngân sách trong đó, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ có tác động ít hơn nhiều so với việc tăng thuế giá trị gia tăng mặc dù số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 95-97% tổng số lượng doanh nghiệp.

“Theo ước tính của chúng tôi, thu ngân sách từ thuế do doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô doanh thu dưới 50 tỷ đồng nộp chỉ khoảng 7.000 tỷ đồng, tương đương 3,5% tổng thu ngân sách từ thuế thu nhập doanh nghiệp và 0,8% tổng thu ngân sách thường xuyên. Do vậy việc giảm 3-5% thuế sẽ không ảnh hưởng nhiều trong khi việc tăng thuế giá trị gia tăng sẽ đem lại thêm đáng kể nguồn thu ngân sách”, HSC nêu quan điểm.

Trước đề xuất nêu trên của Bộ Tài chính, cụ thể về thuế giá trị gia tăng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính xem lại quy định không phải kê khai nộp thuế đối với mặt hàng nông sản ở khâu thương mại; rà soát kỹ thêm nhóm hàng hóa dịch vụ cần nâng lên 11-12% hoặc chuyển từ không chịu thuế giá trị gia tăng sang chịu thuế giá trị gia tăng.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính cần rà soát, nghiên cứu các quy định hiện hành gắn với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được Quốc hội ban hành; quy định bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với trường hợp lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh, khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, cần nghiên cứu để đảm bảo minh bạch, không ảnh hưởng tới thu ngân sách của địa phương…

Theo N.Mạnh

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên