Từng hai lần tăng trưởng âm, địa phương này sắp nhận hàng tỷ USD đầu tư từ Tập đoàn Mỹ
Giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu vốn cho đầu tư công của tỉnh từng trải qua hai lần tăng trưởng âm khoảng 112.351 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.
- 24-11-2021Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ giải mã yếu tố khiến phổ cập thu phí không dừng tăng siêu tốc trong năm 2021
- 23-11-2021Tập đoàn AEON dự kiến niêm yết trên TTCK Việt Nam, có thể mở rộng tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa...
- 23-11-2021Thu ngân sách tại TP. HCM tăng đột biến từ tài chính, ngân hàng, bất động sản...
Tổng vốn đầu tư FDI tại Bà Rịa - Vũng Tàu có thể vươn lên đứng thứ 2 cả nước
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2018, GRDP của tỉnh giảm 0,61% so với 2017, nguyên nhân chủ yếu do tác động của ngành khai thác dầu thô và khí đốt. Song, đến năm 2020, GRDP của tỉnh tiếp tục âm 4,91%, do chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Như vậy, trong giai đoạn 2015 - 2020, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có hai năm tăng trưởng âm. Tuy nhiên, 2020 là năm ghi nhận mức tăng trưởng âm sâu nhất kể từ khi thành lập.
Ngoài ra, trong 10 tháng đầu năm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ 19 cả nước với 17 dự án FDI cùng tổng số vốn đăng ký 282 triệu USD. So với 2020, mức vốn đăng ký này thấp hơn 2,428 tỷ USD (năm 2020 là 2,71 tỷ USD), và thấp hơn 718 triệu USD so với 2019 (đạt 1 tỷ USD).
Tuy nhiên, tính lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/10/2021, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang xếp thứ 4 cả nước với 513 dự án cùng tổng số vốn đăng ký gần 33 tỷ USD.
Song, theo TTXVN, ngày 22/9/2021 (theo giờ địa phương), tại thành phố New York, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Arun Savkur, Tổng Giám đốc Tập đoàn Quantum (Mỹ).
Tại cuộc gặp mặt, ông Arun Savkur cho biết, với nguồn lực và tài chính của mình, Quantum cam kết đóng góp cho quá trình xây dựng, phát triển Việt Nam mà tới đây là chuỗi các dự án có tổng giá trị rất lớn, lên đến khoảng từ 20 - 30 tỷ USD.
Quantum đặt trọng tâm đầu tư tại Việt Nam vào những lĩnh vực quan trọng như nhà máy điện Long Sơn (trị giá khoảng 5 tỷ USD); các dự án đầu tư hạ tầng với tầm nhìn dài hạn như Cảng Long Sơn (bao gồm cả cảng khí để cung cấp cho khu công nghiệp và hộ gia đình sau này).
Quantum cũng bày tỏ mong muốn được đầu tư lớn vào mảng logistics tại Bà Rịa - Vũng Tàu, và xây dựng tuyến đường sắt từ Vũng Tàu kết nối Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh; logistics phía Bắc Việt Nam từ Lạng Sơn đến Hà Nội và Hải Phòng.
Những dự án lớn này có khả năng đưa tổng vốn đầu tư FDI tại Bà Rịa - Vũng Tàu vươn lên thứ hai cả nước, vượt qua Bình Dương và Hà Nội, chỉ xếp sau TP.HCM (hiện đã thu hút gần 49 tỷ USD vốn FDI).
Cần 112.351 tỷ đồng phát triển hạ tầng
Ngày 18/11/2021, tại cuộc họp báo cáo tình hình thực hiện đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo, giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn ngân sách huy động cho đầu tư công là 34.632,281 tỷ đồng.
Trong đó, vốn Trung ương là 1.828,756 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh là 32.803,525 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, tỉnh đã phân bổ 28.694,281 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện các dự án chuyển tiếp của năm 2015 và các dự án mở mới (237 dự án).
Các tàu hàng container đang bốc xếp hàng xuất khẩu, nhập khẩu tại cảng TCIT trên luồng Cái Mép - Thị Thị Vải. Ảnh: THÀNH HUY
Ngoài ra, giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn ngân sách huy động cho đầu tư công là 34.632 tỷ đồng. Nhưng đến giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu vốn cho đầu tư công của tỉnh khoảng 112.351 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.
Trong khi đó, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2021 - 2025, lĩnh vực đầu tư công của tỉnh sẽ cần nguồn vốn hơn 70.000 tỷ, chủ yếu dành cho các công trình hạ tầng giao thông. Như vậy, nhu cầu vốn đầu tư công của Bà Rịa - Vũng Tàu gấp khoảng 1,6 lần so với Đồng Nai.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ thông tin, nguồn vốn đầu tư công sẽ ưu tiên phân bổ cho các dự án trọng điểm, dự án mang tính chất kết nối vùng. Dự án hạ tầng giao thông được kỳ vọng nhất là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tuyến cao tốc này đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao hiệu suất lưu thông hàng hóa, tăng cường giao thương, dịch vụ - du lịch, và rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM xuống Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), theo phương thức đối tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư 19.616 tỷ đồng.
Mục tiêu dự án là đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 51; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông, và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP.HCM - Vũng Tàu.
Đặc biệt, dự án phải phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.