MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từng muốn chết vì mất công ty mất cả gia đình, 5 lần thất bại trong ngành kềm nhưng những “ma lực” này đã thức tỉnh người đàn ông tái khởi nghiệp lần 6 ở tuổi lục tuần

08-02-2018 - 21:16 PM | Doanh nghiệp

Từng giam mình trong phòng trọ, đua xe ở tuổi ngoài 50 tuổi vì mất công ty, gia đình đổ vỡ, người đàn ông Cần Thơ này đã làm lại từ đầu bằng đam mê và khát khao đưa cây kềm do Việt Nam sản xuất tới tay người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Ông Trần Vĩnh Bảo, CEO Tek Nails, gây ấn tượng mạnh trong một chương trình gọi vốn trực tuyến gần đây với câu chuyện mất trắng công ty và tái khởi nghiệp ở tuổi gần 60 vì đam mê và khát khao với nghề kềm. Hẳn ai xem chương trình còn nhớ câu ông nói: “Tôi chỉ còn 5 năm nữa để làm kềm. Sau đó tôi sẽ chuyển giao lại toàn bộ cho người trẻ”.

Ở cái tuổi của ông và hơn 30 năm, có lúc đã là đại gia, có lúc đã bán hết nhà cửa, từng muốn chết, rồi chỉ sống cùng một chú chó vì mất hết niềm tin trong cuộc sống... có một sức mạnh đã giúp ông Bảo lấy lại tinh thần, để lại đam mê với cây kềm.

Anh thợ sửa xe ở Cần Thơ lên Sài Gòn lập nghiệp và thành lập doanh nghiệp kềm 400 nhân sự

Gặp ông già khởi nghiệp ở tuổi gần 60 trong chiếc áo tím, ông trẻ nhiều hơn so với chương trình trên truyền hình.

“Tôi đam mê cơ khí và lớn lên mở tiệm sửa xe đạp ở quê nhà Cần Thơ. Sau 5 năm, tôi muốn thay đổi cuộc sống vì nghĩ rằng nghề này không đi tới đâu. Tôi nói với ba mẹ suy nghĩ của mình. Cha tôi nói với tôi rằng: Chờ đàn em lớn lên chút và truyền nghề cho các em rồi đi”, ông Bảo mở lòng.

Thế rồi, ông xách chiếc xe đạp, tài sản duy nhất, lên Sài Gòn, để lập nghiệp.

Ông Bảo gặp được một người quen làm nghề kềm trong họ Võ. Anh này là cháu của ông Tư Bảo, ông tổ nghề kềm ở Bến Tre. Và thế là ông làm kềm để mưu sinh. “Tôi đi làm kiếm sống, chứ không nghĩ lập nghiệp gì”, ông Bảo chia sẻ.

Rồi ông Bảo may mắn may được tiếp xúc với ông Tư Bảo và học hỏi được rất nhiều từ con người dày dặn kinh nghiệm này.

Năm 2000, ông cùng bạn bè thành lập lên Kềm Viba (Viba là viết tắt của Vĩnh Bảo). Có lúc công ty đã có tới 400 nhân sự. Ở cái thời buổi đó, chỉ có vài công ty kềm ở Việt Nam và Viba cũng là có số có má trong lĩnh vực sản xuất kềm.

Từng muốn chết vì mất công ty mất cả gia đình, 5 lần thất bại trong ngành kềm nhưng những “ma lực” này đã thức tỉnh người đàn ông tái khởi nghiệp lần 6 ở tuổi lục tuần - Ảnh 1.

Trang trí móng tay đang trở thành thói quen của ngày càng nhiều phụ nữ, đặc biệt ở các thành phố. Ảnh minh họa.

Mất trắng công ty và chỉ nghĩ đến cái chết

Và rồi ngày đó, một nhà đầu tư Singapore tìm đến Kềm Viba. Ông bán cổ phần cho nhà đầu tư này 30%. “Tôi nghĩ tôi còn 70% là an toàn”, ông Bảo tâm sự.

Nhưng rồi, ông chia cho người thân 35% và trao quyền đại diện pháp lý cho người này. Với 35% cổ phần còn lại, nhà đầu tư Singapore và người thân của ông đã cùng nhau tìm cách để mua lại công ty. Kết quả ông phải ra đi trong một tình thế khá nhạy cảm, liên quan đến tình cảm.

“Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến cái chết”, ông Bảo kể về những ngày tháng khó khăn khi công ty gắn liền với tên tuổi của ông phải bán cho người khác. Và theo giao ước, 5 năm sau ông Bảo mới được làm kềm nếu muốn.

Buồn bã, thất vọng, ông Bảo không muốn gặp ai. Ông thuê một căn nhà ở Hóc Môn và cắt đứt liên lạc với mọi người. Ông ở đó với một chú chó.... Ông chiêm nghiệm lại những gì vừa mới xảy ra.

Và rồi theo lời ông Bảo, ông mua sắm một bộ TV thật to để giải trí và đi vào các diễn đàn đua mô tô, để thử xe tốc độ, chứ không phải đua xe.

“Lúc đầu tôi rất sung và sau đó cảm thấy hoạt động này không còn ý nghĩa. Tôi dừng lại và nghĩ thôi bây giờ tìm hiểu xem có thể thay thế công nghệ bằng thủ công trong ngành kềm không. Vì tôi hiểu làm kềm: Đình công là chết. Tôi nhớ từng trễ ngày phạt 1 ngàn đô. Nỗi ám ảnh ấy quay trở lại. Tôi nghĩ quay lại làm kềm nhưng làm sao đó để không phụ thuộc vào con người. Bài toán đó gần như bế tắc vì ngành kềm phụ thuộc vào nghệ nhân. Nhưng tôi tin không gì không thể. Và thế là tôi đi mua cơ khí, chế tạo thử máy móc. Lúc đó, tôi nghĩ lại rằng trong tương lai sau 5 năm nhất định phải làm kềm. Tôi đi đăng ký chữ Tek cho ngành Nails”, ông Bảo nhớ lại.

Từng muốn chết vì mất công ty mất cả gia đình, 5 lần thất bại trong ngành kềm nhưng những “ma lực” này đã thức tỉnh người đàn ông tái khởi nghiệp lần 6 ở tuổi lục tuần - Ảnh 2.

Ông Trần Vĩnh Bảo (Founder Teknails) trao đổi cùng anh Phạm Xuân Huy (Tổng Giám đốc Vinagroups) về sản phẩm trước khi xuất xưởng. Ảnh: Vnexpress

Giữa những suy nghĩ mông lung, người đàn ông mất phương hướng tiếp tục đi phượt từ Nam ra Bắc trong tình trạng sức khỏe giảm sút.

“Tôi đột quỵ 3 lần và nhóm đi phượt không đồng ý cho tôi đi nữa. Nhưng tôi nói: Anh có nỗi buồn. Cuộc đời anh anh quyết định. Nếu phượt chuyến cuối cùng này còn sống, anh sẽ lập nghiệp lại cây kềm. Nếu chết thì liệng xác anh đi vì bố anh rất khó tính”, ông Bảo tiếp lời.

May thay ông vẫn "sống" sau chuyến đi đó. Từ đây, ông Bảo bắt đầu đầu tư chất xám, tìm cách hợp tác 5 lần nhưng đều đổ bể hết.

“Trong một lần hợp tác, tôi đã bán ngôi nhà cuối cùng của bố mẹ tôi đi nhưng vẫn phải gạt đi để tiếp tục đứng dậy”, ông tiếp dòng suy nghĩ.

“5 năm, tôi phải đánh đổi cả máu và nước mắt. Nhiều khi là quên cả tên con mình. Tôi thấy cần có sứ mệnh giúp đỡ thợ nails. Kềm là công cụ quyết định nồi cơm của họ. Nhiều người phải mua đồ rởm với giá cao”, ông Bảo nói tiếp.

Và rồi ông quyết định khởi nghiệp lại với Tek Nails sau nhiều thăng trầm ở tuổi gần 60 và đã nhận được đầu tư của Vina Groups. “Vina Group hỗ trợ Tek Nails về hình ảnh, thương hiệu và cả ước mơ của tôi nữa”, ông chủ Tek Nails nói về hợp tác với Vina Group.

Có lần một người thân của anh hỏi: “Kềm có sức mạnh gì ghê gớm với anh vậy? Người ta thuê anh tháng lương 30 triệu anh không chịu. Tôi nói rằng: Anh đã làm kềm hơn nửa đời người rồi. Đừng cản anh nữa. Cuộc sống không phải chỉ vì tiền mà vì cả lý tưởng nữa”, ông kể.

5 bí mật của ngành kềm

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Bảo nhiều lần nhắc đến từ bí mật của ngành kềm. Với một người lăn lộn trong ngành kềm hơn 30 năm, ông đã “bật mí” những điều mà ông đúc kết trong suốt 3 thập kỷ qua. Ông nói rằng, vì ông hiểu được những giá trị của cây kềm nên ông muốn tiếp tục gắn bó với nó và khởi nghiệp ở tuổi gần lục tuần.

Thứ nhất, vốn đầu tư làm kềm không lớn, không cần vài triệu đô mới làm được.

Thứ hai, không cần phòng nghiên cứu mẫu mã mới. Với ngành giày dép, trang trí nội thất phải nuôi phòng nghiên cứu và phát triển khoảng 30%, kinh phí rất lớn. Riêng với cây kềm, càng nhiều mẫu mã càng chết nhanh.

Ông lý giải, ví dụ nhà văn hóa dạy hay các lớp dạy nails, khi ra trường học viên chỉ sử dụng loại kềm đã dùng trong quá trình học vì quen tay.

Thao tác cắt quyết định bởi cảm giác của người thợ. Nếu sơ suất là chảy máu. Khi cắt với cảm giác quen thuộc thì rất nhanh. Khách nhìn là thích liền. Khách hàng thích vì da tay không bị bầy nhầy. Mà bầy nhầy thì chỉ có thể do thợ tay nghề yếu hoặc lưỡi kềm cùn. Kềm là yếu tố thành công lớn nhất của người thợ nails. Vì đầu tiên phải làm da tay trước. Nếu làm da không được thì mất ấn tượng ban đầu. Bởi vậy, với cây kềm chỉ cần nghiên cứu để làm đẹp hơn, chất lượng tốt hơn và lưỡi sắc hơn.

Thứ ba, mãi lực cây kềm rất lớn. Thị trường nào cũng cần.

Thứ tư, sản xuất cây kềm cần sự sáng tạo, đổi mới công nghệ để có thể sản xuất nhanh nhất, chất lượng tốt nhất, giảm chi phí, tăng chất lượng.

Thứ năm, nói đến Việt Nam là nói đến sản phẩm thủ công. Mơ ước ngày nào đó, nói đến Việt Nam là người ta nhắc đến cây kềm.

“Tôi giờ không đeo đồng hồ, không có khái niệm chủ nhật. Tôi quyết tâm với đam mê cây kềm của mình. Làm lại từ đầu...”, ông Bảo nhiều lần nhắc đến những câu tương tự như vậy và ai đó, đặc biệt từng làm việc liên quan đến cây kềm, sẽ hiểu được những điều mà người đàn ông ở cái tuổi đáng lẽ sắp nghỉ hưu vẫn còn trăn trở, tâm huyết.

Theo Thế Trần

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên