MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai 'khủng' của đường sắt Việt Nam nhờ dự án 58 tỷ đô - sẽ thu được 11 tỷ đô mỗi năm nhờ bán vé?

Nhiều năm trở lại đây, ngành đường sắt Việt Nam được cho là tụt hậu. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nếu được thông qua kỳ vọng sẽ giúp ngành tìm lại thời kì vàng son trước đây.

Đường sắt phải phát triển xứng tầm tiềm năng

Từng là lực lượng vận tải chủ lực nhưng giờ đây đường sắt đã gần như bị lãng quên. Trong nhiều năm trở lại đây, vận tải đường sắt chưa thực sự đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế của đất nước.

Với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình vận tải khác, đặc biệt là vận tải đường bộ, hàng không thì thị phần vận tải đường sắt đã sụt giảm theo từng năm.

Từ năm 2010 trở lại đây, khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt ngày càng giảm. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2022, sản lượng vận chuyển đường sắt đạt 5,7 triệu tấn, gấp 2,5 lần năm 1990 và sản lượng luân chuyển đạt 4,5 tỷ tấn, gấp 5,4 lần.

Cùng thời gian đó, sản lượng vận tải bằng đường bộ gấp gần 50 lần về vận chuyển và gấp 55 lần về luân chuyển; đường thủy nội địa gấp khoảng 18 lần cả về vận chuyển và luân chuyển; đường biển gấp 26 lần và gấp 11 lần.

Tương lai 'khủng' của đường sắt Việt Nam nhờ dự án 58 tỷ đô - sẽ thu được 11 tỷ đô mỗi năm nhờ bán vé? - Ảnh 1.

Tương lai 'khủng' của đường sắt Việt Nam nhờ dự án 58 tỷ đô - sẽ thu được 11 tỷ đô mỗi năm nhờ bán vé? - Ảnh 2.

Sản lượng luân chuyển hành khách và hàng hóa đường sắt giai đoạn 2010-2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Dù ngành đường sắt có nỗ lực cải thiện hình ảnh, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ và hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng so với sự chuyển mình rõ rệt của các phương thức khác, ngành đường sắt vẫn không đủ sức cạnh tranh, thiếu đổi mới nên bị bỏ xa.

Nhận thức được vai trò quan trọng và thực trạng lạc hậu, kém phát triển của ngành đường sắt Việt Nam, vào cuối năm 2021, một trong những văn bản có giá trị đặc biệt quan trọng là Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ GTVT dày công soạn thảo đã được Chính phủ phê duyệt.

Điểm nhấn trong bản Quy hoạch trên là việc mạng lưới đường sắt quốc gia sẽ có thêm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) dài 1.545km.

Sự xuất hiện của các tuyến đường sắt tốc độ cao được kỳ vọng mang lại sức bật lớn cho ngành đường sắt trong bối cảnh hạ tầng lĩnh vực này đã và đang bị xuống cấp, lạc hậu trầm trọng trong thời gian qua.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn. Đây là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nên cần lựa chọn phương thức và nguồn vốn đầu tư, yếu tố kỹ thuật mô hình khai thác hợp lý.

Siêu dự án giúp ngành đường sắt "hóa rồng"

Hiện có 2 phương án dự kiến đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, mỗi phương án lại có những báo cáo số liệu riêng về tính khả thi và hiệu quả khi thông tuyến vào giai đoạn 2040-2050.

Trong báo cáo cuối kỳ tháng 12/2022, Tư vấn thẩm tra đã phân tích, đánh giá cao tính khả thi và hiệu quả của Dự án như sau:

Phương án 1: Hội đồng Thẩm định Nhà nước khuyến nghị phương án đường sắt khai thác tàu khách và hàng với tốc độ tối đa 250km/h. Tổng mức đầu tư dự án theo phương án này khoảng 64,9 tỷ USD.

Với vận tốc thiết kế 250 km/h sẽ khai thác tối đa năng lực thông qua của tuyến với 270 đôi tàu/ngày (đạt 93,75% năng lực thông qua của tuyến), khả năng vận chuyển 163,62 triệu hk/năm và 65,48 triệu tấn hàng hóa/năm

Tuyến chở hàng hóa tập trung vào một số mặt hàng phục vụ tiêu dùng như lương thực, thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, nguyên liệu dệt và may mặc, hàng hóa từ các khu công nghiệp, và phần nhỏ hàng hóa khác cần vận chuyển nhanh.

Thời gian di chuyển toàn tuyến là 7 giờ 15 phút, tốc độ lữ hành trung bình 208 km/h, hiệu suất tốc độ đạt 92,44%.

Đề xuất giá cước vận chuyển cho hành khách ở phương án này là 925 đồng/km, bằng 75% giá vé máy bay giá rẻ, bằng 74% giá vé cao nhất của đường sắt Bắc - Nam hiện nay.

Doanh thu hàng năm dự kiến là 11,01 tỷ USD (gồm doanh thu từ vé hành khách 4,34 tỷ USD; doanh thu từ vận chuyển hàng hóa 6,14 tỷ USD; doanh thu từ cho thuê mặt bằng thương mại 0,53 tỷ USD). Chi phí vận hành, khai thác là 7,53 tỷ USD và lợi nhuận 3,47 tỷ USD.

Tương lai 'khủng' của đường sắt Việt Nam nhờ dự án 58 tỷ đô - sẽ thu được 11 tỷ đô mỗi năm nhờ bán vé? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: CNN

Phương án 2: Chỉ chạy tàu khách tốc độ hơn 300km/h được Bộ GTVT ưu tiên lựa chọn. Tổng mức đầu tư dự kiến cho phương án này khoảng 58,71 tỷ USD.

Với tốc độ thiết kế 350 km/h, chỉ khai thác tàu khách, đường sắt tốc độ cao đạt năng lực 150 đôi tàu/ngày (đạt 52% năng lực thông qua của tuyến), khả năng vận chuyển 125 triệu hành khách/năm.

Thời gian di chuyển toàn tuyến là 5 giờ 26 phút (nhanh hơn 1 giờ 49 phút so với phương án 1), tốc độ lữ hành trung bình 279,7 km/h, hiệu suất tốc độ đạt 87,4%.

Với phương án này, giá vé dự kiến 1.259 đồng/km/hành khách, tương đương 1.943.896 đồng/hành khách cho một chiều chặng Hà Nội - TP.HCM (tương đương giá vé máy bay hạng phổ thông).

Doanh thu tối đa từ hành khách ở phương án này khoảng 3,7 tỉ USD/năm.

Để hoàn thiện đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT huy động các chuyên gia về kỹ thuật, kinh tế; tổ chức các hội nghị chuyên đề để góp ý hoàn thiện đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết mục tiêu phấn đấu hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét Đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong năm 2024.

Bộ GTVT đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành công tác chuẩn bị để đến năm 2030 khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Thái Hà

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên