Tương lai nào cho Eximbank?
Một "New Eximbank" mà toàn thể cán bộ nhân viên ngân hàng này trông ngóng và nỗ lực thực hiện suốt 2 năm qua vẫn còn dang dở khi "thượng tầng" còn chưa ổn định.
Sáng ngày 27/4/2018, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) tổ chức đại hộ cổ đông.
Theo kế hoạch, một trong các nội dung quan trọng được đưa ra đại hội thông qua lần này là bổ sung nhân sự cấp cao. Trong số 4 ứng cử viên được thông báo trước đó tới cổ đông thì chỉ có mình bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) là được chấp thuận để bầu vào nhiệm kỳ mới.
Như vậy, đại hội lần này, Eximbank sẽ chỉ tiến hành bầu bổ sung một thành viên. Nếu muốn, Eximbank sẽ phải tổ chức đại hội cổ đông bất thường hoặc chờ đại hội năm sau để bổ sung cho đủ danh sách thành viên HĐQT.
Đường ai nấy đi, mạnh ai nấy làm
Vấn đề nhân sự cấp cao ở Eximbank đã "nóng" từ nhiều năm trước, bắt đầu từ khi ngân hàng bắt đầu rơi vào khó khăn giai đoạn 2012 - 2013. Cho đến năm 2015, Eximbank tưởng chừng đã có thể bắt tay vào tái cơ cấu một cách triệt để với sự tham gia của nhóm cổ đông mới được cho là đến từ Ngân hàng Nam Á, nhưng đã bất thành. Các nhóm cổ đông không tìm được tiếng nói chung khiến cho đại hội cổ đông phải trì hoãn hết lần này đến lần khác.
Cổ đông sốt ruột, cơ quan quản lý cũng không thể can thiệp được vì đó là chuyện của cổ đông. Thống đốc NHNN khi ấy là ông Nguyễn Văn Bình đã từng thừa nhận về thực trạng của Eximbank rằng cái khó của ngân hàng trong tái cơ cấu là không có ông chủ thực sự.
Và từ đó tới nay, Eximbank vẫn "chưa đâu vào đâu". Ngân hàng hoạt động vẫn cầm chừng, thậm chí sau khi bị thanh tra vào năm 2015, Eximbank còn phải ghi nhận lỗ lũy kế hơn 800 tỷ đồng và cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo. Đến năm 2017, ngân hàng làm ăn tốt hơn một chút với khoản lãi nghìn tỷ, bắt đầu khắc phục được lỗ lũy kế và cổ phiếu được đưa ra khỏi diện cảnh báo.
Nhưng sự tốt hơn ấy chỉ kéo dài được một thời gian ngắn, đến đầu năm nay, "họa" lại ập đến với Eximbank bởi sự cố mất tiền của các khách VIP ảnh hưởng đến uy tín ngân hàng và niềm tin của khách hàng. Ngay lúc này, trước thềm ĐHCĐ, một phiên tòa xét xử cựu cán bộ Eximbank vì chiếm đoạt 50 tỷ của các khách hàng đã phải hoãn theo đề nghị của ngân hàng để tổ chức ĐHCĐ, và một vụ án khác thì ngân hàng đang theo đuổi.
Những dấu hiệu khủng hoảng đã tập hợp đầy đủ, nhưng Eximbank vẫn chưa tìm được lối đi rõ ràng để thoát khỏi mớ bòng bong ấy. Một "New Eximbank" mà cán bộ ngân hàng này trông ngóng và nỗ lực thực hiện suốt 2 năm qua vẫn còn dang dở khi "thượng tầng" còn chưa ổn định.
Sự đoàn kết của các nhóm cổ đông sẽ giúp giải bài toán tái cơ cấu
Cơ cấu cổ đông của Eximbank theo danh sách công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hiện nay có Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật là lớn nhất với 15% vốn điều lệ, tiếp đến là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với gần 8,2% vốn và quỹ VoF Investment Limited sở hữu 4,97%.
Tuy nhiên ngoài thông tin này được cho là vẫn còn hai nhóm cổ đông nữa sở hữu lượng lớn cổ phiếu của ngân hàng, trong đó có nhóm do bà Lương Thị Cẩm Tú đứng tên đại diện, và một nhóm nữa do bà Ngô Thu Thúy (công ty Âu Lạc) đại diện. Nhóm của bà Thúy hiện có ông Ngô Thanh Tùng và ông Lê Minh Quốc (từng là thành viên chủ chốt trong HĐQT của Âu Lạc) đang tham gia HĐQT, trong khi nhóm còn lại thì không có ai.
Sự chấp thuận của cơ quan quản lý đối với bà Lương Thị Cẩm Tú, có lẽ cũng đã tính toán cẩn trọng, và dường như cũng thể hiện sự mong muốn về tình đoàn kết, bắt tay nhau của các nhóm cổ đông để hướng đến chung một mục đích là đưa ngân hàng vượt qua khó khăn.
Và trên thực tế, Bà Tú, được biết đến là CEO trẻ nhất ngành ngân hàng khi ngồi chiếc ghế Tổng giám đốc của một nhà băng lúc chỉ 36 tuổi, từng trải qua các vị trí lãnh đạo chủ chốt và là "hạt giống" của Sacombank dưới thời ông Đặng Văn Thành, là phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Khánh Hòa và đặc biệt có hơn 17 năm làm ngành ngân hàng, sẽ góp thêm sức mạnh quản trị và điều hành cho Eximbank. Sự kỳ vọng ở vị lãnh đạo này trong việc cùng các nhóm cổ đông, đặc biệt là đối tác SBMC đưa Eximbank nói chung và New Eximbank nói riêng nhanh chóng thoát khỏi bế tắc, tập trung tái cơ cấu và trở lại quỹ đạo vốn có của một Eximbank đứng nhất nhì nhóm cổ phần trước đây là có cơ sở.
Trí Thức Trẻ