MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai ngành cá tra xuất khẩu đang nằm trong tay chính các doanh nghiệp

22-03-2018 - 15:35 PM | Thị trường

Nếu như không có gì thay đổi cá tra Việt Nam sẽ hết đường sang Mỹ. Mặc dù tìm kiếm thị trường mới là điều vô cùng khó khăn nhưng các doanh nghiệp buộc phải thay đổi nếu muốn thoát khỏi khó khăn lâu dài.

Chiều ngày 19/3, thông tin từ Bộ Công thương cho biết Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) biện pháp chống bán phá giá cá tra – basa của Việt Nam (giai đoạn rà soát từ 01 tháng 8 năm 2015 tới 31 tháng 7 năm 2016).

Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát nói trên.

Mức thuế 7,74 USD/kg được đưa ra lần này cao 3,2 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 và cao gấp 9,7 lần so với mức thuế kỳ POR12 mà cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu.

Ngay sau khi được công bố nhiều ý kiến cho rằng quyết định này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là cá tra của Việt Nam.

Theo ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trước đây Mỹ đã kiểm tra và đánh thuế chống phá giá rất nhiều lần nhưng đây là lần đánh thuế chống phá cao nhất từ trước đến nay.

"Mỹ dùng những số liệu bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Với mức thuế cao như vật, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó xuất khẩu sang Mỹ.

Hiện nay, giá mà các doanh nghiệp Việt Nam bán sang Mỹ dao động từ 4-5 USD/kg. Nếu như chịu áp thuế thấp nhất là 2,39 USD/kg và cao nhất là 7,74 USD/kg thì doanh nghiệp không thể bán được và gần như không còn khả năng xuất khẩu sang Mỹ", ông cho biết.

Bộ Công Thương đang yêu cầu Mỹ xem xét lại mức thuế này, tuy nhiên để có thể điều chỉnh thì rất khó. Nếu như không có gì thay đổi khả năng cá tra Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ là rất khó.

"Việc Mỹ dựng lên rào cản đối với cá tra Việt Nam đã xuất hiện từ lâu những biện pháp này được tăng cường mạnh mẽ hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump", ông chia sẻ.

Mỹ vẫn luôn là thị trường lớn nhất đối với cá tra nói riêng và thị trường thủy sản nói chung. Tuy nhiên, kể từ năm 2016 trở lại đây, do tác động từ những rào cản bảo hộ phía Mỹ mà thị trường tiềm năng này đã tụt xuống thứ 2 - 3 trên bảng xếp hạng, đứng sau Trung Quốc và thậm chí là EU. 

"Động thái mới này từ Mỹ có khả năng sẽ khiến thủy sản Việt Nam nói chung và cá tra nói riêng xuất khẩu sang Mỹ sẽ tiếp tục giảm. Điều này rất đáng lo ngại, tuy sụt giảm nhưng Mỹ vẫn là một thị trường lớn và điều này có thể tác động xấu đến doanh nghiệp", ông Phương lưu ý,. 

Trong nhiều năm qua, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu có những bước chuyển hướng sang thị trường khác. Trong đó, cụ thể là Trung Quốc và Hồng Kông. Đặc biệt, Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.

"Ngoài thị trường Trung Quốc và Hồng Kông doanh nghiệp có thể tiếp tục chuyển sang các thị trường tiềm năng khác ví dụ như Châu Mỹ, Brazill… hoặc một số thị trường Trung Đông. Nếu như chuyển hướng nhanh và mạnh doanh nghiệp sẽ giảm thiểu tác động Mỹ nâng thuế chống bán phá giá quá cao với Việt Nam.

Việc chuyển hưởng thị trường là không hề đơn giản, Mỹ và EU là thị trường truyền thống của Việt Nam và nước ta đã xuất khẩu sang hàng chục năm nay. Muốn tìm kiếm thị trường mới, thì chúng ta phải xúc tiến thương mại và tìm hiểu thị trường quen ăn cá và đặc biệt là cá tra","ông cho hay.T

Đối với bức tranh của ngành xuất khẩu cá tra năm 2018, ông Phương dự báo, xuất khẩu cá tra năm nay sẽ phụ thuộc vào việc doanh nghiệp xuất khẩu thành công đến đâu trong chuyển hướng việc này sẽ rất khó khăn và lâu dài. 

Trước đó, vào ngày 20/3, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường, đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

VASEP và các doanh nghiệp phản đối quyết định thiếu công bằng này của DOC và đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (CIT) trong thời gian sớm nhất để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Thực tế chứng minh rằng các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá cá tra và việc xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng không gây thiệt hại đến ngành công nghiệp cá nheo Mỹ, mà trái lại đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho ngành kinh doanh các sản phẩm cá tra Việt Nam tại Mỹ, đồng thời là nguồn cung cấp sản phẩm cá thịt trắng ổn định cho người tiêu dùng Mỹ với chất lượng tốt và giá cả phù hợp.

Trương Ngọc Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên