Tuyến cao tốc đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam
Tuyến cao tốc đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam nối 3 tỉnh, thành thuộc khu vực phía Nam.
- 04-07-2023Ký 3 thỏa thuận vay có tổng trị giá lên tới gần 61 tỷ Yên
- 04-07-2023Thủ tướng lưu ý vấn đề "tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra"
- 04-07-2023Khách quốc tế qua cảng hàng không tăng gần 500%
Cụ thể, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương là tuyến cao tốc hoàn chỉnh đầu tiên xây dựng tại Việt Nam. Tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương đi qua địa phận thành phố Hồ Chí Minh 1,15km, qua Long An 28,5km và qua Tiền Giang 10,1km.
Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương khởi công ngày 16/12/2004, đưa vào khai thác ngày 3/2/2010. Dự án có chiều dài toàn tuyến là 40km, vận tốc thiết kế 120km/h, tổng kinh phí đầu tư 9.884 tỷ đồng. Tuyến đường nối từ thành phố Hồ Chí Minh đi qua Long An đến tỉnh Tiền Giang, góp phần giảm tải cho QL1.
Theo Cục quản lý đầu tư xây dựng, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương là dự án đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam nên nhiều giải pháp, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng chưa áp dụng ở công trình nào trước đấy.
Điển hình như việc sử dụng cọc cát để xử lý lún cho toàn bộ tuyến đoạn đi trên mặt đất là lần đầu tiên áp dụng. Đặc biệt, việc thi công dự án cao tốc đi qua vùng Tây Nam bộ với nền đất yếu, đòi hỏi phải xây rất nhiều cầu. Có những đoạn khoan địa chất lên phía dưới là túi bùn sâu hơn 30m. Đó là lý do vì sao dự án có đến hơn 14km cầu cạn và cũng là dự án cao tốc có số km cầu cạn dài nhất vào thời điểm đấy.
Với tiêu chuẩn đường cao tốc, tốc độ lưu thông cao, đòi hỏi mặt đường phải êm thuận, nên trong thiết kế đã cho kéo sàn giảm tải để không tạo xốc ở những vị trí mố cầu, cống. Đối với 14km cầu cạn, đơn vị thi công sau khi thảm bản mặt cầu sẽ tiến hành thảm bê tông nhựa toàn tuyến. Sau đó, tại các vị trí khớp nối giữa các nhịp dầm sẽ cắt ra để đặt khe co giãn. Vì vậy, vào thời điểm đấy, dù đi trên cầu cạn với rất nhiều khe co giãn nhưng vẫn đảm bảo độ êm thuận và được đánh giá là đạt độ êm thuận nhất.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương và các tuyến đường nối dài 22,1 km với quy mô 8 làn xe cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp, được thực hiện bằng vốn ngân sách Nhà nước.
Đến nay, tuyến cao tốc này đã quá tải với lưu lượng xe tăng mạnh (hơn 50.000 lượt xe/ngày đêm). Sau khi dừng thu phí (năm 2019), tuyến cao tốc cũng đang dần xuống cấp, năng lực thông hành không còn bảo đảm do nhu cầu vận tải lớn, tốc độ lưu thông hạn chế (60-70 km/h), thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông.
Đặc biệt, do tuyến cao tốc này chỉ mới đầu tư 4 làn xe cao tốc, không có 2 làn dừng khẩn cấp, tạo "nút thắt cổ chai" trong kết nối từ thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Cần Thơ.
Trong khi đó, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư phân kỳ với bề rộng nền đường 17 m gồm 4 làn xe cao tốc rộng 3,5 m và dải phân cách giữa, có bố trí điểm dừng xe khẩn cấp ngắt quãng.
Trong thời gian khai thác, một số vấn đề cấp bách đã xuất hiện. Do quy mô đầu tư giai đoạn 1 được tính toán dựa trên lượng xe cách đây hơn 10 năm, đến nay không còn phù hợp với sự gia tăng của phương tiện.
Dự án giai đoạn 1 cũng chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp có chiều rộng khoảng 2 m (toàn tuyến có 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên tuyến với khoảng cách trung bình 10 km/1 dải/1 chiều). Việc bố trí này không khả thi trong quá trình khai thác sử dụng vì khi xe gặp sự cố không thể tự chạy tới điểm dừng.
UBND tỉnh Tiền Giang đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho đầu tư giai đoạn 2 dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận nếu được đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến sẽ giúp giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1A, rút ngắn thời gian di chuyển từ các tỉnh miền Tây đi thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, có ý nghĩa rất lớn đối với việc đẩy mạnh kết nối liên vùng, góp phần tạo động lực, không gian để phát triển kinh tế - xã hội cho 21 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhịp sống kinh tế