MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá đô la tăng mạnh, ngân hàng nhà nước: Không đáng ngại

20-06-2018 - 07:46 AM | Tài chính - ngân hàng

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu dự báo, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất có thể diễn ra 2 lần nữa trong năm 2018. Áp lực đó đã đẩy giá của đồng USD lên cao, từ đó đẩy tỉ giá lên. Theo ông Hiếu, chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi này. Dẫu thế, Ngân hàng Nhà nước khẳng định USD tăng giá không quá gây sức ép lên tỉ giá VND/USD từ nay đến cuối năm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
302 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Doanh nghiệp xuất khẩu mừng

Là một trong những DN xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex cho rằng, tỷ giá tăng sẽ rất tốt cho xuất khẩu, đặc biệt với những nước xuất siêu như Việt Nam.

Theo ông Nam, việc tỷ giá thay đổi 2-3% những năm gần đây vừa khuyến khích được xuất khẩu, nhưng cũng giúp nền kinh tế vận hành ổn định hơn. Tuy nhiên, nếu tỷ giá vượt quá 3%, sẽ gặp rủi ro, gánh nặng rất lớn với những DN vay nhiều USD để kinh doanh.

Nói về tình hình xuất khẩu nông sản trong năm nay, ông Nam cho biết, trong bối cảnh chung, hiện nhiều loại nông sản Việt Nam xuất khẩu đang có dấu hiệu giảm giá từ cà phê, tiêu, cao su…“Giá giảm sẽ tác động trực tiếp đến nông dân, còn với các doanh nghiệp thương mại, họ chỉ mua bán hưởng chênh lệch nên sẽ không bị ảnh hưởng nhiều”- ông Nam nói.

Theo ông Nam, để đạt mục tiêu  xuất khẩu trên 40 tỷ USD như Bộ NN&PTNT đưa ra với lĩnh vực nông lâm thủy sản năm 2018, sẽ phải tính toán kỹ lưỡng, tận dụng thời cơ khi tỷ giá tăng.

Tỷ giá đô la tăng mạnh, ngân hàng nhà nước: Không đáng ngại   - Ảnh 1.

Giá USD tăng mạnh trong những ngày qua khiến cả người dân và doanh nghiệp đều rất quan tâm.

Trong khi đó, ông Vũ Duy Hải, Tổng Giám đốc Vinacam-đơn vị nhập khẩu lớn về phân bón cho biết, thời gian qua, NHNN kiểm soát được lạm phát nên khi điều chỉnh tỷ giá, xét về tổng thể chung là tín hiệu tích cực, nhất là Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy vậy, với từng lĩnh vực, sẽ có ảnh hưởng nhất định, trong đó, nhập phân bón bị tác động tiêu cực.

Ông Hải cho biết, Việt Nam tăng thuế nhập khẩu Urê, DAP lên 6% và mới đây, DAP và MAP nhập khẩu cũng bị áp mức phòng vệ thương mại trên 1,1 triệu đồng/tấn. Do vậy, khi tỷ giá tăng, sẽ làm cho giá vốn, các chi phí đầu vào của DN sản xuất trong nước tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận và cuối cùng là tác động đến nông dân, nhất là những mặt hàng Việt Nam không sản xuất được như kali.

Lãnh đạo Vinacam cũng nhận định: “Thực tế, năm 2017 lượng nhập khẩu phân bón rất lớn, đầu năm 2018 vẫn sử dụng hàng tồn nhập trước đó. Do vậy, khi tỷ giá tăng, các mặt hàng phân bón sẽ tăng giá vào quý III, đầu quý IV/2018”.

Trong 5 tháng đầu năm Việt Nam đã nhập khẩu hơn 16 tỷ USD các sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đó là máy móc thiết bị phụ tùng ước đạt 13 tỷ USD; vải các loại 5,1 tỷ USD; xăng dầu các loại 3,6 tỷ USD.

Theo ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), tỉ giá là một yếu tố cấu thành giá hàng hóa bởi được quy đổi mua bán bằng ngoại tệ. Hơn nữa, việc nộp thuế cũng phải quy đổi ra đồng tiền Việt Nam để nộp. Do đó, tỉ giá USD tăng sẽ khiến các doanh nghiệp (DN) phải cân nhắc chiến lược kinh doanh, cân đối thu chi.

Liệu tỉ giá có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động nhập khẩu hàng hóa của DN không? Ông Tưởng cho hay thực tế còn tùy thuộc vào cung - cầu của thị trường. “Nhưng biến động tỉ giá đợt này  không tác động quá lớn vào chi phí chung của DN nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ”, ông Tưởng lưu ý.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, tỉ giá cần phải tăng để hỗ trợ cho xuất khẩu, dự báo năm 2018 sẽ tăng trong khoản từ 1 đến 3%. Do đó, ông Hiếu cho rằng, việc tăng này không đáng lo ngại, trừ trường hợp tăng quá nhanh, quá cao, trên 3%. “Các doanh nghiệp xuất khẩu nhận thanh toán tiền bằng USD, tỉ giá tăng, họ đổi ra tiền đồng Việt Nam sẽ có lợi hơn. Nhìn tổng thể, kinh tế Việt Nam chủ yếu mạnh về xuất khẩu, tỉ giá tăng lợi cho xuất khẩu”, vị chuyên gia nói.

Ông Hiếu dự báo, năm 2018 lạm phát có thể vượt mức 4%. Song, nếu vượt từ 4 đến 4,5% thì vẫn có thể chấp nhận được, với điều kiện GDP tăng trưởng ở mức 6,8%. Ngược lại, cần phải báo động.

 Thanh khoản tốt, NHNN vẫn đang theo sát thị trường

Ngày 19/6, Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức: 22.602 đồng. Tỉ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.700 đồng và bán ra ở mức 23.260 đồng. Các mức giá này đều không đổi so với trước đó.

Dù vậy, tại các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục có sự điều chỉnh. Theo đó, một số ngân hàng thương mại tăng tỉ giá thêm 5-10 đồng so với cùng giờ phiên liền trước, phổ biến ở mức 22.800 đồng (mua) và 22.870 đồng (bán). Trên thị trường tự do, giá USD sau ngày tăng vọt chạm ngưỡng 23.000 đồng/USD nay đã giảm nhẹ xuống mức 28.900 đồng/USD và giao dịch ở mức bình thường không có dấu hiệu sốt.

Theo giới phân tích, yếu tố gây sức ép tăng giá USD trong nước là do Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powel cho rằng, nền kinh tế Mỹ đang hoạt động rất tốt. FED cũng dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay nhiều hơn so với kỳ vọng của thị trường…

Tổng hợp phân tích từ các công ty chứng khoán SSI, BVSC cũng cho thấy, gần đây, các quốc gia đang phát triển bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Ấn Độ và Argentina đã nâng lãi suất, còn Ngân hàng trung ương Brazil bán ra các hợp đồng hoán đổi tiền tệ để giúp ổn định hóa thị trường.

Giới chuyên gia trong nước phân tích: FED tăng lãi suất lên 1,75% đã gây tác động rất mạnh và lập tức tạo sức ép lên tỉ giá VND/USD. Cùng đó, yếu tố lạm phát tháng 5 cao cũng gây quan ngại và vô hình trung tạo sức ép đòi hỏi VND phải phá giá nhanh hơn. Bên cạnh đó, nhập siêu tháng 5 tăng cũng khiến các ngân hàng phải cân đối nguồn cung ngoại tệ hơn.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 19/6, một lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, hiện cung cầu thị trường vẫn rất ổn định, trong hai ngày hôm qua và hôm nay (18 và 19/6), NHNN vẫn đang mua ròng ngoại tệ. “Thanh khoản trên hệ thống rất tốt, thanh khoản các ngân hàng rất ổn định và cung cầu đáp ứng đầy đủ. NHNN vẫn đang theo sát thị trường”, vị này cho biết. Còn theo một đại diện NHNN khác thì hiện tỉ giá dù được điều chỉnh tăng ngoài lý do theo tác động chung của việc đồng USD mạnh lên thì đây cũng là cơ hội để hỗ trợ cho xuất khẩu. “Tỉ giá từ đầu năm tới nay mới tăng 0,8%, cho nên có tăng thêm chút trong lúc này cũng không đáng ngại. NHNN sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngoại tệ nếu thị trường cần”, vị này nói.

“Tiền đồng giảm giá vẫn nằm trong khả năng kiểm soát của NHNN, tỷ giá giao dịch có thể sẽ tăng 1,5%-2% năm 2018”, đó là nhận định vừa công bố của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VSD). VSD khuyến nghị: Tiền đồng vẫn dễ bị tổn thương trước những rủi ro từ bên ngoài, ví dụ đồng nhân dân tệ bị phá giá năm 2015 hay khả năng “chiến tranh thương mại” tiềm tàng. Việc tiền đồng giảm giá nhẹ trong thời gian qua chủ yếu do tác động lan tỏa từ diễn biến trên thị trường khu vực ASEAN.  “Đáng chú ý, tỷ lệ dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt 63 tỷ USD, tức chỉ đảm bảo khoảng 3,5 tháng nhập khẩu – mức thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực. Điều này cảnh báo những sức ép/tác động tiêu cực tới tiền đồng”, VSD khuyến nghị.

Liên quan đến câu chuyện khối ngoại bán  ròng trên thị trường chứng khoán và liệu có đổi sang USD rút vốn về gây áp lực lên cung ngoại tệ? Theo một chuyên gia, hiện tượng này qua quan sát những ngày qua cho thấy tiền đồng được thu về của các quỹ ngoại tệ hiện vẫn  nằm trên tài khoản hoặc “trú ẩn” trong trái phiếu Chính phủ, do đó, sức ép cầu ngoại tệ sẽ không quá gây áp lực với NHNN.  Tuy nhiên, vị chuyên gia này khuyến nghị: Đã đến lúc NHNN nên xem xét tới việc nâng lãi suất USD lên ngưỡng 0,5%/năm.

"Tỉ giá từ đầu năm tới nay mới tăng 0,8%, cho nên có tăng thêm chút trong lúc này cũng không đáng ngại. NHNN sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngoại tệ nếu thị trường cần".

Một lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ NHNN

Trong 5 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước dự kiến đạt gần 183 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017 (trong đó xuất khẩu ước đạt 93 tỷ USD, tăng 16% và nhập khẩu ước tính khoảng 90 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2017).


Theo Khánh Huyền- Phạm Anh - Tuấn Nguyễn

Tiền phong

Trở lên trên