Tỷ lệ vốn rẻ CASA giảm tại nhiều nhà băng
Điều này một phần được lý giải bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, cùng hướng dịch chuyển của dòng tiền nhàn rỗi.
- 11-11-2020Toàn cảnh nợ xấu của 27 ngân hàng
- 31-10-2020Toàn cảnh kết quả kinh doanh các ngân hàng quý 3/2020
Với các ngân hàng , việc thu hút được tỷ lệ cao tiền gửi không kỳ hạn đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo ra một nguồn vốn giá rẻ.
Thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,2%/năm.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, cùng tiền gửi ký quỹ trên tổng tiền gửi khách hàng (CASA) càng cao sẽ tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), có thêm điều kiện cạnh tranh lãi suất cho vay trên thị trường.
Mặt khác, CASA càng cao càng phản ánh nền tảng phát triển các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, vì nhiều sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng khác gắn với tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng.
Dù vậy, những biến động vĩ mô trong 9 tháng đầu năm đã ảnh hưởng khá lớn đến khoản mục này trên BCTC của các nhà băng.
Khảo sát của BizLIVE tại 23 ngân hàng đã công bố BCTC quý 3/2020 cho thấy, dù tiền gửi khách hàng vẫn có sự tăng trưởng nhưng tiền gửi không kỳ hạn tại một số ngân hàng đã có sự sụt giảm.
Saigonbank là một ví dụ. Mặc dù tiền gửi khách hàng vẫn tăng trưởng tới 13,25% trong 9 tháng đầu năm nhưng lượng tiền gửi không kỳ hạn lại sụt giảm mạnh tới 36,1%, xuống còn vỏn vẹn hơn 1,1 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ CASA của Saigonbank theo đó giảm mạnh từ 11,2% hồi đầu năm xuống chỉ còn 6,3% vào cuối tháng 9/2020, nằm trong nhóm những nhà băng có CASA giảm mạnh nhất và ở mức thấp nhất trong nhóm khảo sát.
Tương tự, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại SeABank đã giảm tới 32,6% trong 9 tháng qua, khiến CASA giảm xuống chỉ còn 6,6%, so với mức 10,4% hồi đầu năm.
Một số thành viên khác cũng ghi nhận lượng tiền gửi này giảm mạnh bao gồm Kienlongbank (-16%), Eximbank (-14,7%), NCB (-13,9%)…
Lượng tiền gửi không kỳ hạn giảm khiến CASA của nhà băng đi xuống. Khảo sát cho thấy có tới 13/23 thành viên ghi nhận CASA sụt giảm trong 9 tháng qua.
Trong đó, SaigonBank và SeABank là hai ngân hàng ghi nhận CASA sụt giảm mạnh trong kỳ qua với mức giảm lần lượt 4,9 điểm % và 3,9 điểm %.
Tại LienVietPostBank, CASA cũng giảm 2,1 điểm %, xuống còn 12,4%; NCB giảm 1,8 điểm %, xuống còn 6,5%.
Ngoài lượng tiền gửi không kỳ hạn giảm, tỷ lệ CASA tại một số thành viên đi xuống còn do tỷ trọng tiền gửi có kỳ hạn tăng lên và lấn át hơn trong tổng quy mô chung. Điều này củng cố tính bền vững cơ cấu nguồn nhưng lại đi ngược về chi phí huy động vốn.
Ngay cả thành viên vốn có thế mạnh về CASA là MBB cũng ghi nhận tỷ lệ này đi xuống với việc đạt 36,1%, giảm nhẹ so với mức 36,7% hồi đầu năm. Tỷ lệ CASA tại Vietcombank ghi nhận 29,5%, cao thứ ba trong nhóm khảo sát.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Techcombank vẫn tiếp tục gia tăng được tỷ lệ CASA, giữa vị trí "vô địch" với 38,6% tính đến 30/9/2020 theo tiền gửi không kỳ hạn và ký quỹ trên tổng tiền gửi, tăng 4,1 điểm % so với đầu năm.
Đáng chú ý, tại MSB, trong khi tiền gửi khách hàng có xu hướng giảm nhẹ 1% so với đầu năm thì lượng tiền gửi không kỳ hạn lại tăng mạnh tới 23,3%, kéo tỷ lệ CASA lên tới 23,3%, cải thiện mạnh so với mức 20,3% hồi đầu năm.
VPBank và NamABank cũng là hai thành viên có tỷ lệ CASA tăng khá tốt trong kỳ qua với mức tăng lần lượt 2,4 điểm % và 2,1 điểm %.
Như trên, ngân hàng nào có tỷ lệ CASA cao sẽ giành được lợi thế.
Trước đây, lợi thế huy động tiền gửi không kỳ hạn thuộc về các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, do có được nguồn tiền gửi dồi dào từ các tập đoàn, tổng công ty lớn, đặc biệt là có nguồn tiền gửi thanh toán lớn của Kho bạc Nhà nước.
Tuy nhiên, kể từ tháng 11/2019, nguồn tiền ngân sách này đã được kết chuyển về Ngân hàng Nhà nước theo quy định mới khiến các "ông lớn" hụt đi một lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn.
Trong khi đó, trong những năm gần đây, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc huy động tiền gửi không kỳ hạn để giải tỏa áp lực phải giữ lãi suất cạnh tranh so với các nhà băng khác và dần chiếm lĩnh vị trí đầu bảng về tỷ lệ CASA.
Để làm được điều này, các nhà băng tập trung chuyển dịch sang cho vay bán lẻ, liên tục đưa ra các chính sách miễn các loại phí giao dịch, miễn phí chuyển tiền và rút tiền…
Đặc biệt, nhiều thành viên chú trọng đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là phát triển hệ thống ngân hàng giao dịch và gia tăng các sản phẩm và chính sách tiện ích, thiết lập và kết nối những hệ sinh thái mở rộng nhằm thu hút được tệp khách hàng lớn.
Tuy nhiên, như trên, số liệu về tỷ lệ CASA của toàn hệ thống trong 9 tháng đầu năm không mấy khả quan.
Điều này một phần được lý giải bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập của người dân sụt giảm khiến nhiều người dân để ít tiền trong tài khoản ngân hàng hơn, thậm chí rút tiền ra để chi tiêu, còn doanh nghiệp bị giảm doanh thu cũng phải hạn chế để tiền gửi thanh toán tại các ngân hàng.
Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán ghi nhận số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới cao kỷ lục, cùng những đợt sóng lớn trên thị trường vàng cũng có thể là những yếu tố chia sẻ nguồn tiền nhàn rỗi tại các nhà băng.
Bizlive