Tỷ phú hạnh phúc hơn bao giờ hết vì... cạn tiền trước khi qua đời: Chuyên bán hàng xa xỉ nhưng sống trong căn hộ như ký túc xá, suốt 40 năm nỗ lực để "cho đi"
Sau hơn 4 thập kỷ, cuối cùng tỷ phú Chuck Feeney của hãng bán lẻ khổng lồ Duty Free Shoppers cũng đã trao tặng toàn bộ số tiền ông sở hữu cho các hoạt động từ thiện. Hiện tại, ông "không còn gì cả" và cũng hạnh phúc hơn bao giờ hết.
- 17-09-2020Từ bỏ công việc ổn định để theo đuổi đam mê, tôi học được cách đối mặt với cuộc sống: Nhất định phải vượt qua "con quỷ" chần chừ, chán nản!
- 16-09-2020Bức thư tỷ phú Bill Gates gửi đến người cha quá cố: Trải nghiệm làm con của cha thật sự "không thể tin được", cha luôn là hình mẫu con muốn trở thành
- 12-09-2020Tỷ phú bí ẩn vượt mặt cả Mã Hóa Đằng lẫn Jack Ma chỉ sau 1 đêm: Từ thợ xây ít học thành bậc thầy marketing, đè bẹp đối thủ với triết lý kinh doanh siêu "khác người"
Charles Chuck Feeney, 89 tuổi, là người đồng sáng lập tập đoàn bán lẻ miễn thuế nổi tiếng Duty Free Shoppers do ông thành lập vào năm 1960 cùng với người cộng sự Robert Miller. Dù kiếm được hàng tỷ USD, nhưng ông Feeney lại sống cuộc sống vô cùng giản dị, thanh đạm như một tu sĩ.
Là một người hoạt động từ thiện tích cực, ông đưa ra ý tưởng "Hãy cho đi khi còn sống". Hãy chi tiêu hầu hết số tiền bạn có cho các hoạt động từ thiện khi còn sống, thay vì để lại một quỹ tài trợ sau khi qua đời. Bởi ông Feeney quan niệm rằng, bạn không thể mang theo tiền khi qua đời, vậy tại sao không cho đi tất cả, theo dõi cách số tiền được sử dụng và tận mắt nhìn thấy kết quả đó.
"Chúng ta đã học được rất nhiều điều. Chúng ta sẽ thực hiện một số thứ khác nhau, nhưng tôi rất hài lòng. Tôi cảm thấy rất vui khi hoàn thành điều này trước khi hết thời gian của cuộc đời", Feeney trả lời Forbes.
"Tôi gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã tham gia cuộc hành trình này cùng tôi. Đối với những người đang băn khoăn về việc "cho đi khi còn sống": Bạn hãy thử nó, bạn nhất định sẽ thích!".
Trong 4 thập kỷ qua, Feeney đã quyên góp hơn 8 tỷ USD cho các tổ chức từ thiện, trường đại học và các quỹ trên toàn thế giới thông qua quỹ Atlantic Philanthropies. Năm 2012, Feeney tiết lộ, ông đã dành ra khoảng 2 triệu USD cho việc nghỉ hưu của 2 vợ chồng. Điều đó có nghĩa là, tỷ phú đã cho đi số tiền gấp 4.000 lần phần ông giữ lại.
Trong khi nhiều người giàu có thường tranh thủ truyền thông, quảng bá tên tuổi cá nhân khi làm từ thiện, Feeney luôn cố gắng không tiết lộ danh tính khi trao đi các món quà. Cuối thập niên 1990, những hoạt động vì cộng đồng của ông mới được hé lộ sau thương vụ bán cổ phần Duty Free Shoppers cho tập đoàn LVMH của Pháp. Tạp chí Forbes gọi Feeney là "James Bond từ thiện".
Mặc dù tích lũy được rất nhiều tài sản từ hoạt động bán hàng hóa xa xỉ cho khách du lịch và thành lập công ty cổ phần tư nhân General Atlantic, Feeney lại sống trong một căn hộ khiêm tốn ở San Francisco. Căn hộ của ông giống kiểu phòng ký túc xá dành cho sinh viên, trên tường treo vài bức ảnh chụp cùng gia đình và bạn bè và phòng khách có một chiếc bàn gỗ đơn sơ. Trên bàn có bày một giấy chứng nhận: "Xin chúc mừng Chuck Feeney vì đã quyên góp từ thiện 8 tỷ USD".
Sở hữu tài sản khổng lồ, nhưng Feeney không có ô tô siêu sang hay đồ dùng xa xỉ nào. Ông cũng không đồ hiệu xa xỉ. Ông đeo kính cũ, đi máy bay hạng phổ thông và uống rượu loại 2 tại các nhà hàng.
Sự hào phóng của Feeney cũng tác động rất nhiều đến tỷ phú Warren Buffett và Bill Gates khi họ thực hiện Giving Pledge - thuyết phục những người giàu nhất thế giới cho đi ít nhất 1 nửa tài sản của mình trước khi qua đời. Warren Buffett nói: "Chuck truyền cho chúng tôi cảm hứng để "cho đi". Ông ấy là hình mẫu cho tất cả chúng tôi. Tôi sẽ mất 12 năm sau khi qua đời để hoàn thành những gì ông ấy đã và đang làm trong suốt cuộc đời mình".
Thông qua hoạt động của quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies, Feeney đã góp phần đem lại hòa bình cho Bắc Ireland, hiện đại hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam và thúc đẩy các hoạt động mở rộng giáo dục ở nhiều nơi trên thế giới. Ông cũng chi 350 triệu USD để biến đảo Roosevelt bị bỏ quên từ lâu của New York trở thành một trung tâm công nghệ.
Ông đã không đợi đến khi bản thân qua đời mới trao tặng tài sản của mình. Ông tìm kiếm những nơi ông có thể giúp đỡ và nỗ lực hết mình. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2019, Feeney chia sẻ: "Tôi thấy không có lý do gì để trì hoãn việc cho đi khi có thể thực hiện được nhiều điều tốt đẹp. Việc cho đi của chúng tôi dựa trên các cơ hội, chứ không phải một kế hoạch kinh doanh lâu dài. Hơn nữa, việc cho đi khi còn sống sẽ thú vị hơn là khi bạn đã qua đời.".
Ngày 14/9 vừa qua, tỷ phú Chuck Feeney đã hoàn thành sứ mệnh kéo dài 4 thập kỷ của mình và chính thức ký xác nhận đóng cửa tổ chức từ thiện Atlantic Philanthropies. Trong thời kỳ hoạt động tích cực nhất, tổ chức này có hơn 300 nhân viên và 10 văn phòng toàn cầu. Vị cựu tỷ phú cùng vợ tổ chức lễ kỷ niệm qua Zoom và đã nhận được lời chúc mừng của nhiều người, trong đó có tỷ phú Bill Gates. Ngày đóng cửa quỹ từ thiện này đã được đặt ra từ nhiều năm trước trong kế hoạch dài hạn của vị cựu tỷ phú.