MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ phú kiếm được 3 tỷ USD nhờ bán ứng dụng cho Mark Zuckerberg kêu gọi cộng đồng mạng xóa bỏ Facebook

21-03-2018 - 14:05 PM | Tài chính quốc tế

Giữa tâm bão, Facebook lại bị kêu gọi xóa bỏ từ chính cựu nhân viên của mình.

Giữa vụ bê bối dữ liệu người dùng của Facebook, đồng sáng lập ứng dụng Whatsapp trong ngày hôm qua đã kêu gọi những người theo dõi tài khoản Twitter của anh hãy xóa bỏ Facebook.

— Brian Acton (@brianacton) Ngày 20 tháng 03 năm 2018

"Đã đến lúc xóa bỏ Facebook", Brian Acton viết trên trang cá nhân Twitter của mình. Hiện nay, tài khoản Twitter của Acton có gần 21.000 người theo dõi. Tên tuổi của anh được nhiều người biết đến kể từ sau bán ứng dụng cho Facebook và thu về hàng tỷ USD.

Năm 2014, Facebook đã mua lại ứng dụng WhatsApp với giá 22 tỷ USD. Acton nhận được 3 tỷ USD trong thương vụ này và hiện nay có tài sản ròng khoảng 5 tỷ USD theo Forbes.

Acton sau đó tiếp tục làm cho Facebook một vài năm trước khi từ chức và thành lập quỹ Signal Foundation đầu năm nay. Anh cũng đang là cổ đông lớn cho một ứng dụng nhắn tin đối thủ của Facebook có tên là Signal.

Đồng sáng lập WhatsApp cùng với Brian Acton là Jon Koun vẫn điều hành WhatsApp và nằm trong ban quản trị của Facebook.

Vụ bê bối của Facebook bắt đầu sau khi có thông tin cho rằng công ty phân tích dữ liệu chính trị Cambridge Analytica đã truy cập vào bộ dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng mạng xã hội Facebook mà không có sự cho phép của họ.

Theo điều tra của New York Times và The Guardian, "đây là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất trong lịch sử mạng xã hội" bởi nó đã gián tiếp chi phối kết quả của cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ và thăm dò dân ý tại Anh về việc tách khỏi Liên minh châu Âu.

Cambridge Analytica nhận được dữ liệu từ một nhà phát triển ứng dụng tên là Aleksandr Kogan thu hút được 270.000 người chơi trên Facebook. Theo phó giám đốc điều hành kiêm cố vấn chung của Facebook - Paul Grewal, mặc dù ông Kogan đã tiếp nhận thông tin người dùng một cách hợp pháp thông qua kênh dành cho các nhà phát triển trên Facebook, hành động gửi dữ liệu cho một bên công ty dịch vụ thứ 3 của ông là không tuân thủ quy tắc của Facebook.

Điều đáng nói là Facebook đã biết đến sự cố rò rỉ dữ liệu này từ năm 2015 tức là trước khi diễn ra hai sự kiện chính trị quan trọng, nhưng phải đến cuối tuần vừa qua công chúng mới biết thông tin này sau hai bài báo trên New York Times và Observer.

Cambridge Analytica là một công ty phân tích dữ liệu có trụ sở tại Anh, do Robert Mercer - một trong số những nhà tài trợ trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump - nắm phần lớn quyền sở hữu.

Cambridge Analytica đã giúp chiến dịch tranh cử của ông Trump chạy các quảng cáo chính trị trên Facebook, tuy nhiên công ty này nói rằng họ không sử dụng bất kỳ dữ liệu nào thu được từ vụ việc này trong chiến dịch tranh cử.

Cho đến nay, giám đốc điều hành Facebook - Mark Zuckerberg và COO Sheryl Sandberg vẫn giữ im lặng trong suốt vụ bê bối. Điều đó càng tạo cơ hội cho các nhà đầu tư và giới phân tích đăng đàn chỉ trích, đồng thời khơi dậy làn sóng ủng hộ siết chặt quản lý đối với các công ty công nghệ lớn.

Anh Sa

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên