MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ phú Thái từng chi gần 5 tỷ USD để mua 53% cổ phần, nhưng giá trị của cả Sabeco hiện chỉ còn hơn 4 tỷ USD

10-03-2020 - 10:56 AM | Doanh nghiệp

Với tác động kép từ quy định hạn chế tác động rượu bia và dịch Covid-19, Sabeco đã mất 1/3 giá trị chỉ từ sau Tết đến nay.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến mức giảm kỷ lục 6,28%, tương đương 55,95 điểm ngay phiên giao dịch đầu tuần (9/3), sau thông tin diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam phức tạp trở lại từ ca nhiễm thứ 17, cùng việc giá dầu Thế giới giảm sâu. Các cổ phiếu lớn đồng loạt giảm mạnh.

Từ khi thị trường quay trở lại giao dịch sau Tết - cũng là thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát - cổ phiếu Sabeco ghi nhận mức giảm sâu với 32%, đứng đầu danh sách các cổ phiếu lớn. Tính đến phiên 9/3, thị giá SAB chỉ còn 155.300 đồng/cp, tương đương mức vốn hoá chỉ còn 99.590 tỷ đồng (4,3 tỷ USD).

Tỷ phú Thái từng chi gần 5 tỷ USD để mua 53% cổ phần, nhưng giá trị của cả Sabeco hiện chỉ còn hơn 4 tỷ USD - Ảnh 1.

Như vậy, so với mức giá 320.000 đồng/cp, tương ứng tổng số tiền bỏ ra là gần 5 tỷ USD chi để thâu tóm 53,59% cổ phần Sabeco, khoản đầu tư của Thaibev đến nay đã "bay hơi" hơn nửa giá trị. Được biết, mức giá kỷ lục Thaibev chi mua Sabeco vào cuối năm 2017 được tính toán dựa trên thu nhập lịch sử, vị thế tài chính, kinh nghiệm quản lý, sự tăng trưởng trong tương lai và tiềm năng của thị trường.

Tỷ phú Thái từng chi gần 5 tỷ USD để mua 53% cổ phần, nhưng giá trị của cả Sabeco hiện chỉ còn hơn 4 tỷ USD - Ảnh 2.

Sabeco lao dốc liên tục từ quý 3/2019

Lúc bấy giờ, Sabeco là doanh nghiệp sản xuất bia lâu đời với hơn 140 năm kinh nghiệm, sở hữu những thương hiệu bia nổi tiếng của Việt Nam như bia Sài Gòn và bia 333. Ngoài ra, Sabeco chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường bia Việt và là một trong những công ty bia đầu ngành ở ASEAN. ThaiBev cũng đánh giá Việt nam là thị trường tiềm năng cho ngành bia, lớn thứ ba trong ASEAN và chỉ xếp sau Trung Quốc và Nhật Bản. Vì thế, vụ thâu tóm này sẽ giúp Tập đoàn đa dạng hóa thị trường về mặt địa lý; giúp hãng mở rộng khu vực và có được mạng lưới phân phối lớn ở Việt Nam.

Không phủ nhận tình hình kinh doanh của Sabeco 2 năm trở lại đây có dấu hiệu khởi sắc. Song bước sang năm 2020, những cú ‘khó đỡ’ từ Nghị định 100 và kế tiếp là dịch COVID-19 đang tạo thế khó khăn kép cho Sabeco.

Điểm lại, Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 làm sản lượng tiêu thụ bia của ‘ông lớn’ đầu ngành Sabeco giảm đáng kể so với năm ngoái. Quan sát trước kỳ nghỉ Tết cũng cho thấynhiều siêu thị và các đại lý đã giảm giá cao để xử lý hàng tồn kho còn sót lại. Kết quả, quý 4/2019 SAB ghi nhận doanh thu thuần 9.700 tỷ đồng (giảm 6,5%).

Sau Tết, dịch COVID-19 bùng phát khiến việc giảm tụ tập khiến lượng khách tại những quán ăn, quán nhậu giảm sút đáng kể, tiếp nối sự ‘ảm đạm’ sau Nghị định cấm sử dụng bia rượu khi lái xe có hiệu lực từ đầu năm. Trong khi với Sabeco, kênh phân phối bia thông qua các nhà hàng, quán nhậu (on-trade channel) hiện chiếm tỷ trọng lớn 70-80% doanh số ngành bia của Công ty, vì thế sản lượng bia tiêu thụ trong năm 2020 dự giảm 20% và giá bán sẽ được điều tiết từ 5-10% theo cung và cầu thị trường khi nhu cầu ngày càng giảm.

Tỷ phú Thái từng chi gần 5 tỷ USD để mua 53% cổ phần, nhưng giá trị của cả Sabeco hiện chỉ còn hơn 4 tỷ USD - Ảnh 3.

Trong lần chia sẻ mới đây, phía Sabeco cho hay trong ngắn hạn, với ảnh hưởng của virus Corona và Nghị định 100, chiến lược tiết kiệm chi phí sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu của công ty. Theo ban lãnh đạo, giá mạch nha và hoa bia ước tính tiếp tục giảm trong năm nay, do đó tiết kiệm chi phí nguyên liệu đầu vào là khá chắc chắn.

Trong dài hạn (1-2 năm tới), Sabeco có kế hoạch mở rộng thêm 3 nhà máy bia có hiệu quả và chất lượng cao về sản xuất và địa điểm (nhà máy bia ở Sóc Trăng, Củ Chi và Quảng Ngãi) và lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời cho những nhà máy này để giảm chi phí và bảo tồn năng lượng.

Tỷ phú Thái từng chi gần 5 tỷ USD để mua 53% cổ phần, nhưng giá trị của cả Sabeco hiện chỉ còn hơn 4 tỷ USD - Ảnh 4.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên