Tỷ phú Thuỵ Sĩ: Startup Việt phải làm được thứ khiến thế giới ồ lên "Cái này của Việt Nam à!"
"Chúng ta luôn nói đến thung lũng Sillicon như một mô hình thành công đáng học hỏi. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là các doanh nghiệp thành công ở đây thường đến từ nước ngoài. Nghĩa là sự sáng tạo, đầu óc của chúng ta chẳng khác gì với họ cả", Axel Schultze, tỷ phú và là Chủ tịch Diễn đàn đổi mới Sáng tạo thế giới nói.
- 05-03-2019Từ vô danh, một loại quả Việt Nam tham vọng bán với giá đắt nhất thế giới, thành tên gọi phổ biến như kiwi New Zealand
- 05-03-2019Việt Nam vay 188 triệu USD để nâng cấp tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
- 04-03-2019Doanh nghiệp Nhật Bản "phàn nàn" vì chưa có chính sách cụ thể cho phát triển ngành công nghiệp ô tô
Tỷ phú Axel Schultze đã dành hơn 1h đồng hồ nói chuyện với cộng đồng khởi nghiệp tại Hà Nội trong sáng nay, 6/3. Axel khá thoải mái và bắt đầu buổi nói chuyện với câu hỏi: "Ở đây có bao nhiêu người nói được tiếng Anh?".
Đáp lại ông, khoảng 1/3 cánh tay được đưa lên. "Để kết nối với thế giới, chúng ta cần ngôn ngữ. Ví dụ như ở Đức, các hội thảo, workshop về startup đều sử dụng tiếng Anh hoàn toàn. Lúc đầu mọi người rất khó chịu nhưng sau 4 năm, họ hiểu rằng dù muốn dù không, ngoại ngữ là thứ buộc phải có", ông Axel chia sẻ.
Kể câu chuyện của mình, ông cho biết bản thân từng rất mệt mỏi khi phải học và sử dụng tiếng Anh. "Tôi nói nhiều đến mức đau hết cả hàm". Nhưng, trong một lần nói chuyện với người bạn thân làm kinh doanh, khi anh này nói rằng "Tớ nghĩ bọn mình như nhau nhưng cậu có điểm hơn tớ là biết tiếng Anh", ông Axel – lúc này chưa là tỷ phú – đã có suy nghĩ khác.
Do vậy, điều kiện cần cho cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam, trước hết là phải xoá bỏ rào cản về ngoại ngữ, tỷ phú Axel nhấn mạnh.
Điều tiếp theo được ông chia sẻ là làm thế nào để hấp dẫn nhà đầu tư rót vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Giá trị là thứ được ông đề cập. Nghĩa là dù doanh nghiệp bạn kinh doanh cái gì cũng phải chứng minh được giá trị có thể tạo dựng được. Các nhà đầu tư rất chú ý ở điểm này.
"Nhà đầu tư cũng rất quan trọng founder", ông nói. Trong thế giới công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, những startup cần phải cho thấy họ thực sự hiểu được hệ sinh thái, xu hướng xã hội, và có tầm nhìn của 10 – 20 năm nữa.
"Ví dụ như blockchain đã xuất hiện từ năm 2008 và bùng nổ 10 năm sau đó. Startup phải có khả năng đoán định như vậy mới thu hút được nhà đầu tư. Nghĩa là chứng minh cho họ đây là cơ hội tốt nhất để xuống tiền", ông nói.
Tỷ phú Axel cũng cho rằng các doanh nghiệp Việt nên đặt tâm thế sẽ tiến ra thị trường quốc tế. "Có thể chúng ta tin rằng thị trường 100 triệu dân là lớn rồi, nhưng thực ra không nên nghĩ vậy. Bài học từ thung lũng Silicon đang bảo chúng ta rằng phải nghĩ rộng hơn, phải vươn xa hơn".
Ở chiều ngược lại, với vai trò là một doanh nhân và là người sáng lập Tổ chức thúc đẩy kinh doanh San Francisco tại thung lũng Silicon, ông Axel cũng có một số chia sẻ cho những nhà đầu tư thiên thần.
"Chúng ta không thể đầu tư dựa vào cảm xúc", ông nhấn mạnh và nói rằng các startup thường gõ cửa với một ý tưởng nghe có vẻ hay và tuyệt vời nhưng "ý tưởng chỉ là ý tưởng, trừ khi ý tưởng đó thực sự mang ra thị trường, mang về khách hàng, đấy mới là giá trị để xem xét".
Theo ông, trong cuộc đời của mỗi con người, có khoảng 30.000 ý tưởng được nảy sinh, dù vậy, chỉ số ít thành hiện thực. "Do đó, không thể dùng cảm xúc để phán đoán, thay vào đó, hãy nhìn startup hành động như thế nào", ông nói.
Ông cũng chỉ ra một số đặc điểm nên xem xét với startup như: founder (thậm chí không nên đầu tư vào startup chỉ có 1 founder); khả năng giải quyết những vấn đề lớn; sức hút; tầm nhìn về thị trường toàn cầu….
Vị tỷ phú này cũng rất nhấn mạnh đến tính sáng tạo. "Thung lũng Silicon nổi tiếng với giới khởi nghiệp, Trung Quốc cũng có mô hình như vậy nhưng nó không sáng tạo. Hay như Alibaba thành công nhưng không sáng tạo vì nó giống với Amazon – của Mỹ", ông Axel nhận xét.
Ông nhấn mạnh quan điểm sáng tạo có nghĩa là khác biệt. Như vậy, các doanh nghiệp ở Việt Nam phải tìm và làm được những sản phẩm của chính mình, chưa từng có, để khi ra quốc tế, người ta phải tìm xem "nguồn gốc" và ồ lên "Cái này là của Việt Nam à". Điều này mới là sáng tạo, theo ông Axel.
Các nhà đầu tư của Việt Nam cũng nên tham gia vào một nhóm và chia sẻ với nhau các thông tin đã có, một cách thành thực, không giấu giếm. "Đấy là một điều hết sức quan trọng", ông nhấn mạnh.