MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ phú thép Trần Đình Long nói gì về tác động từ việc Tổng thống Donald Trump áp thuế mới với thép và nhôm nhập khẩu?

Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp mức thuế mới đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, với tỷ lệ là 25% và 10%. Theo Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, các doanh nghiệp hiện vẫn rất bình tĩnh và không quá bất ngờ trước thông tin trên. Ngoài ra, vị tỷ phú đô la vẫn rất tin tưởng vào khả năng xuất khẩu thép Việt vào thị trường Mỹ.

"Mỹ hiện nay phải nhập khẩu đến khoảng 30% sản lượng thép, cho nên, theo chúng tôi, không phải vì mức thuế mới này mà thép sẽ không vào được Mỹ nữa. Với những công ty có giá thành tốt, chính sách xuất khẩu tốt hoàn toàn có thể chịu được mức thuế đó và vẫn xuất khẩu thép vào Mỹ bình thường", ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tâp đoàn Hòa Phát cho biết. 

Hòa Phát chính thức xuất khẩu thép sang Hoa Kỳ từ tháng 11/2016. Trong năm 2017, Hoà Phát đã xuất khẩu 147.000 tấn thép, chủ yếu là các thị trường Mỹ, Canada, Úc và ASEAN. 

Tuy nhiên, Tôn Hoa Sen (HSG), Tôn Nam Kim (NKG) và Tôn Đông Á mới là những doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ, thép vào thị trường Mỹ lớn nhất của Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á cho rằng: "Việc Mỹ áp thuế cao đương nhiên chúng tôi phải tạm dừng việc xuất khẩu vào Mỹ và phải cung ứng sản lượng đó qua một loại sản phẩm khác để cung cấp cho thị trường Việt Nam cũng như một số các thị trường cần mạ kẽm chất lượng cao".

Hiện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có thư gửi Bộ Công thương đề nghị có phản ứng về quyết định của Mỹ và có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành. Ngoài ra, theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA, Hiệp hội sẽ tìm kiếm hợp tác với một số nước có hoàn cảnh tương tự để tham vấn và phối hợp cùng nhau. Nếu không thành công, VSA có thể xem xét phối hợp cùng các nước đệ đơn kiện Mỹ lên WTO. 

Trên thực tế, có thể có những lý do giúp Việt Nam đàm phán lại với Mỹ về vấn đề này. Thứ nhất đó là chứng minh rõ ràng yếu tố Trung Quốc trong chuỗi giá trị đầu vào của thép Việt Nam, bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng 90% giá trị thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thứ hai, thép Việt Nam với thị phần nhỏ và hoàn toàn phục vụ các mục đích dân sự (như xây dựng), không ảnh hưởng đến lí do bảo vệ an ninh quốc gia mà Mỹ đưa ra khi áp thuế.

Tỷ phú thép Trần Đình Long nói gì về tác động từ việc Tổng thống Donald Trump áp thuế mới với thép và nhôm nhập khẩu? - Ảnh 1.

Sau quyết định áp thuế lần này của Tổng thống Donald Trump, nhiều quốc gia, trong đó có những nước là đối tác thương mại và đồng minh lớn của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU … đã lên tiếng phản đối và đe dọa sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sắc thuế mới được ban hành với lý do bảo vệ an ninh quốc gia và các doanh nghiệp sản xuất kim loại của Mỹ. 

Ông Trump đã từng tuyên bố mức thuế mới này sẽ áp dụng cho mọi quốc gia và không có ngoại lệ nếu như quốc gia đó không đáp ứng được những điều kiện nhất định. "Tôi vẫn kiên quyết mức thuế đề xuất ban đầu là 10% và 25%. Nhưng tôi có quyền tăng thuế hoặc giảm thuế, tùy xem đó là quốc gia nào. Tôi cũng đủ khả năng thêm vào hoặc bớt ra các quốc gia (thuộc danh sách áp dụng thuế)", ông Trump nói. Canada và Mexico là những quốc gia đầu tiên được miễn thuế, bởi mối quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ, đặc biệt là Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang được đàm phán lại.

Tuy nhiên, các quốc gia châu Á lại có phản ứng hết sức quyết liệt. Trong tuyên bố ngay sau sự kiện Mỹ ban hành sắc thuế mới, Bộ Thương mại Trung Quốc đã bày tỏ quan ngoại sâu sắc với quyết định nêu trên, đồng thời cho biết sẽ đánh giá các thiệt hại và "kiên quyết bảo vệ những lợi ích và quyền lợi hợp pháp" của nước này, và cảnh báo sắc thuế nhập khẩu thép - nhôm mới của Mỹ sẽ tác động nghiêm trọng tới trật tự thương mại quốc tế. 

Trung Quốc chỉ đứng thứ 11 trong các nước xuất khẩu thép vào Mỹ, song sức sản xuất của quốc gia có sản lượng thép lớn nhất thế giới đã gây tác động mạnh tới cung cầu thị trường khiến giá các mặt hàng kim loại này sụt giảm trong thời gian qua. Hồi cuối năm 2016, Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc đã bảo hộ cho các doanh nghiệp nội địa, đồng thời xuất khẩu quá nhiều thép giá rẻ ra toàn thế giới khiến các công ty của Mỹ không thể cạnh tranh. Do vậy, rất có thể việc ông Trump áp thuế nhập khẩu thép – nhôm lần này là nhằm vào Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cũng trả lời báo chí rằng Nhật Bản sẽ phản ứng một cách phù hợp sau khi đánh giá tác động của sắc thuế này đối với các công ty Nhật Bản cũng như các quy định của WTO. Đồng thời mong muốn Mỹ sẽ đưa Nhật Bản vào danh sách các nước được miễn thuế. Hàn Quốc thì khẳng định hành động này của ông Trump sẽ tác động tiêu cực tới tiến trình tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn (KORUS) đang diễn ra. Hàn Quốc đang xem xét khả năng đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Cao Cường

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên