Tỷ phú tuổi Tân Sửu - Abigail Johnson: Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2020 và những nỗ lực không ngừng nghỉ để thoát khỏi 'cái bóng' kẻ thừa kế
Không thể phủ nhận rằng tài sản của bà Abigail "xuất phát" từ gia đình vì bà là người thừa kế. Dẫu vậy, rõ ràng rằng những thành tựu xuất sắc mà bà có được thực hiện bằng chính tài năng lãnh đạo của mình để vượt qua "cái bóng" của thế hệ cha ông tiền nhiệm.
- 04-02-2021Người giàu lại càng giàu hơn: Các hãng bay 'trầy trật' để sống sót, Bill Gates cùng các tỷ phú khác kiếm được hàng tỷ USD nhờ 1 cổ phiếu hàng không tăng gần 200%
- 22-01-2021Không chỉ tạo ra nhiều tỷ phú và triệu phú, Bitcoin còn là 'vị cứu tinh' cho tầng lớp trung lưu châu Âu
Nếu bạn muốn biết giọng nói của Abigail Johnson như thế nào, hãy làm 1 trong 5 điều sau: 1) may mắn được kết bạn với bà; 2) làm việc trực tiếp với bà tại Fidelity; 3) tham dự một sự kiện mà bà tham dự hoặc các hội nghị của ngành tài chính; 4) xem video của công ty bà; 5) xem cuộc phỏng vấn của bà với Bloomberg TV vào tháng 9/2017. Đó là cách duy nhất để có thể nghe giọng nói của người phụ nữ giàu nhất Boston và người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong ngành tài chính.
Theo thời gian, sự bí mật và kỷ luật như vậy đã xây dựng nên cả một đế chế. Được thành lập bởi ông nội của bà Abigail - Edward C. Johnson, và được cha bà là Edward Johnson III. Fidelity Investments hiện quản lý khối tài sản hơn 3,3 nghìn tỷ USD và trở thành 1 trong những công ty dịch vụ tài chính lớn nhất nước Mỹ. Theo Forbes, Abigail sở hữu khối tài sản khoảng 15 tỷ USD và được bình chọn là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Abigail Johnson tên đầy đủ là Abigail Pierrepont Johnson sinh ngày 19 tháng 12 năm 1961. Bà là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Fidelity Investments (FMR) từ năm 2014 và đồng Chủ tịch Công ty Chi nhánh Quốc tế của Fidelity (FIL).
Ngay từ khi còn nhỏ, Abby – tên gọi của bà trong gia đình, đã bị thu hút bởi công việc của cha mình. Bà chia sẻ: "Tôi nhớ rằng đã đến căn phòng trading của công ty và bị thu hút bởi năng lượng tích cực ở đó."
Abby theo học tại 2 trường tư thục hàng đầu nước Mỹ là Shady Hill School và Buckingham Browne & Nichols. Sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh, nhưng bà theo học Đại học Hobart and Williams Smith – trường nghệ thuật tự do ở ngoại ô New York. Sau một thời gian ngắn làm việc ở vị trí tư vấn tài chính tại Booz Allen Hamilton, Abigail Johnson tiếp tục hoàn thành bằng MBA tại Đại học Harvard.
Năm 1988, bà tham gia vào Tập đoàn Fidelity với vị trí chuyên gia phân tích tài chính và quản lý danh mục đầu tư. Abby không phải là một người có năng khiếu bẩm sinh trong việc lựa chọn cổ phiếu, nhưng đã được trau dồi nhờ sự chăm chỉ và thông minh. Một cựu giám đốc quỹ Fidelity từng nói với New York Times: "Bà ấy không muốn bị coi là người thừa kế. Bà ấy cũng từng khảo sát 300 công ty giống chúng tôi."
Sau vài năm làm việc tại Fidelity, bà bắt đầu thăng tiến. Bà nắm giữ vị trí quản lý danh mục đầu tư trong gần 1 thập kỷ và một số chức danh khác. Trong suốt chặng đường này, bà đã học hỏi bí quyết kinh doanh, cách quản trị nhận lực từ những "huyền thoại" trong ngành như Peter Lynch và Hames Curvey. Giữa những lời đồn đại về việc được lựa chọn làm người kế vị, bà được bổ nhiệm làm CEO vào năm 2014. 2 năm sau đó, Abby tiếp quản vị trí chủ tịch hội đồng quản trị.
Thời điểm Abigail Johnson nhậm chức là lúc những tàn dư của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 vẫn tồn đọng. Khi đó, ngành quỹ đầu tư mới lấy lại đà phục hồi sau nỗi nỗi ám ảnh về các sản phẩm phái sinh bao trùm Phố Wall. Đương đầu với những áp lực này, Abigail Johnson đã chứng tỏ mình không phải là một người thừa kế bất tài, khi từng bước đưa Fidelity khẳng định vị trí hàng đầu của một tập đoàn hùng mạnh trong ngành dịch vụ tài chính.
Trong ngành công nghiệp tài chính ngay cả đến những nhà lãnh đạo nam giới bậc thầy cũng gặp nhiều khó khăn, Abigail Johnson đã điều hành Fidelity bằng sự khéo léo, mềm dẻo của một người phụ nữ kết hợp với sự quyết đoán, trí tuệ của một nhà lãnh đạo khiến giới doanh nhân trong ngành đều phải "ngả mũ".
Sau hơn 30 năm làm việc "dưới chướng" của cha tại Fidelity, bà đã đơn độc chèo lái con thuyền này và giúp công ty gặt hái được những thành công ở thời điểm hiện tại. Bà đã nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc của Fidelity vào các quỹ tương hỗ truyền thống – vốn được ông nội và cha bà tích cực áp dụng. Thay vào đó, bà tăng gấp đôi nguồn doanh thu từ mảng tư vấn tài chính, dịch vụ môi giới và đầu tư mạo hiểm.
Ngoài ra, bà cũng cho ra mắt các sản phẩm mới nhắm mục tiêu cụ thể đến nhóm nhân khẩu học lớn nhất trong tương lai, đó là thế hệ trẻ - những người không hài lòng với mức phí cao và đang phát triển sở thích đầu tư. Sau khi tụt hậu so với đối thủ dẫn đầu ngành là Vanguard trong vài năm, Fidelity cuối cùng cũng phát triển quỹ chỉ số vào năm 2018.
Dưới thời bà Abigail Johnson, Fidelity trở thành Công ty quỹ tương hỗ lớn thứ 2 ở Mỹ (sau quỹ Vanguard), hiện quản lý khối tài sản 3,3 nghìn tỷ USD. Bà cũng trở thành người phụ nữ đầu tiên và duy nhất có tên trong danh sách thành viên của Hội đồng Quản trị Dịch vụ tài chính tại Diễn đàn Tài chính Thế giới. Năm 2020, bà được Tạp chí Forbes bình chọn là người phụ nữ quyền lực nhất không chỉ trong ngành tài chính mà còn là thế giới.
Không thể phủ nhận rằng tài sản của bà Abigail "xuất phát" từ gia đình vì bà là người thừa kế. Dẫu vậy, rõ ràng rằng những thành tựu xuất sắc mà bà có được thực hiện bằng chính tài năng lãnh đạo của mình để vượt qua "cái bóng" của thế hệ cha ông tiền nhiệm.
Theo tạp chí BostonMagazine, bà đã trở thành niềm hy vọng của một số phụ nữ vốn bị chèn ép bởi định kiến giới trong ngành tài chính. Ngành dịch vụ tài chính nổi tiếng là một môi trường khó khăn với phái nữ và Abby được coi là người có thể thay đổi toàn bộ những định kiến từ nhiều thế hệ trước.