U19 Việt Nam: Giấc mơ World Cup tan vỡ và 2 chữ "vứt đi" đầy cay nghiệt
Sau khi U19 Việt Nam gục ngã trước Australia, không thiếu những bình luận trên mạng xã hội mang cùng quan điểm rằng lứa cầu thủ U19 hiện tại xem như "vứt đi".
- 18-10-2018Không được tập trên sân chính, U19 Việt Nam phải tập luyện trong đường hầm trước trận mở màn giải U19 châu Á
- 16-10-2018Lịch thi đấu VCK U19 châu Á 2018: U19 Việt Nam hướng tới tấm vé World Cup
- 17-09-2018U19 Việt Nam thua đậm Qatar trong ngày mở màn Cúp Tứ hùng
Đó có thể là cảm xúc bột phát, cũng có thể là ý kiến đúc kết sau thời gian dài, nhưng 2 chữ "vứt đi" được quăng ra chẳng khác nào những cú đòn chí mạng giáng vào nhiệt huyết của các cầu thủ trẻ.
Sự thật là U19 Việt Nam thua 2 trận liền trước Jordan và Australia. Từ nhân sự đến cách vận hành lối chơi đều tồn tại những vấn đề không hề nhỏ. Tất nhiên, việc bị loại từ vòng bảng quả là thất vọng so với thành tích giành vé dự U20 World Cup 2 năm trước.
Nhưng sự thật cũng là các cầu thủ U19 Việt Nam đã thi đấu đầy quyết tâm. Bất chấp những hạn chế, đoàn quân áo đỏ từng có thời điểm dẫn trước vào khiến Jordan lao đao, cũng như rút ngắn tỉ số và buộc Australia phải lo lắng, câu giờ vào cuối trận đấu.
Những chiến công khó tin của U19 Việt Nam và U23 Việt Nam trong hơn một năm qua khiến người hâm mộ Việt Nam bắt đầu đặt mục tiêu cao hơn. Không ít CĐV quên rằng về cơ bản, bóng đá Việt Nam vẫn tồn tại quá nhiều hạn chế.
Xét trên 2 thước đo quan trọng là ĐTQG và giải VĐQG, chúng ta còn xa mới được liệt vào hàng "số má" của châu lục.
Ngoài giải đấu năm 2016, U19 Việt Nam thực tế thường đóng vai trò "lót đường" tại VCK U19 châu Á. Còn nhớ năm 2014, lứa Công Phượng, Văn Toàn được kỳ vọng nhưng thua tan tác ở vòng bảng.
Không thể vin vào lý do "đá đẹp, thua vẫn sướng". Phải nhìn vào thực tế rằng U19 Việt Nam năm đó nhận tới 10 bàn thua sau 3 trận và chỉ ghi được 2 bàn. Một số tình huống xử lý đẹp mặt không che giấu được tập thể mất cân bằng và non nớt.
U19 Việt Nam từng thua tan tác trước Hàn Quốc.
Gần 3 năm trước, tại VCK U23 châu Á 2016, U23 Việt Nam cũng ra về ngay sau vòng bảng. Đoàn quân áo đỏ rời giải mà không kiếm nổi dù chỉ 1 điểm, nhận tới 8 bàn thua.
Bản thân tập thể U23 Việt Nam làm nên lịch sử đầu năm 2018 cũng từng trải qua nỗi đau tại SEA Games 29. Khi đó, Việt Nam bị loại từ vòng bảng, sau trận thua 0-3 muối mặt trước Thái Lan.
Nếu sau mỗi giải đấu trên, các bình luận theo kiểu "lứa này đáng vứt đi" thành sự thật, vậy lấy đâu ra những thành công giúp bóng đá Việt Nam nở mày nở mặt hơn một năm qua.
Nói vậy để thấy, các thất bại ở giải trẻ không nên bị coi như "ngày tận thế". Những cầu thủ ra sân còn rất trẻ. Thủ thành bắt chính Y Eli Niê thậm chí còn chưa tròn 18 tuổi. Trước mắt họ còn cả con đường sự nghiệp rất dài.
Rút kinh nghiệm là điều đương nhiên phải làm. Đối mặt với sức ép, thậm chí chỉ trích cũng là chuyện phải quen dần. Chỉ có điều, khi những lời chỉ trích đi quá xa, chuyển thành mạt sát và không còn mang tính xây dựng, sẽ làm ảnh hưởng đến các cầu thủ trẻ.
U19 Việt Nam đã chơi đầy cố gắng tại 2 trận đấu trước Jordan và Australia.
Sự quá khích của một bộ phận CĐV cũng tác động đến cả những lứa cầu thủ nhỏ tuổi hơn. Họ phải chịu áp lực rất lớn từ quá sớm, chịu sự kỳ vọng đôi khi vô lý, giống như cái cách người Argentina tìm "Maradona mới" vậy (ngay cả thiên tài như Messi cũng không chịu nổi!).
Người ta nói khán giả là nguồn sống của bóng đá. Đôi khi trong nguồn sống xuất hiện những "hạt sạn" tác động xấu đến sự phát triển. Đó là lúc người hâm mộ cần bình tĩnh suy xét và công bằng, bao dung hơn với các cầu thủ.
Trí thức trẻ