Ứng dụng công nghệ 4.0 đảm bảo an toàn giao thông
Ứng dụng thành tựu công nghệ điện tử hiện đại là “chìa khóa” để nắm rõ thực trạng ATGT, từ đó hoạch định chính sách phù hợp kéo giảm TNGT.
- 01-12-2019Nikkei: Việt Nam sẽ là một trong những trụ cột của kế hoạch tăng trưởng của Uniqlo, được Aeon Group coi là thị trường quan trọng nhất ngoài Nhật Bản
- 01-12-2019TP.HCM đề xuất hỗ trợ mua nhà cho vợ chồng sinh con thứ hai: Nếu một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại thì trong tương lai sẽ phải chăm sóc sáu người lớn
- 30-11-2019Bài học xử lý rác thải từ cốc trà sữa, bẫy gián đến những núi rác cao hơn cả "Nữ thần Tự do" của Trung Quốc
Đây là chủ đề xuyên suốt được nhiều nhà khoa học, chuyên gia ATGT trong nước và quốc tế bàn thảo tại Hội nghị ATGT năm 2019 do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.
Khó hoạch định chính sách nếu không có KHCN
Nêu ví dụ cho nhận định trên, nhiều chuyên gia nêu thực trạng đảm bảo ATGT đối với xe máy tại Việt Nam. Việc giảm số lượng xe máy sẽ giảm được ùn tắc, ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm được TNGT. Tuy nhiên, do chưa có công cụ hữu hiệu, cơ quan chức năng vẫn đang gặp khó trong việc thống kê chính xác số lượng xe máy lưu hành là bao nhiêu để hoạch định chính sách phù hợp.
TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp, Công ty ALMEC Việt Nam cho rằng, ô tô dễ gây TNGT nhiều hơn xe máy 4 - 6 lần. Nhưng do số lượng xe máy áp đảo, gấp 15 lần ô tô, đồng thời người ngồi trên xe máy chỉ có mỗi cái mũ bảo hiểm làm vật che chắn nên dễ bị thương vong do TNGT hơn. Vì vậy, số lượng TNGT liên quan đến xe máy chiếm tỷ lệ đáng kể. Từ năm 2013 - 2017, tỷ lệ TNGT liên quan xe máy lên tới hơn 82% số vụ, trên 84% số người chết và gần 90% số bị thương.
Cũng theo TS. Đức, năm 1990, cả nước có khoảng 1,2 triệu xe máy, đến hết năm 2018 con số này đã tăng lên trên 62 triệu xe, cao gấp 49 lần. Tổng số xe máy đăng ký được tính từ những năm 80 của thế kỷ trước và được cộng dồn đến nay, bao gồm cả những xe đã bị thải bỏ. Nếu dựa vào con số đăng ký để hoạch định chính sách đảm bảo ATGT sẽ dẫn đến quy hoạch không chính xác.
“Số lượng xe máy đang lưu thông và lượng xe máy theo đăng ký đang có sự chênh lệch lớn khoảng 30%. Nhưng chúng ta không biết số lượng xe này đang ở đâu”, TS. Đức nói.
Thừa nhận thực tế này, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, tính đến hết tháng 10, căn cứ trên hồ sơ đăng ký, cả nước có trên 4 triệu xe ô tô và trên 62 triệu xe máy. Tuy nhiên, cơ chế nào để thống kê số lượng xe này đang được cơ quan đăng ký nghiên cứu, nhất là thống kê xe cũ đang lưu hành từ thành phố được chuyển về các vùng nông thôn. Việc quản lý ô tô rất dễ, nhưng quản lý mô tô là rất nan giải, nhất là quản lý về niên hạn.
Công nghệ cao là “chìa khóa”
PGS.TS. Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ, Bộ GTVT cho biết, đối với quản lý nhà nước về ATGT, việc xác định chính xác lưu lượng xe có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, các dự án của ngành GTVT đều dựa vào các con số khảo sát lưu lượng xe được đo đếm thủ công. Chúng ta chưa có hệ thống đếm xe tự động để có con số thực là bất cập lớn. Do đó, tới đây cần ứng dụng công nghệ cao vào việc này để có con số chính xác. “Muốn công tác đảm bảo ATGT hiện đại, phải có hệ thống đếm xe tự động trên hệ thống giao thông. Công nghệ hoàn toàn cho phép thực hiện điều này để từ đó phân loại xe và hoạch định chính sách”, ông Tâm nói.
Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, Bộ Công an đã xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật về hệ thống giám sát, trong đó có nội dung camera đếm phương tiện. Việc đếm xe máy có thể thực hiện được bằng hình thức này, nhưng qua khảo sát cho thấy, camera có thể đếm được xe ô tô nhưng rất khó đếm xe máy trên một dòng giao thông hỗn hợp. “Một công ty công nghệ chia sẻ, nếu dùng trí tuệ nhân tạo sẽ khắc phục được nhược điểm này. Chính việc đếm được lưu lượng cùng với tốc độ lưu thông sẽ đưa ra được các chỉ số về tình trạng giao thông của tuyến đường, căn cứ vào màu sắc hiển thị, người dân sẽ biết được mật độ phương tiện, tốc độ lưu thông, ùn tắc hay không và lựa chọn hành trình tối ưu nhất”, ông Bình cho biết.
Ông Trần Trọng Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Biển Bạc cho biết, việc ứng dụng công nghệ trong đảm bảo ATGT không chỉ là sử dụng hệ thống camera giám sát thông thường để theo dõi hoạt động, diễn biến giao thông trên đường mà nó còn có sự xuất hiện của giải pháp giám sát và xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI).
“Với công nghệ AI sẽ phát hiện, phân tích, cảnh báo trước các hành vi vi phạm, phát hiện lái xe có nguy cơ gây TNGT như: Buồn ngủ, say rượu, tình trạng sức khỏe yếu, không thắt dây an toàn, chở quá số người quy định… và đưa ra cảnh báo kịp thời”, ông Vinh nói và cho rằng, giải pháp này sẽ hỗ trợ tối đa CSGT trong việc phát hiện lái xe vi phạm, gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm đến tính mạng của người tham gia giao thông, chụp ảnh, phân tích và nhận dạng biển số của các phương tiện giao thông vi phạm các lỗi phổ biến thường gặp như: Vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, dừng đỗ không đúng nơi quy định, đi ngược chiều, phát hiện các xe trong danh sách biển số đen... Cập nhật tức thời thông tin phương tiện vi phạm đến các trung tâm điều hành, tổ tuần tra để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.
“Ứng dụng AI có thể nâng cao độ chính xác trong việc đọc biển số xe. Với giải pháp thông thường, chưa dùng chip thông minh, độ chính xác trong đọc biển số xe của hệ thống giám sát chỉ khoảng 90 - 95% nhưng khi sử dụng AI, tỷ lệ nhận dạng được biển số đến 100%, ngay cả trường hợp biển số bị cong vênh, mất nét”, ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, ứng dụng AI có thể xác định được biển số xe và từ kết quả đó sẽ xác định được quá trình xe di chuyển. Hiện nay, hệ thống giám sát và xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh đã ứng dụng cho 16 tỉnh thành với tính năng nhận dạng, phát hiện thông minh, việc giám sát giao thông sử dụng công nghệ AI đã và đang nâng cao được ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT của người điều khiển phương tiện.
Ông Đỗ Mạnh Tuân, Phó TGĐ Công ty CP Bee Group chia sẻ, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang đến thay đổi lớn trong ngành nghề kinh doanh vận tải. “Các ứng dụng gọi xe liên tục xuất hiện. Các doanh nghiệp, HTX vận tải hành khách, hàng hóa cũng từng bước áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành kinh doanh”, ông Tuân nói.
Cũng theo ông Tuân, công nghệ về Big Data giúp các nền tảng trở nên thông minh khi chia sẻ, kết nối với nhau và chia sẻ dữ liệu với cơ quan quản lý nhà nước phục vụ cho công tác điều hành giao thông trở nên dễ dàng hơn. Nhờ vậy, vài năm gần đây, thị trường vận tải Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 20-25%/năm, đặc biệt trong lĩnh vực gọi xe tăng tới 30-35%/năm. Theo thống kê, nếu năm 2017, mỗi ngày tại Việt Nam có khoảng 500.000 chuyến xe được thực hiện bởi các công ty gọi xe thì đến năm 2019, con số này là 1 triệu chuyến.
“Trong tương lai, các doanh nghiệp cần đưa quy trình kinh doanh của mình lên các phần mềm, ứng dụng để tối ưu hóa công tác quản lý. Các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh hơn có thể áp dụng Big Data, kết hợp với các camera thông minh lưu trữ mọi dữ liệu của người dùng, dữ liệu hành trình, thu thập dữ liệu trên đường, hành vi của tài xế, khách hàng, giúp việc điều hành giao thông trở nên an toàn và dễ dàng hơn”, ông Tuân chia sẻ.
Bộ trưởng GTVT, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Văn Thể: Giám sát tự động là chìa khóa bảo đảm ATGT tương lai
Phát biểu tại Hội nghị ATGT năm 2019 do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức ngày 29/11, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thể cho rằng, TNGT vẫn diễn biến phức tạp, mỗi ngày ở Việt Nam vẫn có 20 người chết và 50 người bị thương. Nhiều vấn đề bức xúc như: Lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích, vi phạm Luật Giao thông đường bộ còn tái diễn, trong khi đó việc ứng dụng khoa học vào giám sát, xử phạt còn kém.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT mong muốn hình thành hệ thống giám sát tự động để giám sát hoạt động vận tải, các điểm giao thông phức tạp, để xử lý vi phạm theo hướng "phạt nguội". Ngoài ra, giải quyết được các vấn đề cốt lõi như: Nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, hình thành hệ thống giám sát tự động để kiểm soát hoạt động vận tải trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam; Nghiên cứu các cửa ngõ, trục giao thông quan trọng, quy hoạch giao thông của các đô thị lớn như: Đường cao tốc nội đô, đường trên cao để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông.
Ông Bùi Huynh Long, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia:
Nhà nước đang làm thay doanh nghiệp
Trong số 13 nguyên nhân gây TNGT, nguyên nhân vi phạm phần đường, làn đường, tốc độ, nồng độ cồn là nguyên nhân chủ yếu. Điều này phản ánh công tác quản lý nhà nước về ATGT còn nhiều thiếu sót, bất cập từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Những năm qua, nhà nước làm thay công tác ATGT cho doanh nghiệp vận tải ô tô quá nhiều. Nhưng dù nhà nước có làm bao nhiêu cũng sẽ không đủ. Phải tự thân các doanh nghiệp phải làm việc này, chỉ có như vậy mới giảm TNGT bền vững. Thế giới đã có Tiêu chuẩn Quốc tế ISO 39001-2012 về tổ chức ATGT đường bộ. Việt Nam cũng đã xây dựng tiêu chuẩn cho riêng mình tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Có nhiều lợi ích khi áp dụng tiêu chuẩn, nhưng thực tế doanh nghiệp vận tải chưa quan tâm áp dụng.
GS. Geert Wets, Đại học Hasselt, Vương quốc Bỉ:
Cần mạng lưới giao thông tích hợp
Đầu những năm 90, tại Bỉ có hơn 1.000 trường hợp tử vong do TNGT. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, con số này chỉ còn 300 người tử vong/năm. Trong khoảng 25 năm, số người chết do TNGT tại Bỉ được kéo giảm 2/3. Để đảm bảo ATGT, các quốc gia cần phải mô hình hóa, tạo thuận lợi cho từng loại phương tiện, phải xác định hạ tầng giao thông không chỉ phát triển cho ô tô mà còn để phục vụ cho người đi bộ, xe đạp, giao thông công cộng.
Một thành phố lớn cần phải tạo được sự tương tác giữa nhiều phương tiện với nhau tạo thành mạng lưới GTVT tích hợp. Trong đó, có thể dựa trên 4 kịch bản: Dịch vụ chia sẻ, loại bỏ nhu cầu xã hội dựa vào xe ô tô là chủ yếu, nên có các dịch vụ chia sẻ giữa người với người; Có các phương tiện tự động hóa hoàn toàn; Đặt mục tiêu khoảng năm 2030 - 2035, mọi người có thể tham gia các phương thức tự động trên đường cao tốc, đường trên cao. Đặc biệt là phát triển phương tiện vận tải đa phương thức, hình thành các điểm chuyển đổi các phương thức, ví dụ từ nhà đạp xe điện đến một trạm có thể lên xe buýt, metro, sau đó đi xa hơn.
Theo Báo Giao thông