MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ứng phó với biến động tỉ giá

30-05-2018 - 07:17 AM | Tài chính - ngân hàng

Tỉ giá USD/VNĐ đã nhảy vọt với biên độ lớn nhất kể từ đầu năm đến nay. Lãi suất USD trên thị trường quốc tế đang tăng cộng thêm áp lực tăng tỉ giá sẽ ảnh hưởng nhất định đến doanh nghiệp vay ngoại tệ.

Ngày 29-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỉ giá trung tâm tăng thêm 9 đồng/USD, lên mức 22.605 đồng/USD. Đây là mức tăng cao nhất của tỉ giá từ đầu năm đến nay, tương đương mức tăng 0,84%.

Áp lực từ bên ngoài

Cuối ngày, giá USD tại NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được niêm yết ở mức 22.820 đồng/USD mua vào, 22.890 đồng/USD bán ra, tăng thêm 45 đồng/USD so với phiên trước. Đây là phiên tăng khá mạnh của giá USD trong các NH thương mại. Trên thị trường tự do, giá USD cũng xấp xỉ mức 23.000 đồng/USD. Một số điểm thu đổi ngoại tệ báo giá USD mua vào 22.850 đồng/USD, bán ra ở mức 22.890 đồng/USD.

Theo các NH thương mại, 4 tháng đầu năm nay, diễn biến tỉ giá tương đối ổn định một phần nhờ vào các yếu tố vĩ mô nội tại vững chắc như tăng trưởng GDP quý I ở mức 7,38% - mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây, ngoại hối đạt kỷ lục 63 tỉ USD, nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài đổ vào khả quan… Nhưng tỉ giá đã bắt đầu nhích lên trong những ngày qua do tác động từ biến động trên thị trường quốc tế.

Ứng phó với biến động tỉ giá - Ảnh 1.

Tỉ giá USD/VNĐ đã tăng 0,84% kể từ đầu năm đến nayẢnh: Linh Anh

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn NH HSBC Việt Nam, cho biết việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bám sát lộ trình tăng lãi suất đã đặt ra trước đó và lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng đáng kể trong thời gian gần đây đẩy đồng USD mạnh hơn. Áp lực từ biến động trên thị trường quốc tế đối với tỉ giá USD/VNĐ là khó tránh. Cùng với đó, các yếu tố cục bộ như nhu cầu thanh toán ngoại tệ theo chu kỳ tăng cao, cán cân thương mại thâm hụt trong tháng 5, dòng vốn ngoại có dấu hiệu đảo chiều trong khoảng 2 tuần cuối tháng 5 đã khiến tỉ giá USD/VNĐ có những bước nhảy vọt với biên độ lớn nhất kể từ đầu năm.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5, cán cân thương mại đã thâm hụt 500 triệu USD sau 4 tháng liên tiếp xuất siêu. Trong khi đó, phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM cho rằng giá USD tăng những ngày qua do thị trường chứng khoán giảm mạnh, nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phiếu và mua lại USD. "Tỉ giá có biến động nhưng với biên độ nhẹ nên chưa ảnh hưởng quá lớn đến thị trường. Thanh khoản ngoại tệ tại các NH vẫn khá tốt" - vị phó tổng giám đốc này nói.

Chủ động tránh cú sốc

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, quý I/2018, tín dụng ngoại tệ tăng 5,4% so với cùng kỳ trong khi tín dụng bằng VNĐ chỉ tăng 3,3% cho thấy cầu vay vốn bằng ngoại tệ tăng cao. Lãnh đạo một số NH nhìn nhận nhu cầu vay ngoại tệ phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) luôn cao trong bối cảnh tỉ giá ổn định thời gian qua và lãi suất vay USD "hấp dẫn" hơn tiền đồng. Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai, cho biết lãi suất vay USD hiện chỉ ở mức 3,5%-4%/năm trong khi lãi suất vay ngắn hạn bằng tiền đồng khoảng 7%-8%/năm nên vay ngoại tệ giúp DN tiết kiệm chi phí. Tỉ giá ổn định như gần đây càng đem lại lợi ích lớn cho những DN đủ điều kiện vay ngoại tệ.

Lãnh đạo một NH TMCP phân tích hiện mức chênh lệch giữa lãi suất VNĐ và USD khoảng 4%, nếu trừ biến động tỉ giá khoảng 1%-2%/năm thì DN vay ngoại tệ vẫn có lợi. Trong bối cảnh lãi suất USD trên thị trường quốc tế đang tăng cộng thêm áp lực tăng tỉ giá sẽ ảnh hưởng nhất định đến DN vay ngoại tệ. Lúc này, đứng trước những biến động về mặt tỉ giá và lãi suất, các DN phải vay ngoại tệ sẽ gặp rủi ro vì lãi suất và tỉ giá cao. Ông Ngô Đăng Khoa cho rằng DN cần chủ động mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm, phòng ngừa rủi ro tỉ giá và lãi suất để tránh những cú sốc khi thị trường có biến động tiêu cực, đồng thời giúp hoạt động kinh doanh của DN ổn định, hiệu quả.

Ngoài ra, việc đồng USD mạnh hơn cùng với đà tăng của lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ là những chỉ báo không mấy tích cực cho thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Các khoản vay nước ngoài và nghĩa vụ tài chính bằng đồng USD sẽ đắt đỏ hơn. Sức hút của các thị trường mới nổi và thị trường ngoại biên (gồm cả Việt Nam) trở nên bớt hấp dẫn hơn khi chênh lệch lãi suất thu hẹp, có thể dẫn tới các dòng vốn đầu tư chảy ngược trở về Mỹ. "Nhưng với lợi thế về nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, cùng nguồn dự trữ ngoại hối tích lũy thời gian qua sẽ bảo đảm nguồn lực cần thiết cho cơ quan quản lý chủ động trong việc điều hành chính sách linh hoạt, ổn định tỉ giá khi cần thiết" - ông Khoa nhận xét.

Khuyến khích dùng công cụ ngừa rủi ro tỉ giá

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 29-5, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN cho biết đang theo dõi tình hình trước biến động tỉ giá dù cung cầu ngoại tệ trên thị trường và trong các NH thương mại vẫn bình thường. NHNN luôn khuyến khích DN sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỉ giá phù hợp với hoạt động của mình. Trước đó, lãnh đạo NHNN cũng nhìn nhận việc điều hành tỉ giá theo hướng ổn định trong năm nay là thách thức không nhỏ trước bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu, dòng vốn vào - ra biến động khó lường tác động bởi xu hướng chính sách tiền tệ thận trọng của các NH trung ương chủ chốt, đặc biệt là FED; diễn biến phức tạp của đồng USD…


Theo THÁI PHƯƠNG

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên