MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ứng xử công bằng với tài xế xe công nghệ

Tài xế xe 2 bánh hiện chưa được hỗ trợ những vấn đề an sinh xã hội cơ bản. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tài xế xe 2 bánh hiện chưa được hỗ trợ những vấn đề an sinh xã hội cơ bản. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tài xế xe công nghệ nên được xác định là đối tác hay người lao động của hãng xe để có thể được bảo vệ quyền lợi tốt nhất

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sau câu chuyện lùm xùm về sự thiếu thống nhất trong việc diễn giải và hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các hãng xe công nghệ , ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, cho rằng đây là cơ hội để các cơ quan làm chính sách nhìn nhận lại tổng thể mô hình kinh tế chia sẻ, trong đó có vấn đề quan hệ lao động, an sinh xã hội…

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, các mô hình gọi xe như Grab, Be, Fast Go hay ứng dụng Aibnb, Traveloka kết nối cơ sở lưu trú... về bản chất là dùng công nghệ số để kết nối kinh doanh. Nói cách khác, đây là một dịch vụ số kiểu mới nhằm tạo ra mô hình kinh doanh mới, trong đó người chạy xe hay người có phòng cho thuê là đối tác cùng với hãng công nghệ cùng cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Như vậy, đây là quan hệ giữa bên sở hữu công nghệ và bên có tài sản (xe, phòng, sức lao động...), tức quan hệ hợp tác kinh doanh chứ không phải là quan hệ chủ sử dụng lao động - người lao động.

"Điểm mấu chốt để hình thành quan hệ lao động là phải có quan hệ trả lương giữa người sử dụng lao động và người lao động. Nếu tiền cước vận tải do hành khách trả đi vào túi của hãng xe, trở thành tài sản của hãng, sau đó hãng trích một phần ra để trả lương cho tài xế thì mới có cơ sở để nói tài xế là người làm công ăn lương. Nhưng thực tế hiện nay, hãng xe làm nhiệm vụ kết nối với hành khách và được hưởng một khoản chiết khấu từ doanh thu của tài xế.

Các vấn đề về BHXH, BHYT, lương tối thiểu chỉ áp dụng đối với mối quan hệ lao động, không áp dụng với các mối quan hệ hợp tác như trên. Nếu tài xế không đồng ý với các điều khoản của công ty trung gian, họ hoàn toàn có thể tắt ứng dụng và tiếp tục hoạt động dưới loại hình xe ôm truyền thống" - ông Nguyễn Quang Đồng phân tích.

Tuy nhiên, cũng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, đứng từ góc độ an sinh xã hội, về cơ bản, tài xế chạy xe 2 bánh là những người làm dịch vụ có thu nhập thấp trong xã hội, cần được hỗ trợ những vấn đề an sinh xã hội cơ bản. "Nhà nước đã có chế độ BHXH tự nguyện nhưng việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện chưa tốt nên chưa thu hút được người dân tham gia" - ông Đồng góp ý.

Về nghĩa vụ thuế, ông Đồng cho rằng thu nhập của tài xế xe 2 bánh phần lớn dưới mức 100 triệu đồng/năm. Vì vậy, cần phải có quy định và hướng dẫn áp dụng công bằng, tránh đánh thuế cao hoặc gây tác động xấu đến thu nhập của họ. "Ngành thuế hiện đang có chủ trương không thu trực tiếp từ các tài xế xe ôm nhưng lại yêu cầu các công ty trung gian kết nối vận tải của họ nộp thay. Dù ai nộp khoản thuế này vẫn phải lấy từ hành khách khiến hành khách phải cân nhắc khi sử dụng dịch vụ và kết quả cuối cùng là thu nhập của tài xế sẽ bị ảnh hưởng" - ông Đồng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, rất khó để so sánh lợi - hại giữa 2 hình thức đánh thuế thu nhập cá nhân. Bởi vì, tài xế xe 2 bánh là đối tác kinh doanh của hãng xe công nghệ bị đánh thuế 1,5% trên toàn bộ thu nhập nhưng chỉ phải đóng thuế nếu thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; nếu coi tài xế là người lao động nhận tiền lương, tiền công thì phải nộp thuế cho phần thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng và được giảm trừ gia cảnh.

"Tuy nhiên, cái thiệt của tài xế xe 2 bánh là không được hưởng chính sách BHXH giống như những người lao động bình thường khác. Do vậy, trong bối cảnh chưa có quy định pháp luật có thể điều chỉnh được nghĩa vụ đóng BHXH cho tài xế thì có thể nghiên cứu điều chỉnh một số quy định về mô hình kinh tế chia sẻ hiện nay theo hướng xác lập quan hệ giữa hãng xe và tài xế là quan hệ theo hợp đồng lao động để tài xế được hưởng chính sách BHXH, tất nhiên bản thân tài xế cũng phải tham gia đóng BHXH theo quy định. Đó là giải pháp giúp giảm bớt gánh nặng xã hội trong tương lai bởi đối tượng lao động theo hình thức này hiện ngày càng nhiều" - ông Được nêu quan điểm.

Có thể áp dụng thuế khoán giá trị gia tăng

Về thuế GTGT, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng cần áp dụng mức thuế và cách thức thu thuế hợp lý. Chẳng hạn, áp dụng thuế khoán cho phần GTGT với một tỉ lệ vừa phải và thuế chỉ nên tính khi tổng thu nhập từ nguồn thu vượt quá 100 triệu đồng/năm.

Theo Hoài Dương

Theo Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên