Uống nước mía không hợp vệ sinh, bạn đã vô tình "mời" vi khuẩn nguy hiểm này vào cơ thể
Nước mía là thức uống giải khát phổ biến trong mùa hè. Tuy nhiên thách thức liên quan tới việc uống nước mía hợp vệ sinh
- 28-04-2024Bi hài khách Tây học cách "sinh tồn" trong nắng nóng đổ lửa của TPHCM: Tập... ngủ trưa, uống nước mía
- 18-02-2023Uống nước mía mỗi ngày có tốt không?
- 25-05-2022Uống nước mía cho thêm thứ này tốt ngang thuốc bổ gan, lại còn trẻ hóa da, khỏe xương, răng
Mùa hè, nước mía được bày bán đầy khắp vỉa hè. Bạn có thể dễ dàng mua nước mía theo cốc, theo chai mang về hoặc uống tại chỗ.
Mặc dù nước mía có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như cung cấp nguồn năng lượng tự nhiên do hàm lượng đường tự nhiên cao, giàu chất điện giải giúp cơ thể phục hồi sau khi vận động mạnh hoặc bị mất nước. Nước mía còn chứa một lượng nhỏ chất xơ, protein và các khoáng chất như canxi, kali, sắt và magiê. Ngoài ra, nước mía còn có chứa các acid amin và một số chất chống oxy hóa, có thể hỗ trợ hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng và cải thiện làn da.
Nước mía là thức uống phổ biến trong mùa hè với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe (Ảnh minh họa)
Nhưng, có một sự thật, nước mía là loại nước có hạn sử dụng ngắn hạn vô cùng (chỉ khoảng 45 phút! - theo nghiên cứu đăng trên tạp chí East and Central African Journal of Pharmaceutical Sciences) và nước mía tươi, không tiệt trùng của các hộ kinh doanh vỉa hè có thể chứa tới 25 chủng vi khuẩn và 23 chủng nấm (15 chủng nấm men và 8 chủng nấm mốc). Trong đó, vi khuẩn E.coli có nguy cơ phát triển mạnh nếu nước mía không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vi khuẩn E.coli là gì?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, E.coli là vi khuẩn được tìm thấy trong ruột của người, động vật và trong môi trường. Hầu hết vi khuẩn E.coli đều vô hại và là một phần của đường ruột khỏe mạnh.
Tuy nhiên, ăn hoặc uống thực phẩm hoặc nước bị nhiễm một số loại E. coli có thể gây ra bệnh đường tiêu hóa từ nhẹ đến nặng. Một số loại E. coli gây bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như E. coli sản sinh độc tố Shiga (STEC), có thể đe dọa đến tính mạng.
Ảnh minh họa vi khuẩn E.coli dưới kính hiển vi
Dấu hiệu nhiễm vi khuẩn E.coli
Đa số người bị nhiễm vi khuẩn E.coli gây bệnh đều bị tiêu chảy, đôi khi là tiêu chảy có lẫn máu và đau bụng dạng co thắt dạ dày (có thể nặng hơn). Một số trường hợp khác có thể kèm theo nôn mửa. Sốt cao không phải là dấu hiệu phổ biến khi nhiễm E.coli.
Các triệu chứng bệnh thường kéo dài từ 5 - 7 ngày.
Bạn cần thăm khám bác sĩ sớm nếu:
+ Bị tiêu chảy không ngừng trên 3 ngày;
+ Tiêu chảy có lẫn dịch màu hồng hoặc lẫn máu;
+ Nôn mửa liên tục tới mức không thể giữ được bất kì một loại chất lỏng nào trong cơ thể;
+ Số cao trên 38,5 độ C;
+ Có các dấu hiệu mất nước nghiêm trọng bao gồm: không đi tiểu hoặc tiểu ít hơn bình thường, khô miệng, khô họng, trũng mắt (trũng thóp ở trẻ sơ sinh), cảm thấy choáng váng khi đứng lên, da ẩm ướt,...
Những thực phẩm nào dễ nhiễm vi khuẩn E.coli
Ngoài nước mía thì vi khuẩn E.coli cũng có thể có mặt trong những thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những thực phẩm dễ nhiễm vi khuẩn E.coli thường bao gồm thịt bò chưa nấu chín kỹ, rau sống như rau diếp và cải xoăn, sữa không qua tiệt trùng, nước ép trái cây không tiệt trùng và các sản phẩm từ ngũ cốc mầm. E.coli có thể có mặt trong phân của động vật và người, do đó vi khuẩn này có thể xâm nhập vào thực phẩm thông qua quá trình chăn nuôi, thu hoạch, chế biến và khi chúng ta không rửa tay kỹ trước khi chuẩn bị hoặc ăn thức ăn.
Nước mía không đảm bảo vệ sinh dễ dàng tạo điều kiện cho vi khuẩn E.coli cùng nhiều vi khuẩn gây bệnh khác phát triển (Ảnh minh họa)
Ai có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn E.coli?
Tất cả mọi người đều có thể nhiễm vi khuẩn E.coli nếu không may tiếp xúc với mầm bệnh nhưng có một số nhóm đối tượng có thể dễ dàng tiến triển bệnh nghiêm trọng hơn nếu nhiễm bệnh. Bao gồm: trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu.
Làm cách nào để uống nước mía an toàn?
Thực tế là rất khó để bạn biết cốc nước mía mà mình lựa chọn có nhiễm vi khuẩn E.coli gây bệnh hay không nhưng có một số yếu tố có thể giúp bạn giảm thiểu rủi ro nhiễm khuẩn. Những điều này bao gồm:
+ Chú ý tới vệ sinh của quán nước mía mà bạn uống: quan sát xem máy nước mía, dụng cụ lọc, bình đựng có đang thu hút ruồi nhặng "bâu" đầy xung quanh hay không, khu vực đặt máy ép có hợp vệ sinh hay không;
+ Chủ quán có rửa tay trước và sau khi ép nước mía không;
+ Cây mía có được rửa sạch đất, cát trước khi ép không;
Chỉ bằng một vài quan sát đơn giản, bạn đã có thể giảm rủi ro nhiễm bệnh cho bản thân. Nếu phát hiện những triệu chứng bất thường sau khi uống nước mía, tốt nhất hãy thăm khám bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.
Theo CDC, FDA, AJOL
Đời sống và pháp luật