MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

USD tăng mạnh bất chấp mọi lực cản, tiền tệ Châu Á giảm sâu do biến thể Delta

17-07-2021 - 11:07 AM | Tài chính - ngân hàng

USD tăng mạnh bất chấp mọi lực cản, tiền tệ Châu Á giảm sâu do biến thể Delta

Đô la Mỹ đang trên đà tăng giá mạnh do những dữ liệu kinh tế Mỹ lạc quan làm dấy lên kỳ vọng kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Kết thúc phiên cuối tuần (16/7), chỉ số dollar index – so sánh USD với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt – tăng 0,11% lên 92,675, sau khi Mỹ công bố dữ liệu bán lẻ tháng 6 đầy lạc quan. Có thời điểm dollar index đạt 92,83, mức cao nhất trong vòng 3 tháng.

Tính chung cả tuần, dollar index đã tăng 0,6%, tăng mạnh nhất kể từ 20/6, do kinh tế Mỹ hồi phục tích cực, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 gia tăng do những biến chủng mới, khiến nhà đầu tư lại tìm tới USD để ẩn náu.

Đồng USD tăng mạnh bất chấp những trở ngại cho thấy xu hướng đi lên của đồng tiền này mạnh mẽ và bền vững.

USD tăng mạnh bất chấp mọi lực cản, tiền tệ Châu Á giảm sâu do biến thể Delta - Ảnh 1.

USD hồi phục mạnh mẽ

Những dữ liệu kinh tế vững chắc của Mỹ và sự thay đổi nhận định về triển vọng lãi suất của mỹ sau khi Cục Dự trữ Liên (Fed) thông báo lãi suất có thể được điều chỉnh sớm hơn dự kiến, vào tháng 6/2023, đã giúp đẩy USD tăng mạnh trong những tuần gần đây.

Kết quả một cuộc khảo sát mới đây cho thấy tâm lý người tiêu dùng của Mỹ đã bất ngờ giảm mạnh xuống mức thấp nhất 5 tháng vào đầu tháng 7 này do lo ngại lạm phát và giảm niềm tin vào sự hồi phục kinh tế. Song điều này cũng không cản trở việc đồng USD tiếp tục mạnh lên.

Tương tự, việc Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, hôm 15/7 nhắc lại rằng lạm phát tăng có thể chỉ là tạm thời, và ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế cho đến khi hồi phục vững vàng cũng không làm cho USD sụt giảm.

Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao của Western Union Business Solutions, trụ sở ở Washingtonm, cho biết: "Những dữ liệu công bố cho thấy nền kinh tế (Mỹ) đã đạt được những bước tiến đáng kể, củng cố kỳ vọng mức tăng trưởng quý II rất mạnh mẽ, khoảng 10%".

Theo ông Manimbo: "Bối cảnh lạm phát gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm và tiêu dùng có khả năng phục hồi là những cơ sở thuyết phục để Fed nới lỏng các biện pháp kích thích".

Đồng bảng Anh phiên cuối tuần giảm so với đồng USD, tính chung cả tuần giảm 0,7%, mức giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng.

Đô la Canada giảm 0,2% trong phiên cuối tuần bất chấp dữ liệu thương mại bán buôn trong nước lạc quan, tính chung cả tuần vẫn mất khoảng 1% so với USD, có lúc chạm mức thấp nhất 3 tháng.

USD tăng mạnh bất chấp mọi lực cản, tiền tệ Châu Á giảm sâu do biến thể Delta - Ảnh 2.

Đô la New Zealand phiên 16/7 tăng 0,61% sau khi dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng của nước này tăng nhanh hơn nhiều so với dự kiến, khiến một số nhà giao dịch đặt cược vào việc ngân hàng trung ương New Zealand sẽ tăng lãi suất ngay trong tháng 8. Tuy nhiên, sức mạnh của đồng USD gần đây được đánh giá là "không thể cưỡng lại được", đến nỗi viễn cảnh kinh tế New Zealand đầy lạc quan nhưng đồng tiền này cũng chỉ dao động trong biên độ hẹp, tăng nhẹ 0,3% trong tuần này và vẫn thấp hơn mức trung bình động của 200 ngày qua.

Chiến lược gia Imre Speizer của Westpac cho biết: "Rõ ràng là đồng đô la Mỹ có một số sức mạnh đằng sau nó, và tôi nghĩ điều đó đang kìm hãm tất cả các đồng tiền đối tác khác." Theo ông: "Điều đó có liên quan đến lãi suất…, và đôi khi đó là bởi nhu cầu tìm đến nơi trú ẩn an toàn". Ông Westpac nhận định: "Chúng tôi cảm thấy rằng đồng đô la Mỹ sẽ khá mạnh trong vài tháng tới."

Đô la Australia tuần này cũng giảm so với USD, có thời điểm chạm đáy 5 tháng.

Euro cũng đang trong xu hướng giảm mạnh so với USD do những dữ liệu kinh tế khu vực gây thất vọng. Tâm lý nhà đâu tư ở Đức – nền kinh tế lớn nhất eurozone – vẫn ở mức cao, song đã giảm mạnh trong tháng 7, trong khi đơn đặt hàng đối với hàng hóa của Đức tháng 5 giảm mạnh nhất kể từ khi dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát đầu năm 2020.

Trong suốt tháng qua, đồng tiền chung Châu Âu cũng phải vật lộn để theo kịp đồng bạc xanh do việc Ngân hàng Trung ương châu Âu dường như bỏ xa nhiều đồng nghiệp của mình trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. "Đợt tăng lãi suất đầu tiên (của ngân hàng trung ương châu Âu) còn lâu mới diễn ra", chiến lược gia You-Na Park-Heger của ngân hàng Commerzbank cho biết.

USD tăng mạnh bất chấp mọi lực cản, tiền tệ Châu Á giảm sâu do biến thể Delta - Ảnh 3.

So sánh USD với các đồng tiền chủ chốt từ đầu năm đến nay

Ở Châu Á, tiền tệ của các nước đều trong xu hướng yếu đi so với USD kể từ khi Fed thay đổi "giọng điệu" theo hướng "diều hâu" tại cuộc họp tháng 6.

Các thị trường mới nổi của châu Á đã phải đối mặt với áp lực lớn bởi các đợt bùng phát Covid-19 tàn phá gần đây và tốc độ tiêm chủng chậm lại, trong khi nhưng sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở các nền kinh tế phát triển làm dấy lên lo ngại về nhiều đợt đóng cửa ở những nơi đó, có thể cản trở thương mại toàn cầu.

Các nhà phân tích của Maybank cho biết: "Mối lo ngại rủi ro lan rộng khi các đồng tiền trong khu vực (châu Á) phải gánh chịu tác động nặng nề do sự bùng phát Covid-19 ngày càng trầm trọng".

Các đồng baht Thái và rupiah của Indonesia nằm trong số những đồng tiền bị "vùi dập" nhiều nhất do đại dịch Covid-19 bùng phát, làm xáo trộn triển vọng phục hồi của các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại và du lịch. Phiên 16/7, baht và rupiah đều giảm 0,3%, xuống mức thấp nhất 15 tháng.

Niềm tin vào thị trường Thái Lan giảm mạnh sau khi ngân hàng trung ương nước này cảnh báo về việc khó đưa ra dự báo tăng trưởng hàng năm do nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào du lịch – ngành mà các nhà phân tích cho rằng có thể sẽ không hồi sinh vào tháng 10 như kế hoạch của chính phủ, và cho biết kinh tế Thái Lan sẽ phải đến 2023 mới tăng trưởng trở lại.

Baht Thái đã giảm giá 5% trong 5 tuần qua do những hạn chế nghiêm ngặt chống Covid-19, mà ngành du lịch chiếm tới 12% tổng GDP của nước này. Các nhà phân tích của HSBC cho biết: "Gót chân Achilles của đồng baht là ngành du lịch, đang không ngừng suy yếu", và dự đoán baht sẽ còn giảm giá hơn nữa, mất khoảng 7% từ nay đến cuối năm, còn khoảng 33,0 THB/USD.

Các loại tiền peso Philippines, đô la Singapore và ringgit Malaysia cũng giảm trong phiên này, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 mới ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan đều cao kỷ lục, trong khi Philippines phát hiện trường hợp biến thể Delta đầu tiên, khi mà quốc gia đông dân cư này vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch do tiêm chủng vaccine chậm chạp.

Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá trong phiên 16/7 so vưới USD, nhưng tính chung cả tuần vẫn tăng, kết thúc chuỗi 6 tuần giảm giá, do kinh tế nước này mặc dù tăng trưởng chậm hơn dự kiến nhưng vẫn đi đúng hướng.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm 16/7 ấn định tỷ giá tham chiếu là 6.4705 CNY/USD, giảm so với 6.4640 CNY phiên trước đó. Trên thị trường giao ngay, CNY kết thúc phiên 16/7 ở mức 6,4654 CNY/USD, giảm 39 pips so với phiên trước, nhưng tính chung cả tuần tăng 0,2% so với USD.

Tại thị trường trong nước, tỷ giá trung tâm VND/USD do Ngân hàng Nhà nước công bố sáng 16/7 ở mức 23.192 VND/USD, giảm 11 đồng/USD so với ngày 15/7 nhưng tăng so với 23.201 VND/USD hôm 10/7. Ngày 17/7 tỷ giá giữ nguyên.

Ngân hàng Vietcombank ngày 16/7 niêm yết tỷ giá USD từ 22.910-23.110 đồng/USD, Ngân hàng BIDV niêm yết từ 22.915-23.115 đồng/USD, Ngân hàng VietinBank thông báo tỷ giá USD từ 22.915-23.115 đồng/USD, trong khi ngân hàng Eximbank niêm yết từ 22.910-23.090 đồng/USD (mua vào/bán ra).

Tham khảo: Reuters

Thu Ngân

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên