USD và Bitcoin cùng tăng mạnh phiên 31/5, giá vàng quay đầu đi xuống
Đồng USD được hỗ trợ tích cực trong phiên vừa qua bởi nhu cầu cao đối với các "thiên đường tránh "bão". Trái lại, chứng khoán Mỹ giảm, giá dầu tăng vọt cùng các bình luận với thái độ rất "diều hâu" từ một quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến các nhà đầu tư vô cùng hoảng loạn.
- 31-05-2022Ngân hàng vẫn chưa được cấp thêm room, tăng trưởng tín dụng bắt đầu hạ nhiệt
- 31-05-2022Lạm phát tăng, gửi tiền ngân hàng có còn hấp dẫn?
Đồng USD đảo chiều hồi phục mạnh mẽ trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5/2022 do giá dầu tăng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng và thị trường ngày càng lo ngại rằng áp lực lạm phát trên toàn cầu sẽ còn tiếp diễn, khiến nhiều nhà đầu tư lảng tránh các tài sản rủi ro để tìm đến với vàng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng sau khi Thống đốc của Fed, Christopher Waller, cho biết Fed nên chuẩn bị tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm tại mỗi cuộc họp kể từ bây giờ cho đến khi lạm phát được kiềm chế một cách dứt khoát.
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ - lúc kết thúc phiên 31/5 theo giờ Việt Nam đã tăng 0,5% lên 101,92, là mức tăng mạnh nhất trong vòng gần 2 tuần.
Cho đến thời điểm hiện tại, DXY đã tăng khoảng 6,6% trong năm 2022, song tính riêng trong tháng 5 thì DXY giảm 1,5% trong tháng 5 - là tháng giảm mạnh nhất trong năm nay.
Sự phục hồi của đồng đô la Mỹ trong phiên vừa qua cho thấy khi chỉ số này ở ngưỡng trung bình động của 50 ngày thì sẽ được hỗ trợ tốt hơn.
Osborne, chiến lược gia trưởng phụ trách tiền tệ của Scotia Bank, cho biết chỉ số này đã được hỗ trợ để giữ ở mức trung bình động của 50 ngày trong vài phiên gần đây.
Chỉ số DXY ở sát ngưỡng trung bình động của 50 ngày gần nhất.
Tuy nhiên, ông Osborne cũng cảnh báo: "Chúng tôi cho rằng USD khó có khả năng phục hồi đáng kể, và thị trường vẫn cho rằng sau khi DXY sau khi tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2022 thì nay cần phải quay đầu giảm trên diện rộng".
Hiện tại, đồng euro vẫn yếu do dữ liệu vừa công bố cho thấy lạm phát của khu vực đồng euro đạt mức cao kỷ lục trong tháng 5, gây thêm áp lực lên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữa lúc ngân hàng này chống chọi với suy thoái và tìm cách kiềm chế giá cả quá cao bằng việc tăng lãi suất dần dần trong những tháng tới.
Có thông tin rằng các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu hôm thứ 2 (30/5) đã đồng ý về nguyên tắc về việc cắt giảm hầu hết việc nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm nay, điều đó đẩy giá dầu và các tiền tệ hàng hóa tăng mạnh.
Lạm phát ở 19 quốc gia chia sẻ đồng euro đã tăng tốc lên 8,1% trong tháng 5 từ mức 7,4% trong tháng 4, vượt xa mức dự đoán là 7,7%, khi giá cả tiếp tục tăng trên diện rộng, cho thấy lạm phát ở châu Âu tăng cao không chỉ do giá điện, mà còn bởi nhiều mặt hàng khác.
So với đồng USD, đồng euro kết thúc ngày 31/5 theo giờ Việt Nam giảm 0,6% xuống mức thấp nhất trong 5 ngày.
Đô la Canada lúc kết thúc ngày 31/6 theo giờ Việt Nam ở mức 1,2653 USD, gần sát mức cao nhất trong vòng một tháng. Toàn bộ 30 nhà kinh tế tham gia khảo sát đều dự kiến lãi suất thêm của Canada sẽ tăng thêm 50 điểm thành 1,5%.
Đồng nhân dân tệ Trung Quốc giảm giá trong phiên vừa qua sau những dữ liệu cho thấy sản xuất của các nhà máy tốt hơn dự kiến và việc Thượng Hải thường chủ động đề xuất kết thúc giai đoạn phong tỏa chống Covid-19 khiến thị trường dấy lên hy vọng, mặc dù nới lỏng các biện pháp phong tỏa vào lúc này cũng không thể bù đắp lại những tổn thất gây ra bởi hơn 2 tháng phong tỏa vừa qua.
Trên thị trường tự do, đồng nhân dân tệ kết thúc ngày 31/5 ở mức 6,6803/USD, song tính riêng trong tháng 5 giảm 0,88%, là tháng giảm thứ ba liên tiếp, do dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
Nhờ các biện pháp kiểm soát vốn mà Nga theo đuổi, tỷ giá Rúp đã tăng mạnh sau đợt giảm sâu sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ. Cho tới trước đợt giảm vào tuần trước, Rúp là đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới tính từ đầu năm. Ngoài ra, tỷ giá Rúp còn được nâng đỡ bởi yêu cầu của Nga rằng các nước "không thân thiện" phải thanh toán bằng Rúp khi mua khí đốt Nga.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng mạnh lên 32.026 USD. Từ cuối tháng 3, giá trị của Bitcoin đã liên tục giảm mạnh và thường được giao dịch quanh mốc 29.000 USD. Thậm chí, vào ngày 12/05, Bitcoin đã có lúc bị điều chỉnh về giá 26.700 USD - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.
Giá bitcoin ngày 31/5
Giá vàng giảm trong phiên vừa qua, tính chung cả tháng 5 đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp do USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Theo đó, giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 31/5 giảm 0,6% xuống 1.845,54 USD/ounce, tính chung cả tháng giảm 2,7% - là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Giá vàng kỳ hạn tương lai giảm 0,5% xuống 1.848,60 USD.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk