MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ưu tiên giải quyết tranh chấp hợp đồng EPC tại 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ

Bộ Tư pháp được giao tổng hợp ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan để hoàn thành báo cáo tổng hợp các kiến nghị của Tập đoàn, Tổng công ty về giải quyết vướng mắc pháp lý các hợp đồng EPC.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây đã có phiên họp thứ 7 liên quan đến các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Theo đó, Phó Thủ tướng đã đánh giá các dự án, doanh nghiệp thuộc đề án đều có chuyển biến. Trong số 6 dự án trước đây hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ đến nay đã có 2 dự án bước đầu có lãi là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng, Nhà máy Thép Việt Trung; trong đó Dự án DAP số 1 – Hải Phòng đang làm thủ tục đưa ra khỏi đề án.

4 dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu bù đắp chi phí biến đổi, giảm lỗ so với cùng kỳ (nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình , Dự án cải tạo mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Đối với 3 dự án trước đây dừng sản xuất kinh doanh đến nay có 2 dự án vận hành trở lại là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Phú Thọ trong đó nhà máy Quảng Ngãi sẽ vận hành toàn bộ các dây chuyền vào cuối năm 2019, 1 dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị để sẵn sàng khởi động lại khi điều kiện thị trường thuận lợi là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước.

Đáng lưu ý, kết quả được đánh giá nổi bật từ phiên họp thứ 6 đến nay là việc xử lý xong tranh chấp pháp lý liên quan đến hợp đồng EPC của dự án nhà máy sơ sợi Đình Vũ bằng phương thức hòa giải nhờ nỗ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ( PVN ).

Tuy nhiên, theo đánh giá, tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính ở các dự án, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, việc giải quyết các tranh chấp, vướng mắc về hợp đồng EPC và quyết toán dự án còn nhiều thách thức, tái cơ cấu tài chính, huy động vốn sản xuất kinh doanh ở một số dự án, doanh nghiệp còn vướng mắc, rất cần có sự đồng hành, chia sẻ rủi ro giữa doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cho vay...

Để hoàn thành quyết toán các dự án và triển khai được các nhiệm vụ khác theo đề án, cần ưu tiên giải quyết dứt điểm các tranh chấp, vướng mắc về hợp đồng EPC trong năm 2019. Giao Bộ Tư pháp khẩn trương tổng hợp ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan để hoàn thành báo cáo tổng hợp các kiến nghị của Tập đoàn, tổng công ty về giải quyết vướng mắc pháp lý các hợp đồng EPC, đề xuất lộ trình và giải pháp xử lý từng trường hợp cụ thể.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an khẩn trương triển khai các nhiệm vụ kiểm toán, thanh tra, điều tra, xử lý vi phạm theo kế hoạch năm 2019. Các Bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Công an trong công tác cung cấp tài liệu, cử cán bộ thực hiện giám định để phục vụ công tác xử lý sai phạm của các cá nhân, tổ chức liên quan tại các dự án theo quy định pháp luật.

Đối với PVN, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Vinachem, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lại các vướng mắc trong hợp đồng EPC, thuê tư vấn hỗ trợ (nếu cần), tập trung cao, bình tĩnh để chủ động tìm giải pháp hiệu quả xử lý dứt điểm các tranh chấp, bảo đảm lợi ích cao nhất cho phía Việt Nam.

“Trường hợp cần thiết, cần tính đến cả khả năng giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài theo quy định về giải quyết tranh chấp, báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo sau khi đã tham vấn ý kiến Bộ Tư pháp và tư vấn pháp luật của doanh nghiệp”, thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.

Theo Nguyễn Thảo

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên