Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị tổ chức chất vấn
Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề quan trọng, bức xúc, nổi lên được cử tri và nhân dân quan tâm...
- 11-07-2017Quốc hội dự kiến họp 23 ngày, giữ nguyên 3 ngày chất vấn
- 16-06-2017Các Bộ trưởng thẳng thắn nhận trách nhiệm, không né tránh vấn đề được chất vấn
- 15-06-2017Phát ngôn nổi bật trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Một số bộ thấy việc gì cũng quan trọng, việc gì cũng to để bộ làm"
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trong một văn bản vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 13 (tháng 8/2017).
Để chuẩn bị cho hoạt động này, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, sớm gửi phiếu chất vấn đến Tổng thư ký để tổng hợp nội dung, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người trả lời chất vấn tại phiên họp và chuyển đến người có trách nhiệm trả lời theo quy định của pháp luật.
Nội dung chất vấn xin tập trung vào những vấn đề quan trọng, bức xúc, nổi lên được cử tri và nhân dân quan tâm - Tổng thư ký lưu ý các vị đại biểu Quốc hội.
Theo dự kiến, phiên họp thứ 13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong các ngày 10,11/8 và từ 14 - 18/8.
Ngày tổ chức hoạt động chất vấn chưa được ấn định cụ thể. Nhưng theo thông lệ hoạt động này sẽ diễn ra trong một ngày và thường thì hai vị bộ trưởng sẽ được chọn để trả lời chất vấn trực tiếp.
Vào tháng 4 năm nay, trong phiên họp thứ 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.
Bên cạnh chất vấn, tại phiên họp thứ 13, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”.
Nội dung đáng chú ý khác tại phiên họp là cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”.
Cũng trong phiên họp tháng 8, một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 4 dự án: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi) cũng được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Nội dung phiên họp này còn có thảo luận về 7 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Hành chính công; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Vneconomy