MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vắc xin chống Covid-19 của Trung Quốc chỉ hiệu quả trên 50%, dữ liệu tiếp tục bị giấu kín

24-12-2020 - 15:01 PM | Tài chính quốc tế

Vắc xin chống Covid-19 của Trung Quốc chỉ hiệu quả trên 50%, dữ liệu tiếp tục bị giấu kín

Vắc xin mà Sinovac Biotech Ltd. của Trung Quốc phát triển chỉ có hiệu quả trên 50% khi được thử nghiệm lâm sàng ở Brazil, thấp hơn nhiều so với vắc xin của phương Tây.

Tỷ lệ hiệu quả 50% là tiêu chuẩn tối thiểu mà giới chức Mỹ đưa ra để cấp phép cho vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, 2 loại vắc xin được cấp phép của Moderna Inc. và Pfizer Inc. đều cho thấy hiệu quả nhiều hơn 90% trong lần thử nghiệm cuối cùng trên quy mô lớn.

Hiện tại, phía Trung Quốc chưa công bố dữ liệu về kết quả thử nghiệm vắc xin của Sinovac. Trong bối cảnh người ta cần sự minh bạch trước khi quyết định tiêm vắc xin, việc thiếu đi số liệu cụ thể trong thử nghiệm có thể làm xói mòi niềm tin vào vắc xin do Sinovac sản xuất.

Đặc khu Hành chính Hồng Kông mới đây cho biết người dân có thể được chọn loại vắc xin họ muốn tiêm. Trong số đó có cả vắc xin mà Sinovac sản xuất. Tuy nhiên, không có gì là ép buộc trong việc lựa chọn này.

Eric Topol, chuyên gia về thử nghiệm lâm sàng, cho biết: "Việc thiếu minh bạch trong báo cáo kết quả thử nghiệm vắc xin ở Brazil là ‘hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nó hoàn toàn không ổn chút nào".

Sinovac từ chối phản hồi các yêu cầu từ truyền thông. Trong khi đó, Global Times, một tờ báo được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, nói rằng hoàn toàn không có gì mờ ám trong quá trình thử nghiệm vắc xin. Theo đó, Sinovac sẽ chờ kết quả thử nghiệm ở các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia trước khi đưa ra báo cáo hoàn chỉnh nhất.

Trong khi đó, các quan chức y tế tại Viện Butantan và Sao Paulo của Brazil, cho biết vắc xin Trung Quốc hiệu quả và an toàn trong thử nghiệm với 13.000 người tham gia. Tuy nhiên, họ từ chối tiết lộ thông tin chi tiết bởi điều này đã được quy định trong thỏa thuận với phía Trung Quốc.

Ngoài ra, phía Brazil cũng nói rằng họ không ghi nhận phản ứng nghiêm trọng xảy ra trong quá trình thử nghiệm vắc xin. Hầu hết những người thử đều chỉ bị đau nhẹ tại chỗ tiêm. Tuy nhiên, với hiệu quả trên 50%, Brazil có lẽ vẫn phải lựa chọn vắc xin của Trung Quốc, nhất là khi không có lựa chọn nào khả quan hơn.

Nhà chức trách Brazil cũng cho biết việc đánh giá kết quả của vắc xin có thể kéo dài trong khoảng 15 ngày nhưng có thể sớm hơn. Nếu việc xem xét và phê duyệt mất ít thời gian, vắc xin của Trung Quốc có thể được tiêm chủng ở Brazil vào ngày 25/1 theo kế hoạch họ đã đưa ra.

Tuy nhiên, việc các quan chức y tế từ chối nói chi tiết về hiệu quả của vắc xin Sinovac có thể cho thấy chúng thực sự không hiệu quả như các loại vắc xin của Mỹ và phương Tây. Dẫu vậy, việc hiệu quả trên 50% cũng đồng nghĩa với việc nhiều mạng sống sẽ được bảo vệ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Brazil, vốn khó tiếp cận các loại vắc xin của Pfizer và Moderna.

Trong khi đó, việc tạo ra một loại vắc xin chống Covid-19 có thể giúp Trung Quốc giành lại được ảnh hưởng của mình cũng như khôi phục hình ảnh vốn bị tổn hại khi là nơi bùng phát đại dịch Covid-19 ra toàn cầu.

Thực tế, vắc xin của Sinovac có thể phù hợp hơn với các nước đang phát triển vì nó có thể được lưu trữ trong tủ lạnh thông thường.

Linh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên