Vaccine chống Covid-19 được bào chế ngay trong lòng dân: Cần nhất là từng người đều bật chế độ “tự giác và cảnh giác”
Covid-19 đã lây lan trên phạm vi toàn cầu nên không quốc gia nào, trong đó có cả Việt Nam, được coi là an toàn tuyệt đối. Nhưng mỗi cá nhân có thể được an toàn trước dịch bệnh, nếu luôn bật chế độ cảnh giác.
- 28-07-2020Chuyên gia Trung Quốc: Khẳng định mới về con đường lây nhiễm Covid-19 và các chủng virus biến thể
- 28-07-2020Một vài lưu ý cần nhớ khi đi làm trong thời điểm có thêm ca nhiễm COVID-19 mới
- 28-07-2020Nếu không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, bạn vẫn có thể gián tiếp nhiễm COVID-19 thông qua 2 con đường này
Hơn một nửa của năm 2020 đầy sóng gió với cả thế giới đã trôi qua, và dịch Covid-19 vẫn đang làm chao đảo cuộc sống của hàng tỉ người. Covid-19 đã lây lan trên phạm vi toàn cầu nên không quốc gia nào, trong đó có cả Việt Nam, được coi là an toàn tuyệt đối.
Tại Việt Nam, sau 99 ngày kiểm soát tốt dịch, việc xuất hiện các ca bệnh mới ở Đà Nẵng với nguồn lây chưa xác định, virus biến chủng, có đặc tính lây lan nhanh hơn trong cộng đồng khiến nhiều người quan ngại sự tiềm ẩn nguy cơ bùng phát một đợt dịch mới. Điều này thực ra đã được WHO nghĩ tới, cũng như các nhà chức trách của chúng ta cảnh báo. Vấn đề là, chúng ta làm thế nào để ngăn chặn đợt bùng phát mới có thể xảy ra?
Ý thức cá nhân - “vaccine” hữu hiệu nhất ngăn chặn Covid-19
Sau khi gỡ bỏ giãn cách xã hội, vận hành giai đoạn “bình thường mới”, mọi thứ đang dần trở về quỹ đạo cũ. Những dấu hiệu đáng mừng của sự phục hồi kinh tế và xã hội đã khiến chúng ta lạc quan.
Trong sự phục hồi đó, niềm tin chính là xương sống. Vì những con số bệnh nhân dù có được cập nhật, nhưng 99 ngày kiểm soát tốt dịch lây lan trong cộng đồng khiến người ta yên tâm lao động, cống hiến và tận hưởng cuộc sống. Nhiều người tiếp tục kiếm tiền, có cơ hội việc làm mới, đã đi vui chơi giải trí cuối tuần, lên kế hoạch đi du lịch hè…
Nhưng có một sự thật đi cùng với niềm hân hoan hết giãn cách xã hội, nhiều người quên mất, hiện tại mới chỉ là BÌNH-THƯỜNG-MỚI chứ chưa phải đã trở lại cuộc sống bình thường. Không ít người ngày càng lơ là với việc bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng, không khẩu trang, chẳng rửa tay, hay dễ dãi với những va chạm nơi công cộng.
Ảnh minh họa
Cho dù đeo khẩu trang công cộng, rửa tay đúng cách, không tụ tập đông người là những bài học vỡ lòng về phòng dịch và vẫn được khuyến cáo ở mức độ cao, nhiều người vẫn vô tư bỏ qua tất. Cho đến khi xuất hiện những ca bệnh mới trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây ở Đà Nẵng , chúng ta mới giật mình.
Chúng ta phẫn nộ trước thông tin một số kẻ đã tìm cách nhập lậu người nước ngoài (không rõ có mang bệnh hay không) vào lãnh thổ nước mình. Không nghi ngờ gì, đó là những kẻ vì lợi nhuận cá nhân trước mắt mà làm tổn hại đến cả quốc gia và sức khỏe cộng đồng. Dù có những người trong đường dây đã bị bắt và sẽ sớm được đưa ra xét xử, dù một số kẻ nhập lậu đã được tìm thấy, nhưng những hệ lụy của sự ích kỷ đó có thể kéo dài hơn thế, gây tổn hại nặng nề hơn thế.
Chúng ta giận dữ vì sự bình yên của mình, vì cuộc sống của mình vừa vào nhịp đã lại đứng trước nguy cơ đảo lộn. Ai đó vừa đi tắm biển về, đi du lịch tung tẩy khắp nơi, thậm chí còn bực dọc nghĩ đến chuyện có thể bị cách ly...
Nhưng phòng, chống dịch đâu chỉ là việc của người khác, là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, các cấp chính quyền?! Đó còn là việc của mỗi cá nhân, nhiệm vụ của toàn dân.
Ảnh minh họa
Mỗi người có thể “đánh giặc dịch” bằng cách cơ bản mà thiết thực nhất là tự bảo vệ mình, người thân và những người sống xung quanh: Thường xuyên đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay bằng xà phòng, giữ khoảng cách với người khác.
Trong thời điểm này, sau khi trở về từ những chuyến du lịch, cần tự nguyện, tự giác tuân thủ đúng các yêu cầu của cơ quan chức năng, đặc biệt là việc khai báo y tế và tự cách ly, cách ly y tế khi cần thiết.
Thật đáng giận biết bao khi ngay trong thời điểm Covid-19 trở lại, vẫn có những người có suy nghĩ và hành động thiếu trách nhiệm, gây nguy hiểm cho chính bản thân và người thân cũng như cộng đồng, như 30 ca bệnh “bỏ trốn” trong thời điểm Bệnh viện Đà Nẵng được cách ly theo quy định, ngày 27/7.
Nếu có ai trong số này nhiễm bệnh, đó không chỉ là việc cá nhân hay “may nhờ rủi chịu”, “trời kêu ai nấy dạ”, mà tác hại mà nó gây ra cho cộng đồng, cho đất nước là khôn lường. Nếu dịch bùng phát trở lại trong cộng đồng, mọi nỗ lực, công sức của cả nước bỏ ra để phòng chống dịch bệnh đang rất thành công phút chốc có thể đổ sông đổ bể.
Vô ý thức, thiếu trách nhiệm và ích kỷ trong lối sống - đó có lẽ mới là thứ virus nguy hiểm hơn bất cứ loại virus nào.
Tỉnh táo trước ma trận tin giả, không tiếp tay cho nội dung kỳ thị
Chế độ “cảnh giác”, ý thức công dân trước trận chiến với Covid-19 của mỗi cá nhân, không chỉ nằm ở hành động ngoài cuộc sống, mà còn ở cách mỗi người chúng ta ứng xử trên mạng xã hội. Như việc like, share những tin giả một cách không cẩn trọng chẳng hạn.
Nhiều thông tin thất thiệt về tình hình phòng chống dịch Covid-19 nhằm dụng ý gây xáo trộn trật tự xã hội, lợi dụng nỗi lo sợ để bán hàng hoặc kích động tâm lý bất mãn, làm lung lạc niềm tin với chính quyền nếu được lan truyền có thể dẫn đến những hệ lụy lớn. Đặc biệt là khi tất cả các cơ quan, tổ chức đều đã và đang vô cùng bận rộn để vừa chống dịch, vừa tái khởi động phục hồi kinh tế sau đợt dịch đầu năm.
Mới nhất là những dòng thông điệp bịa đặt được đăng tải và ký tên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc kêu gọi người dân ở nhà, kèm theo những con số giật mình về tình hình dịch bệnh, nguy cơ “toang” của ngành y tế được nhiều người like, share rầm rộ, bàn tán xôn xao. Phải đến khi Bộ Y tế và Bộ Công An vào cuộc, nhiều người mới biết thông tin trên là giả mạo. Nếu tỉnh táo hơn, cảnh giác nhưng không lo sợ trong mù quáng, chúng ta sẽ không tiếp tay cho những thông điệp giả như vậy.
Hoặc như một số bình luận mang tính chia rẽ, thậm chí “hả hê” trước việc Đà Nẵng áp dụng giãn cách toàn thành phố từ 0h ngày 28/7; hay một số clip đang rất viral trên mạng xã hội có nội dung kỳ thị người Đà Nẵng, “tẩy chay” du lịch Đà Nẵng đang gây bức xúc. Nếu đủ tỉnh táo, chúng ta sẽ chung tay loại bỏ nó trên nền tảng mạng xã hội, thay vì bị cuốn theo.
Cũng có nhiều video khác có nội dung phản cảm thái quá, kiếm tiền trên nỗi sợ hãi của người khác với nội dung giả vờ mình đang bị nhiễm bệnh, ho, sốt cao, nằm co giật, để xem phản ứng của gia đình, bạn bè và những người xung quanh ra sao. Thậm chí, có người còn quay clip đang gọi lên tổng đài của Bộ Y tế, giả vờ nhờ tư vấn, hỗ trợ nhằm đùa cợt, trêu ghẹo. Đây là những hành động phản cảm, vô văn hóa, cần phải lên án, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Để có thể an toàn đi qua dịch Covid-19, dù nguy cơ lây nhiễm cộng đồng có cao hay không, bên cạnh việc tự bảo vệ mình, tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch, mỗi chúng ta cũng cần thể hiện ý thức trách nhiệm với cộng đồng trên cả mạng xã hội nữa. Đó mới chính là vaccine hiệu quả nhất ngăn chặn virus tấn công chúng ta, trong khi chờ đợi các nhà khoa học bào chế ra “lá chắn” thực sự chống lại COVID-19.
Không ít doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19
Những ngày căng thẳng giãn cách xã hội vừa qua đã mang lại cho chúng ta an toàn, niềm tin tưởng và lạc quan để sống tiếp trong trạng thái bình thường mới. Nhưng nó cũng đã để lại những dấu vết xót xa làm chao đảo kinh tế với nhiều doanh nghiệp gặp khó, nhiều cửa hàng kinh doanh phải gỡ biển vì không thể duy trì làm ăn, nhiều người lao động giảm lương, thậm chí mất việc làm...
Để chặn dịch bệnh, để nền kinh tế của quốc gia và chính mỗi người chúng ta không bị ảnh hưởng quá nặng nề, ý thức của từng công dân là điều tối quan trọng. Ngay bây giờ, dù có đang sống và làm việc ở Đà Nẵng hay không, hãy đeo khẩu trang lên khi ra nơi công cộng, chăm chỉ rửa tay, bởi hành động nhỏ ấy của bạn góp phần lớn trong việc cuộc sống có nhanh chóng trở lại bình thường thực sự hay không!
Trí thức trẻ