MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vaccine Covid-19 của Trung Quốc có giá đắt nhất thế giới

20-08-2020 - 15:30 PM | Tài chính quốc tế

Giám đốc Sinopharm cho biết liều vaccine kép ngừa Covid-19 của hãng này sẽ có giá khoảng 145 USD, nhưng chưa rõ đây là mức giá bán lẻ hay bán buôn.

Đắt gấp 10 lần vaccine của phương tây

Công ty dược phẩm nhà nước Trung Quốc Sinopharm có 2 loại vaccine Covid-19 đang ở trong giai đoạn phát triển và có mức giá cao hơn nhiều so với mặt hàng cùng loại của các đối thủ cạnh tranh quốc tế.

Nhật báo Guangming có trụ sở ở Thượng Hải ngày 18/8 dẫn lời ông Liu Jingzhen, Chủ tịch công ty dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc cho biết, liều vaccine kép (gồm 2 mũi) ngừa Covid-19 của hãng này sẽ có giá khoảng 1.000 nhân dân tệ (145 USD, tương đương 3,3 triệu đồng) và sẽ có hàng vào tháng 12 năm nay.

Hiện chưa rõ mức giá mà ông Liu đề cập là giá bán lẻ hay giá bán buôn, nhưng đây vẫn là con số cao nhất từ trước đến nay.

Các hãng dược phẩm lớn, trong đó có Astra Zeneca và Johnson & Johnson vẫn theo đuổi quy tắc “phi lợi nhuận” truyền thống đối với vaccine ngừa Covid-19 và cũng chỉ nêu mức giá thấp đối với vaccine mà các hãng này đang phát triển. Tuy nhiên, họ được chính phủ các nước như Mỹ, Anh hỗ trợ khá nhiều.

Các hãng khác như Moderna, Pfizer và Merck nói rằng họ vẫn muốn có lợi nhuận từ các sản phẩm của mình.

Từ trước tới nay, vaccine có mức giá đề xuất rẻ nhất là do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển, có giá khoảng 4 USD/liều khi bán cho chính phủ. Vaccine của Đại học Oxford và AstraZeneca hiện đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng và các nhà phát triển cũng đã ký hợp đồng với chính phủ Anh và Ấn Độ.

Adar Poonawalla, Tổng Giám đốc Viện Serum của Ấn Độ nói rằng mức giá vaccine mà Viện này sản xuất cho Oxford sẽ có giá khoảng 13 USD nếu bán ở Ấn Độ.

Công ty Johnson & Johnson của Mỹ thì đề xuất mức giá 10 USD/liều trong thỏa thuận cung cấp 100 triệu liều cho chính phủ Mỹ.

Trong khi đó, Wall Street Journal dẫn lời giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla nói rằng công ty này sẽ bán vaccine với giá 20 USD/liều.

Pfizer cùng công ty dược phẩm Đức BioNTech đã ký một thỏa thuận với chính phủ Mỹ cung cấp 100 triệu liều vaccine mRNA với giá 1,95 tỷ USD. Ông Bourla nói rằng mức giá dành cho các nước đang phát triển sẽ còn thấp hơn thế.

Moderna thì nêu mức giá cao hơn một chút. Theo thỏa thuận với một số nước, Moderna đưa ra mức giá 32-37 USD/liều vaccine thử nghiệm, và việc vaccine có giá cao hơn một chút là do sản xuất quy mô nhỏ.

Sẽ không miễn phí cho người dân?

Hiện chưa rõ liệu vaccine Covid-19 của Trung Quốc có được đưa vào chương trình chủng ngừa miễn phí và bắt buộc ở nước này hay không, hay chỉ được áp dụng trên tinh thần tự nguyện và người tiêm tự thanh toán.

Chuyên gia về vaccine tại Thượng Hải Tao Lina nói rằng bà rất ngạc nhiên khi Sinopharm đưa ra mức giá cao hơn nhiều so với các nước phương Tây.

Theo bà Tao, các mức giá cho thấy Trung Quốc sẽ không đưa loại vaccine này vào chương trình tiêm chủng miễn phí.

“Tôi rất ngạc nhiên với mức giá này. Nó là mức giá cao nhất trên thế giới cho tới nay. Do dịch bệnh được kiểm soát khá tốt ở Trung Quốc đại lục, chương trình tiêm chủng trên diện rộng sẽ không còn chịu nhiều sức ép và mang tính bắt buộc nữa, vì thế, vaccine Covid-19 có thể sẽ không được đưa vào chương trình miễn phí”.

Sinopharm đang phát triển 2 vaccine ngừa Covid-19. Hiện chưa rõ mức giá mà ông Liu nói có được áp cho cả 2 loại hay không.

Hai hãng dược khác là CanSino và Sinova chưa tiết lộ mức giá cho vaccine.

Theo chuyên gia Tao, nếu vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc không được đưa vào chương trình miễn phí, các cơ quan quản lý dược phẩm cấp địa phương sẽ thu mua vaccine, tuy nhiên, người dân sẽ phải chịu hoàn toàn mức giá của vaccine nếu muốn chủng ngừa.

Phát triển vaccine trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên toàn cầu là một thách thức lớn, nhưng việc để người dân sẵn sàng chủng ngừa cũng là một khó khăn khác.

Các chuyên gia y tế nói rằng, việc phát triển vaccine “thần tốc” như hiện nay cũng khiến dư luận e ngại về độ an toàn và hiệu quả.

Với những bê bối của ngành công nghiệp vaccine của Trung Quốc những năm gần đây, cùng với sự e ngại về một loại vaccine được phát triển chỉ trong một thời gian ngắn mà lại có mức giá cao, dư luận có thể sẽ càng dè dặt hơn khi quyết định có chủng ngừa hay không./.

Theo Hoàng Phạm

VOV

Trở lên trên