MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vài kỷ niệm với sếp Ngân hàng Thế giới đầu tiên ở Hà Nội

Những nhân viên WB đầu tiên tại Hà Nội vẫn gọi ông bà bằng cái tên thân thiết Brad&Kitty như "bánh mỳ và con mèo", những người tham gia giúp Việt Nam cất cánh.

LTS: Những ngày cuối năm 2018, có một người bạn lâu năm trở lại thăm Việt Nam: Ông bà Babson. Ông Bradley Babson là người đặt nền móng ban đầu cho văn phòng Ngân hàng thế giới (World Bank, WB) tại Hà Nội, ngay từ những ngày Việt Nam đang vật lộn với rất nhiều khó khăn về kinh tế. Nhân dịp này, xin giới thiệu tới quý độc giả bài viết của TS. Giang Công Thế, nguyên chuyên gia IT của WB về vị trưởng đại diện đầu tiên của WB ở Việt Nam.

Đối với chính phủ, giới ngoại giao và báo chí, người ta gọi là ông bà Babson, nhưng với vài nhân viên đầu tiên của văn phòng WB tại Hà Nội trong đó có tôi, thì ông bà đơn giản được gọi bằng cái tên thân thương Brad & Kitty.

Brad & Kitty, những người bạn của Việt Nam, đặt chân tới đất nước này năm 1994 khi thu nhập bình quân đầu người khoảng 500 USD với dân số 72 triệu và hiện nay đã là 2.500 USD cho 95 triệu dân, tỷ lệ nghèo dưới 7% so với 60% những năm cuối 1980, GDP Việt Nam tăng trưởng trung bình gần 7%/năm trong 25 năm qua.

Trong thành công đó có đóng góp của WB và người đặt những viên gạch đầu tiên cho thế hệ WB Việt Nam từ 3 người cho tới hiện nay hơn 100 nhân viên chính là đôi Brad & Kitty.

Tính tới tháng 9/2016, WB đã cấp vốn cho Việt Nam 22,5 tỷ USD bằng viện trợ không hoàn lại vốn vay ưu đãi, hiện đang có 50 dự án đang hoạt động với 9,9 tỷ USD, nhằm vào hạ tầng, nông thôn, thành thị, hành chính công, tài chính, giáo dục, y tế, môi trường.

Có bằng thạc sỹ chính sách công (MPA) của đại học Princeton nổi tiếng, về hưu năm 2000 sau 26 năm làm việc cho WB, những năm sau ông Babson nghiên cứu về Triều Tiên và kinh tế Bắc Á. Kết nối với Việt Nam lúc khó khăn nhất và với Triều Tiên cũng thời điểm mong quốc gia này hội nhập, dường như chỗ nào có điểm nóng, có khó khăn là ông tới.

Cuộc họp Nhóm Tư vấn WB cho Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên tháng 11/1993 tại Paris. Sau đó vài tháng, ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố xóa cấm vận, mở ra một thời kỳ mới cho Việt Nam.

Vài tháng sau, văn phòng WB được mở tại một phòng nhỏ ở khách sạn Bình Minh trên đường Lý Thái Tổ (Hà Nội) và ông Babson làm trưởng đại diện. Nhiều người Việt khi đó còn chưa biết WB là gì và cũng không hiểu hết chức năng của các tổ chức quốc tế và định chế tài chính...

Nhớ tháng 3/1995, tôi đọc báo thấy WB tuyển nhân viên IT. Đang làm cho UNHCR (Cao ủy LHQ về người tị nạn), nhưng tổ chức sắp đóng cửa vì người hồi hương đã về gần hết, biên chế nhà nước đã mất, đây là cơ hội cho thay đổi.

Từng phụ trách nhân sự của WB đầy kinh nghiệm tuyển người, ông Babson phỏng vấn tôi. Với tôi ngoại ngữ lõm bõm của dân IT tự học, tiếng Anh của người Mỹ lại nói trong bộ ria che kín miệng của ông, âm điệu kiểu vừa ăn khoai nóng vừa nói, rất khó nghe.

Ông choảng câu đầu tiên "Tell us about yourself – Hãy nói về nhân thân", tiếp theo "Tại sao anh lại xin vào đây? Có phải vì lương bổng không?" Và câu tiếp "So với công việc đang làm bên UNHCR và Viện IT trước đó, anh định mang cái gì mới vào văn phòng này."

Ai qua vòng phỏng vấn, ba câu trên dễ bị hỏi nhất, nhất là câu "nhân thân". Tự mình phải biết mình là ai nên dễ, khó hơn là vào WB có phải vì lương. Tôi bảo, tôi thích WB vì làm dự án lớn, giúp Việt Nam nhiều tiền thì tôi cũng được lương cao. Thấy ông nở nụ cười ấm áp, mình tự tin hơn.

Riêng câu cuối đúng vào mạch của dân IT và có sự chuẩn bị tốt tìm hiểu kỹ về WB, tôi nói như thuộc lòng. LHQ giúp viện trợ nhân đạo sau chiến tranh, WB vào Việt Nam giúp đất nước cất cánh. UNHCR có các dự án nhỏ giúp số tiền nhỏ, WB cần dự án lớn, và hệ thống IT cần phải mạnh. Và tôi tin kinh nghiệm IT hơn chục năm sẽ giúp cho văn phòng và xa hơn là giúp Việt Nam.

Thấy ông Babson và đồng sự nhìn nhau vẻ tâm đắc, tôi hiểu sự chuẩn bị "bài tập ở nhà" không uổng. Khi tuyên bố tôi được tuyển vào WB, ông Babson còn nói thêm, anh có tầm nhìn đấy và tin anh sẽ đi xa như đất nước này. Trong vài tháng tới anh chuẩn bị đi Mỹ để học thêm về mạng máy tính của WB, tôi nghe mà không thể tin nổi.

Làm cho WB vài tháng, tôi đã có visa sang Mỹ vào tháng 9/1995. Khi lên máy bay của hãng Cathay Pacific từ Hong Kong vượt Thái Bình Dương, hạ cánh ở phi trường Los Angeles để đi học hệ telephone Norstar Key, tôi cứ nghĩ mình đang mơ, biết ơn Brad đã giữ lời hứa.

Vào làm việc được các đồng nghiệp nức nở vì may mắn có sếp Babson tuyệt vời, tốt bụng và chuyên nghiệp, hỏi han những ai khó khăn. Vào việc luôn đúng hẹn, và chỉ bảo nhân viên tới nơi tới chốn. Trong thời gian vài năm, từ 3 người lên tới 25 người và lúc văn phòng gần 40 nhân viên, ông Babson chuyển đi nơi khác.

Là văn phòng đại diện nên chỉ tiếp các đoàn công tác sang làm dự án, lúc nào cũng bận, máy tính thời đó tậm tịt, hay bị virus.

Vài kỷ niệm với sếp Ngân hàng Thế giới đầu tiên ở Hà Nội - Ảnh 1.

Đội ngũ WB tại Hà Nội thế hệ đầu trước văn phòng 53 Trần Phú, năm 1996. Ảnh: Tư liệu WB

Văn phòng WB chuyển về 53 Trần Phú (5/1995), mạng IT 25 nhân viên cũng chỉ nhận email qua modem với trung tâm bên Washington DC, mỗi ngày hai lần, mỗi lần kéo dài khoảng 1 tiếng. Thư đến thư đi chỉ trong khoảnh khắc ấy, thời gian còn lại dùng cho công việc sở tại, dường như mọi thứ như ngừng trôi.

Giữa năm 1996 thuê được đường truyền thuê bao 64K (leased line) với dịch vụ internet 24/7 thì mọi việc trở nên khác thường. Tôi không biết đó là một cú nối internet lịch sử giữa Hà Nội và thế giới.

Tôi lên phòng báo cho sếp Babson. Chẳng nói chẳng rằng, ông nhấn chuột vào biểu tượng Internet Explorer, gõ CNN và thấy hiện lên trang. Ông hét toáng lên "nối rồi, nối rồi" chạy khắp văn phòng và cầm điện thoại gọi cho bà vợ bên Washington C qua đường truyền thuê bao (không mất tiền).

Đầu dây bên kia vui vẻ và nói, từ nay vợ chồng mình nói chuyện không phải nhìn đồng hồ. Thời đó gọi điện thoại thường giá 3-4$/phút, thuộc loại đắt nhất thế giới.

Ông hay dặn nhân viên, family first - gia đình là số một, mỗi khi ai đó xin phép nghỉ bất chợt vì việc nhà. Sau này tôi mới biết là một trong những giá trị Mỹ vô cùng quan trọng và hiểu tại sao cuộc kết nối lịch sử là ông gọi cho Kitty. Họ hạnh phúc bên nhau gần nửa thế kỷ là có lý.

Ông gọi vợ là Kitty (Katherine) chúng tôi nói lóng là con mèo nhỏ. "Mèo đi chơi rồi, mèo đi chợ rồi, mèo ốm nhé...".

Bà Babson mê hội họa nên toàn bộ văn phòng được treo tranh của các họa sỹ đương đại lúc đó mà chỉ WB hay các khách sạn lớn mới có tiền mua. Nhiều bức tranh bây giờ vẫn được chuyển tới văn phòng mới. Thỉnh thoảng ông bà mặc trang phục liền chị liền anh như quan họ Bắc Ninh. Hình như phu nhân các nhà ngoại giao đều có nền tảng văn hóa cao.

Vài kỷ niệm với sếp Ngân hàng Thế giới đầu tiên ở Hà Nội - Ảnh 2.

Ông bà Babson trong trang phục liền anh liền chị. Ảnh: Tư liệu WB

Mỗi lần năm mới đến hay hội thảo nội bộ có màn đùa vui, ông bà chuẩn bị quà cho từng người tùy vào tính cách và sở thích mà đám nhân viên suy đoán là do ý tưởng tế nhị và sâu sắc của bà vợ.

Những món quà nho nhỏ vô cùng ý nghĩa với nhân viên người Việt khi đó. Người thích hoa có ảnh hoa, người ít đeo cà vạt được tặng cà vạt. Người hay đi muộn được tặng đồng hồ đồ chơi. Hồi đó tôi ế vợ được tặng băng video "Người tình - The Lover".

Bà gọi ông là Brad (cách gọi ngắn của Bradley) mà lúc đầu tôi nghe nhầm thành bánh mỳ (bread), lại còn bảo, mèo lại ăn bánh mỳ. Brad thỉnh thoảng nhờ tôi giúp về IT nhưng hay hỏi nhất, anh IT ơi, số điện thoại của Kitty là gì. Ông nhớ các số liệu kinh tế Việt Nam vanh vách nhưng không nhớ số điện thoại của vợ.

Sang công tác bên Washington DC từ năm 2004, một hôm tôi thấy một người quen quen. Chưa kịp định thần thì ông reo lên, trời lại là anh Thế, nghe nói anh phụ trách IT cho vùng Đông Á, lên vù vù nhỉ. Anh có nhớ tôi đã bảo, rồi anh sẽ tiến xa, hóa ra đúng thật. Các bạn bảo, ông Babson có tài nhìn người.

Kể từ khi WB và ông bà Babson vào Việt Nam đã bao đổi thay. Tuần vừa rồi Brad & Kitty thăm Hà Nội trong vòng tay bè bạn và đồng nghiệp cũ đầy thân ái.

Sau 1/4 thế kỷ có lẽ ít người Việt nhớ về Bradley Babson, người từng đặt nền móng cho WB Hà Nội hoạt động có văn phòng đặt tại villa 53 Trần Phú sáng lung linh luôn mở rộng, ai đi qua cũng ngước nhìn, một lớp nhân viên được tuyển dụng và quản lý hết sức chuyên nghiệp. Chắc cả hai cũng biết, Việt Nam cũng đi rất xa như họ mong ước buổi ban đầu khi đặt chân tới mảnh đất này.

Những nhân viên WB đầu tiên tại Hà Nội vẫn gọi ông bà bằng cái tên thân thiết Brad&Kitty như "bánh mỳ và con mèo", những người tham gia giúp Việt Nam cất cánh.

Còn tôi rất biết ơn sếp cũ Brad&Kitty nhiều dù đã gần 25 năm trôi qua, nhớ người đã đưa mình tới bến bờ rất xa.

Theo Giang Công Thế

Trí thức trẻ

Trở lên trên