MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vai trò của Hệ thống kết nối Hy Lạp-Bulgaria trong cuộc chiến khí đốt Nga

01-05-2022 - 09:08 AM | Tài chính quốc tế

Vai trò của Hệ thống kết nối Hy Lạp-Bulgaria trong cuộc chiến khí đốt Nga

Vai trò của Hệ thống kết nối khí đốt Hy Lạp-Bulgaria (IGB) đã trở nên quan trọng hơn sau quyết định của Nga dừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ba Lan và Bulgaria.

Nằm ở khu vực miền núi xa xôi, hẻo lánh, vùng biên giới giữa Hy Lạp và Bulgaria từng hình thành nên góc phía Nam của “Bức Màn Sắt” (ranh giới phân chia châu Âu thành hai khu vực riêng biệt từ cuối Thế chiến II năm 1945 cho đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh năm 1991). Hiện giờ đây là nơi Liên minh châu Âu đang vẽ lại bản đồ năng lượng khu vực để cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga .

Một đường ống dẫn khí đốt mới, được xây dựng trong đại dịch Covid-19 đang trong quá trình thử nghiệm và sẽ vận hành vào tháng 6/2022. Với tên gọi chính thức Hệ thống kết nối khí đốt Hy Lạp-Bulgaria, đường ống mới sẽ đảm bảo một lượng lớn khí đốt chảy vào hai nước theo hai hướng để cung cấp nhiên liệu cho ngành công nghiệp và sưởi ấm cho các ngôi nhà.

Hệ thống này sẽ bổ sung cho mạng lưới đường ống khí đốt hiện có của châu Âu, phần lớn được xây dựng từ thời Liên Xô, vận chuyển khí đốt từ các mỏ năng lượng lớn của Nga về phía Tây.

Vai trò của Hệ thống kết nối khí đốt Hy Lạp-Bulgaria (IGB) càng trở nên quan trọng hơn sau quyết định của Nga dừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ba Lan và Bulgaria do 2 quốc gia này không đồng ý thanh toán bằng đồng rúp.

Hệ thống kết nối khí đốt Hy Lạp-Bulgaria dài 180km là dự án đầu tiên trong số các dự án kết nối khí đốt đang được lên kế hoạch, sẽ giúp các thành viên ở phía Đông của Liên minh châu Âu và những quốc gia muốn gia nhập khối tiếp cận thị trường khí đốt toàn cầu. Về ngắn hạn, nó nằm trong kế hoạch dự phòng của Bulgaria.

Tuyến đường ống mới chạy từ thành phố Komotini ở Đông Bắc Hy Lạp tới Stara Zagora, ở miền Trung Bulgaria, cho phép Bulgaria tiếp cận các cảng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở nước láng giềng Hy Lạp. Hệ thống này cũng kết nối với Đường ống Trans Adriatic đưa khí đốt từ Azerbaijan tới châu Âu.

Hệ thống mới có kinh phí đầu tư 240 triệu euro (250 triệu USD) sẽ vận chuyển 3 tỷ m3 khí đốt mỗi năm và công suất có thể được gia tăng tới 5 tỷ m3.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án đã gặp phải nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong đại dịch Covid-19. Ông Antonis Mitzalis, giám đốc điều hành của nhà thầu Hy Lạp AVAX chịu trách nhiệm giám sát dự án cho biết, việc xây dựng hoàn thành vào đầu tháng 4, còn quá trình thử nghiệm tại hai trạm đo và cài đặt phần mềm đang trong giai đoạn cuối.

“Chúng tôi đã lên kế hoạch cẩn thận. Nhưng trên thực tế sự thiếu hụt một số nguyên vật liệu khiến chúng tôi bị chậm tiến độ, đôi khi phải chịu chi phí gia tăng”, ông Mitzalis nói.

IGB sẽ thành công?

Trong cuộc trò chuyện với Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov ngày 27/4, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã cam kết hỗ trợ nước láng giềng.

“Bulgaria và Hy Lạp sẽ tiếp tục hợp tác với nhau vì an ninh năng lượng vốn có tầm quan trọng chiến lược đối với cả hai quốc gia và khu vực. Cả hai chúng tôi đều tin tưởng IGB sẽ thành công”, ông Kiril Petkov thông báo trên Twitter sau cuộc gặp người đồng cấp Hy Lạp.

Việc xây dựng Hệ thống kết nối khí đốt Hy Lạp-Bulgaria là một trong những nỗ lực của các quốc gia thành viên EU nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng sau khi Nga đe dọa dừng cung cấp khí đốt cho châu Âu để đáp trả các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine. Trong khi Bulgaria đặt hy vọng vào hệ thống đường ống mới, thì một số nước dự kiến mở cửa lại các nhà máy than đá hoặc tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo.

Theo các nhà hoạch định chính sách của EU, mặc dù các thành viên Đông Âu phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga nhưng quy mô thị trường của họ không quá lớn và điều đó khiến vấn đề có thể kiểm soát được. Bulgaria nhập khẩu 90% khí đốt từ Nga nhưng chỉ tiêu thụ 3 tỷ m3 mỗi năm - ít hơn 30 lần so với nước tiêu thụ hàng đầu là Đức, theo dữ liệu của cơ quan thống kê EU Eurostat.

Đức - khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga tại châu Âu đang xem xét xây dựng các nhà ga nhập khẩu LNG, nhưng công việc này có thể mất nhiều năm. Còn Italy đã đạt được thỏa thuận mua khí đốt với Algeria, Azerbaijan, Angola và Congo.

Liên minh châu Âu có kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt và dầu mỏ nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga trong 5 năm tới bằng cách chuyển hướng nguồn cung và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như gió hay mặt trời. Ông Simone Tagliapietra - chuyên gia về chính sách năng lượng tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels nhận định, cuộc chiến Nga-Ukraine có khả năng đẩy nhanh sự thay đổi trong chiến lược dài hạn của EU, khiến họ phải nhanh chóng thích nghi với những nguồn năng lượng đắt đỏ hơn./.

Theo Hồng Anh

VOV

Trở lên trên