VAMC chưa thực hiện vai trò xử lý nợ xấu, một số ngân hàng “bật tường” trái phiếu
Đây là kết luận Kiểm toán Nhà nước đưa ra trong báo cáo công bố mới đây.
- 05-07-2019Nợ xấu toàn hệ thống TCTD sụt mạnh, hiện chỉ còn 1,91%
- 01-07-2019Nợ xấu ngân hàng: Nơi kê cao gối nằm, chỗ đứng ngồi không yên
- 28-06-2019Vì sao các ngân hàng ồ ạt mua lại nợ xấu?
Cuối tuần qua, Kiểm toán Nhà nước tổ chức họp báo công bố kết quả và báo cáo kiểm toán năm 2018.
Trong đó, kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước và 7 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cho thấy những điểm đáng chú ý trước đây.
Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước năm 2017 đã góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Các tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán đạt được các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi hoặc chênh lệch thu chi dương, tỷ suất lợi nhuận/vốn đạt mức trên 7%.
VAMC chưa thực hiện vai trò trong mua và xử lý nợ xấu
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra các tồn tại của các tổ chức tài chính ngân hàng.
Cụ thể, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước, vi phạm quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần. Trong đó, hai ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại là Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam và Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương đang nắm giữ cổ phần của hơn 2 tổ chức tín dụng khác.
Đối với VAMC, Kiểm toán Nhà nước nhận định tổ chức này chưa thực hiện vai trò trong việc mua nợ và xử lý nợ xấu như không thực hiện thẩm định giá mua (giá mua bằng dư nợ trừ dự phòng rủi ro do tổ chức tín dụng tự xác định); không kiểm tra, đánh giá khách hàng vay, tính trung thực, chính xác của hồ sơ, tài liệu và tài sản đảm bảo của khoản nợ...
Bên cạnh đó, VAMC xử lý nợ xấu sau khi mua chủ yếu thông qua việc ủy quyền lại cho các tổ chức tín dụng bán nợ.
Cũng theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chưa xây dựng lộ trình giảm tỷ trọng tiền mặt xuống dưới 10% tổng phương tiện thanh toán theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Vẫn còn có hiện tượng ngân hàng “bật tường” vốn
Đáng chú ý, hệ số an toàn vốn (Car) toàn hệ thống được Kiểm toán Nhà nước đánh giá là chưa tin cậy.
“Loại trừ các ngân hàng yếu kém và các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng; một số ngân hàng thương mại đầu tư trái phiếu chéo lẫn nhau, làm “cải thiện ảo” hệ số CAR; nhiều ngân hàng thương mại phân loại nợ không đúng làm ảnh hưởng đến lợi nhuận, tác động giảm hệ số CAR”, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.
Bên cạnh đó, một số tổ chức tín dụng chậm quyết toán các chương trình hỗ trợ lãi suất; chưa thu hồi nợ tồn đọng nhóm 2 và nợ có tính chất tồn đọng nhóm 2 để hoàn trả ngân sách Nhà nước.
Theo đó, con số này tính đến 31/12/2017 là 108,22 tỷ đồng và 2,2 triệu USD; trong đó, BIDV là 40,03 tỷ đồng, Agribank là 30,95 tỷ đồng, Vietcombank là 1,01 tỷ đồng và VietinBank là 36,23 tỷ đồng và 2,2 triệu USD.
Đầu tư tài chính không hiệu quả
Cũng theo báo cáo, một số đơn vị chưa xử lý dứt điểm công nợ tồn đọng từ nhiều năm như Bảo Minh có khoản nợ phí bảo hiểm gốc quá hạn trên 3 năm 137 tỷ đồng; Vinare có các khoản phải thu không xác định được nguyên nhân, không có đủ hồ sơ, phát sinh năm 1999, 2005, 2008 số tiền 8,4 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách Xã hội có các khoản tham ô, chiếm dụng từ các tổ tiết kiệm và vay vốn tại 28 chi nhánh từ trước năm 2010 và các khoản nhận bàn giao từ NHNo, Kho bạc Nhà nước 3,4 tỷ đồng.
Cùng đó, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy nhiều đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.
Ngân hàng Agribank là một ví dụ điển hình khi đầu tư 2.391 tỷ đồng vào 6 công ty con thì có tới 5 công ty lỗ lũy kế. Ngoài ra, ngân hàng này còn có một khoản đầu tư khác 47 tỷ đồng vào Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, đã được NHNN mua lại giá 0 đồng.
Tương tự, Công ty Bảo Minh có một số khoản đầu tư tài chính ngắn hạn phải trích lập dự phòng 100% giá trị đầu tư (tiền gửi tại Công ty ALC II: gốc 178,4 tỷ đồng, lãi 46,7 tỷ đồng; trái phiếu Vinashin: gốc 68,4 tỷ đồng, lãi 21,5 tỷ đồng; trái phiếu Công ty CP Sông Đà Thăng Long: gốc 10,7 tỷ đồng, lãi 5,1 tỷ đồng).
Một số tổ chức hhạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp, chính xác; một số lô đất chưa được sử dụng.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, Agribank đã phân loại nợ chưa phù hợp, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác; còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay; hỗ trợ lãi suất sai quy định.
Ngân hàng Chính sách Xã hội xóa nợ 95,37 tỷ đồng cho 9.187 khách hàng được coi là mất tích theo xác nhận của UBND và công an xã/phường, không phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự 2015, trong đó một số khách hàng vẫn có thẻ BHYT, đóng BHXH hoặc về thăm người thân.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội không đàm phán mức phí huy động vốn với các tổ chức tín dụng, mà thanh toán bằng mức tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 1,35%, ảnh hưởng đến cấp bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách Nhà nước.
BizLive