Vẫn còn khoảng 2 tỷ người chưa được tiếp cận với dịch vụ tài chính chính thức
Đây là một trong những thông tin Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính toàn diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Hà Nội sáng nay.
- 21-03-2017NHNN sẽ khẩn trương nghiên cứu gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao
- 13-03-2017NHNN công bố thành lập Chi cục Quản trị tại thành phố Hồ Chí Minh
- 09-02-2017NHNN đang xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết những năm gần đây, quá trình triển khai tài chính toàn diện trên thế giới đã thu được những kết quả tích cực, giúp người dân và doanh nghiệp được tiếp cận với dịch vụ tài chính tốt hơn, thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị, đầu tư và mở rộng cơ sở hạ tầng tài chính, cải thiện các chỉ số về tăng trưởng, phát triển và giảm nghèo và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.
Kết quả đạt được là nhờ có sự tham gia hỗ trợ và phối hợp tích cực của cộng đồng quốc tế và nỗ lực của từng quốc gia. Đó là các sáng kiến, chương trình toàn cầu về tài chính toàn diện của Liên Hợp quốc, G20, APEC, ASEAN, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, giúp đưa ra các nguyên tắc, bộ công cụ, khuôn khổ/chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và cơ chế tổ chức triển khai.
Mặc dù vậy, theo bà Hồng, thế giới vẫn còn khoảng 2 tỷ người chưa được tiếp cận với dịch vụ tài chính chính thức, trong đó khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chiếm hơn một nửa. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, người dân nghèo, phụ nữ và các đối tượng dễ bị tổn thương khác vẫn còn gặp phải nhiều rào cản khi tiếp cận với các dịch vụ tài chính do thiếu khuôn khổ pháp lý đồng bộ, cơ sở hạ tầng tài chính phát triển chưa đồng đều và chưa được đầu tư thích đáng, kiến thức về tài chính và bảo vệ người tiêu dùng còn hạn chế.
Bên cạnh đó, việc phát triển và ứng dụng công nghệ trong sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện còn chưa tập trung hướng tới nhóm đối tượng khách hàng như nêu ở trên, trong khi người dân đã có nhiều điều kiện tiếp cận với công nghệ số một cách dễ dàng hơn.
Hơn nữa, ngày càng có nhiều tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính mới xuất hiện làm thay đổi hình thức và tính chất thị trường và đang định hình ra xu hướng phát triển mới của tài chính toàn diện trong tương lai. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức về quản lý, giám sát và rủi ro về bảo mật thông tin, an toàn hệ thống.
"Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải hài hòa các mục tiêu giữa tài chính toàn diện, hội nhập và bảo vệ người tiêu dùng để có thể tối đa hóa được những lợi ích mà tài chính toàn diện mang lại", Phó Thống đốc NHNN cho hay.
Việt Nam có hơn 60 triệu người sống ở khu vực nông thôn, chiếm 52% lực lượng lao động toàn xã hội. Đây là nhóm đối tượng cần được tập trung hỗ trợ, đặc biệt là thông qua tài chính toàn diện.
Theo đại diện NHNN, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng ưu tiên cho khu vực nông nghiệp nông thôn với nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực như các chính sách hỗ trợ tín dụng, khuyến khích đầu tư, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai; v.v.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục kiến tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng và hiệu quả hơn với các dịch vụ tài chính, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.