MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vẫn giảm nửa so với 1 năm trước, cổ phiếu Alibaba có phải "bẫy giá trị"?

16-06-2022 - 12:03 PM | Tài chính quốc tế

Vẫn giảm nửa so với 1 năm trước, cổ phiếu Alibaba có phải "bẫy giá trị"?

Chứng khoán công nghệ Trung Quốc cũng như cổ phiếu Alibaba vẫn đang giảm mạnh khiến chúng trông có vẻ rẻ. Liệu đây đã phải thời điểm để đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc?

Alibaba có phải cổ phiếu tiềm năng?

Các nhà đầu tư có thể vẫn lo lắng về chứng khoán Trung Quốc ngay cả khi việc sụt giảm nghiêm trọng khiến chúng trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, nhà quản lý danh mục đầu tư Sid Choraria lại rất tự tin về thị trường chứng khoán của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Thậm chí, Choraria tin chắc rằng cổ phiếu gã khổng lồ công nghệ Alibaba không phải "bẫy giá trị".

Bẫy giá trị là thuật ngữ được dùng để mô tả cổ phiếu nhìn có vẻ rẻ vì được định giá thấp, được đo bằng các chỉ số như P/E thấp, hay giá hiện tại so với thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS). Tuy nhiên, cổ phiếu định giá thấp có thể trở thành cái bẫy với các nhà đầu tư nếu công ty gặp khó khăn về tài chính hoặc tăng trưởng chậm chạp.

Vẫn giảm nửa so với 1 năm trước, cổ phiếu Alibaba có phải bẫy giá trị? - Ảnh 1.

Để tin cổ phiếu của Alibaba là bẫy giá trị, Choraria khẳng định tốc độ tăng trưởng của gã khổng lồ thương mại điện tử này phải rơi xuống mức 1 con số. Tuy nhiên, hiện tại, tăng trưởng của Alibaba vẫn rất tốt và cả mạng thương mại điện tử lẫn điện toán đám mây của công ty đều ở mức 2 con số.

"Trong phần điện toán đám mây, doanh nghiệp này có doanh thu 11 tỷ USD. Tôi kỳ vọng nó sẽ đạt doanh thu 25 tỷ USD trong 3 năm tới. Số hóa sẽ không biến mất ở Trung Quốc mà nó còn là một lĩnh vực quan trọng cho phát triển", Choraria chia sẻ.

Nhà quản lý danh mục đầu tư này còn nhấn mạnh Alibaba là một trong số chưa tới 10 công ty trên toàn cầu có thể tạo ra dòng tiền tự do 15 tỷ USD, số tiền mà một công ty có thể trả mọi chi phí, từ hoạt động tới chi phí tài sản cố định.

"Là một nhà quản lý quỹ, tôi đang đặt cược vào Alibaba. Tuy nhiên, tôi thích nói đến khác biệt trong 5-10 năm tới chứ không phải là ngắn hạn", Choraria nói.

Liệu chứng khoán Trung Quốc đã thực sự hấp dẫn?

Cổ phiếu Alibaba nói riêng và cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đã sụt giảm trong năm qua do các chính sách quản lý nghiên ngặt mà Bắc Kinh ban bố cũng như rủi ro bị hủy niêm yết với chứng khoán doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ.

Thực tế, dù đã tăng gần một nửa so với đáy hồi tháng 3 nhưng Hang Seng tech index nói chung và cổ phiếu Alibaba nói riêng vẫn giảm rất sâu so với đúng 1 năm trước.

Vẫn giảm nửa so với 1 năm trước, cổ phiếu Alibaba có phải bẫy giá trị? - Ảnh 2.

Theo Choraria, việc định giá cổ phiếu của Alibaba đã "trở nên quá hấp dẫn" và đó là lý do tại sao chứng khoán Trung Quốc tốt hơn đáng kể so với Nasdaq trong năm nay. "Nhiều khả năng, chính phủ Trung Quốc sẽ không còn thực hiện các giám sát chặt chẽ với các gã khổng lồ công nghệ và chúng ta nhiều khả năng đang ở gần thời điểm đó", Charoria nói.

Trong 3 tháng qua, KraneShares CSI Internet ETF Trung Quốc đã tăng khoảng 43% trong khi Nasdaq mất khoảng 14%.

Một số ngân hàng đầu tư cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư quay trở lại chứng khoán Trung Quốc. Goldman gần đây đã nêu tên các cổ phiếu mà họ cho rằng đang ở mức định giá hấp dẫn.

Hiện tại, Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại một số thành phố khi làn sóng Covid-19 có dấu hiệu giảm bớt. Chính phủ Trung Quốc cũng đang gia tăng đầu tư tài chính.

Trong một khuyến nghị gần đây về chứng khoán Trung Quốc, Morgan Stanley cho biết các nhà đầu tư nên bắt đầu tính tới việc giải ngân khi chứng khoán Trung Quốc bước những bước cuối cùng thoát khỏi thị trường gấu. Dẫu vậy, ngân hàng này cũng cảnh báo các nhà đầu tư nên theo dõi những bất ổn kéo dài trước khi có thể đến giai đoạn tăng trưởng của thị trường chứng khoán này.

Hiện tại, một số rủi ro được nêu ra gồm áp lực trên thị trường trái phiếu bất động sản, vốn đang sa lầy của Trung Quốc, khi các công ty đang vật lộn để có thể trở nợ đúng hạn. Ngoài ra, còn có những bất ổn xung quanh mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Hai nước vẫn đang tích cực giải quyết khác biệt nhằm tránh gây hiểu lầm.

Tham khảo: CNBC

https://cafef.vn/van-giam-nua-so-voi-1-nam-truoc-co-phieu-alibaba-co-phai-bay-gia-tri-20220616110326383.chn

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên