MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Văn hóa đi làm "thích thì nghỉ": Tại Gen Z dễ tổn thương, hay vì ngoài kia nhiều cơ hội?

21-03-2021 - 19:22 PM | Sống

Văn hóa đi làm "thích thì nghỉ": Tại Gen Z dễ tổn thương, hay vì ngoài kia nhiều cơ hội?

Một người bỏ việc thì có thể không đáng nói, nhưng khi rất nhiều trường hợp đại diện cho 1 nhóm người - cùng bỏ việc với 1 thái độ giống nhau, khiến người ta phải tự hỏi về văn hoá nghỉ việc của khá đông các bạn trẻ Gen Z bây giờ.

Bỏ việc giữa chừng bằng cách đột nhiên biến mất, tắt liên lạc, thoái thác trách nhiệm là một biểu hiện của sự trốn tránh, sự thiếu tử tế không dễ chấp nhận. Một người bỏ việc thì có thể không đáng nói, nhưng khi rất nhiều trường hợp đại diện cho 1 nhóm người - cùng bỏ việc với 1 thái độ giống nhau, khiến người ta phải tự hỏi về văn hoá nghỉ việc của khá đông các bạn trẻ Gen Z bây giờ. 

Dĩ nhiên khi xét đến các lý do, thì điều này có thể đến từ nhiều phương diện như: sự liên kết chưa chặt chẽ nhiều bộ phận khiến Gen Z gặp khó khăn trong quá trình xử lý công việc; áp lực quá sức đến từ khối lượng công việc phải đảm nhận; sự khó thích nghi của môi trường làm việc hoặc văn hoá công ty... Nhưng bên cạnh đó, sự khác biệt thế hệ cũng là một vấn đề cần nhìn nhận.

Khác biệt thế hệ vốn là một hệ quả tất yếu của sự thay đổi. Cùng một độ tuổi nhưng ở những bối cảnh xã hội khác nhau tạo nên những sự khác biệt về cơ hội, khả năng, tầm nhìn, và quan điểm. Ở một góc độ khách quan nhất, chúng ta cần phải nhìn nhận một điều rằng đôi khi, chính nhịp sống hiện đại cũng chính là một lý do khiến các bạn trẻ có những lựa chọn khác “người lớn” ngày trước. 

Gen Z hiện nay có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp

Nếu như các thế hệ trước có “x cơ hội” thì thời nay Gen Z có “x mũ n cơ hội”. Nghĩa là không những tăng theo cấp số nhân, cơ hội của Gen Z còn tăng theo cấp luỹ thừa. 

Có vô vàn ngành nghề mới ra đời, nhiều lĩnh vực mới xuất hiện, những vai trò khác nhau được tạo ra để đáp ứng nhu cầu rộng lớn của xã hội. Thêm vào đó là sự thuận lợi của các phương tiện truyền thông đại chúng, một người nếu có ý thức muốn học, muốn hiểu, muốn biết thì hoàn toàn có thể chủ động cập nhật các kiến thức khác nhau, trở thành một người đa năng trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực. 

Vì thế mà Gen Z dĩ nhiên có rất nhiều cơ hội, họ hoàn toàn có căn cứ để cho rằng khi rời bỏ một công việc thì ngoài kia còn vô vàn công việc khác đang chờ.

Văn hóa đi làm thích thì nghỉ: Tại Gen Z dễ tổn thương, hay vì ngoài kia nhiều cơ hội? - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, Gen Z ngày càng bị chi phối nhiều bởi mạng xã hội và phần lớn suy nghĩ của họ dễ bị tác động bởi các quan điểm mang tính xu hướng trên đó

Trong giai đoạn công nghệ vô cùng tiến bộ, Gen Z là thế hệ lớn lên trong mạng xã hội và rất nhiều suy nghĩ của họ bị ảnh hưởng bởi những luồng quan điểm mang tính xu hướng của xã hội. 

Xu hướng ngày nay vẫn hay ra rả trên mạng xã hội nhìn chung đều là hướng đến sự thức thời. Tức là quan điểm này nhắm đến các ví dụ điển hình như “đừng quan tâm đến lời nói của người khác, suy nghĩ của người khác, cứ đói thì ăn, yêu thì nói, buồn thì khóc, ghét thì block, và chán chỗ làm thì nghỉ”. Sự thiếu trải nghiệm khiến Gen Z vô tình cảm thấy được cổ vũ khi dễ dàng đặt xuống một mối quan hệ, dễ dàng từ bỏ một ước mơ, hay cụ thể hơn là dễ dàng rời khỏi một vị trí công việc. Vào tất cả những thời khắc bối rối nhất như đói, như yêu, như buồn và như chán chỗ làm... thì họ chỉ có thể làm theo luồng tư duy mạnh nhất mà họ tiếp cận và được truyền cảm hứng bởi đó. 

Văn hóa đi làm thích thì nghỉ: Tại Gen Z dễ tổn thương, hay vì ngoài kia nhiều cơ hội? - Ảnh 2.

Trong thời đại thế giới phẳng, Gen Z lại là thế hệ dễ tổn thương hơn hẳn so với những thế hệ trước

Gen Z còn được gọi là “thế hệ hoa tuyết”, năm 2016, Collins định nghĩa thuật ngữ này là “những người trẻ tuổi (khoảng 20 tuổi) của những năm 2010, được xem là ít kiên cường hơn và dễ tự ái hơn các thế hệ trước”. 

Hoàn toàn có căn cứ để nhận định về mức độ yếu ớt và nhạy cảm của Gen Z so với các thế hệ trước. Họ luôn dễ dàng cảm thấy bị tổn thương, đó là chưa kể tới những nỗi tổn thương vô lý được đặt cái tên vô cùng mỹ miều như là “Những nỗi buồn không tên...”. Tự nhiên buồn. Tự nhiên thôi là đã có thể buồn, cần gì đến những lý do lớn lao. 

Bản thân mỗi Gen Z khi bước ra cuộc sống, tìm một công việc, ngoài những áp lực thời nào cũng có, họ còn phải đối diện với những thách thức rất lớn về mặt cảm xúc cá nhân và cảm hứng làm việc. Nếu như không may mắn tìm được một leader tinh tế và nỗ lực để thấu hiểu, họ rất dễ sa đà vào những sự ỷ lại và yếu đuối về mặt suy nghĩ của chính họ.

Dĩ nhiên chúng ta không đặt trách nhiệm lên vai leader, mỗi thế hệ gánh vác một phần gánh nặng không giống nhau. Nhưng so với những người đi trước, Gen Z cần được đón nhận một cách cởi mở hơn. Bất kỳ ai của thế hệ nào, trong quá trình tìm ra được hệ nhận thức đúng đắn nhất đều cần được uốn nắn, cảm thông và thấu hiểu tối đa. Hay nói một cách nghe dễ chịu hơn thì bất kỳ đứa trẻ nào trong quá trình lớn lên cũng đều cần được vuốt ve dỗ dành và thứ lỗi. 

Hãy nhớ lại tất cả những tủi thân của mình ngày trẻ để đối đãi với những người trẻ của ngày nay một cách nhẹ nhàng hơn. Có thể rồi người ta cũng bỏ việc giữa chừng, có thể rồi người ta cũng hành xử vô trách nhiệm trong một trường hợp nào đó, Gen Z này bỏ đi thì nhanh chóng tìm một Gen Z khác để kịp tiến độ công việc. 

Trên thực tế, thật ra chúng ta chỉ có thể thay đổi kiến thức và kĩ năng của một người, còn thái độ lại là một thứ mà chỉ từng cá nhân mới có thể tự điều chỉnh. 

Hãy để họ được giống với bản chất của những người sinh ra trong thời đại của họ. Được mắc phải những lỗi lầm giống nhau (hay được tạo nên những thành tựu tương tự nhau) cũng chính là sự đặc sắc riêng biệt của từng thời đại. Một ngày nọ khi đã đủ trải nghiệm với cuộc đời, tin rằng nhất định họ sẽ trở thành một phiên bản đáng mong đợi hơn của chính thế hệ mình.

Theo An Trương - Design: Thủy Tiên

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên