Văn hoá làm việc tại Đan Mạch: Sếp không phải "rốn vũ trụ", đúng 4h chiều nhân viên xách túi về nhưng vẫn đảm bảo năng suất!
Ở đất nước hạnh phúc thứ 2 thế giới, văn hoá làm việc của chốn công sở cũng thật đặc biệt!
- 14-03-2020Ngày hôm qua, tôi thấy mình rất thông minh, tôi muốn thay đổi thế giới! Ngày hôm nay, tôi thấy mình khôn ngoan, nên tôi thay đổi bản thân mình!
- 14-03-2020Vì sao tôi khuyên bạn nên tiết kiệm tiền? Không phải là để làm giàu, mà là bởi 3 nguyên nhân cốt tử khác
- 02-03-2020Cuộc sống "làm ra làm, chơi ra chơi" của người Đức: Tới công sở không lướt Facebook, về nhà nghỉ đúng 11 tiếng, sếp gửi mail cũng kệ!
Tại nhiều quốc gia Bắc Âu, đặc biệt là Đan Mạch, mỗi cá nhân được phát triển ở một môi trường tiên tiến và đãi ngộ cực kì hào phóng.
Sếp không còn là trung tâm
Các sếp người Đan Mạch luôn mặc định bạn là người làm trực tiếp, do đó, bạn phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm cho công việc. Họ luôn kì vọng nhân viên phải tự chủ công việc của họ và chỉ tìm đến sếp khi có điều gì đó cần thảo luận thôi. Đối với sếp, tình huống "nếu tôi không nghe gì từ cậu" sẽ được hiểu "mọi thứ đều ổn".
Bằng chứng là rất nhiều nhân viên đã loại bỏ sếp mình ra khỏi mục CC khi gửi mail. Bởi cấp trên không muốn quản lý nhân viên một cách quá chi tiết (micro-management). Hãy chỉ tìm đến sếp khi cần trao đổi, thắc mắc mà thôi.
“Bạn không bao giờ giỏi hơn tập thể”
Người Đan Mạch sẽ khá nghi ngại khi thấy ai đó chiếm quá nhiều "spotlight". Các sếp người Đan hiếm khi nào nói bạn cần làm gì, suy nghĩ của họ là tuyển bạn vào để bạn phải giúp họ giải quyết vấn đề chứ không phải bạn vào để họ chỉ bạn cách giải quyết vấn đề. Trong các cuộc họp, bạn phải là nhân vật chính đề xuất ý tưởng và sếp sẽ thảo luận, hướng dẫn bạn nhiều hơn. Sếp Đan giống một người huấn luyện viên thảo luận cuộc chơi cùng bạn và luôn ủng hộ bạn từ ngoài sân.
Điều này đến từ văn hóa "bạn không bao giờ giỏi hơn tập thể". Chuyện phân loại học sinh là một điều (gần như) không tồn tại ở Đan Mạch, thậm chí nếu bạn quá giỏi, bạn còn được yêu cầu phải chậm lại để giúp đỡ người khác cùng học với bạn. Và văn hóa này cũng theo các sếp vào tới công ty, sếp muốn thấy sự phát triển xây dựng từ ý kiến tập thể chứ không phải từ một cá nhân.
Less is More: Thời gian làm việc ít mà chất
Bản thân chị em công sở ở Việt Nam (và có lẽ Châu Á nói chung) thường có một thời gian làm việc mỗi ngày rất dài. Chuyện tới công ty 9h sáng và ra về 7h tối mỗi ngày không hề là chuyện lạ. Do vậy nhiều chị em sẽ thấy ngạc nhiên khi các đồng nghiệp Châu Âu của mình nghỉ hè tới vài tuần lễ và hầu như họ sẽ luôn rời công ty lúc 16h.
Nhưng câu chuyện là, người dân ở Đan Mạch chỉ làm tới 16h, điều này không đồng nghĩa họ làm việc ít hơn bình thường. Họ thường làm việc với mức độ tập trung rất cao vì đa số mọi người đều muốn hoàn thành công việc sớm để về với gia đình thay vì ngắt quãng công việc cho những hoạt động nghỉ ngơi, thư giãn như cafe, ăn trưa, trò chuyện…
Áp lực thăng tiến: Sếp không còn là vấn đề!
Sếp có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cá nhân của bạn, chứ không chỉ sự nghiệp. Nếu sếp không đánh cao mình, chắc chắn mình rất khó thăng tiến từ đó khiến việc xoay sở tài chính cho đủ thứ tiền trả ngân hàng, hóa đơn, con cái, tiết kiệm có thể trở thành áp lực khủng khiếp. Tôi cảm thấy đôi khi vì áp lực này tôi phải cố gắng thể hiện cho sếp thấy mình là một người nhân viên xứng đáng được cất nhắc.
Xã hội Đan Mạch khiến sếp không còn quyền lực này. Bắc Âu, đặc biệt Đan Mạch, nổi tiếng nhờ phúc lợi xã hội hào phóng. Một công dân ở đây nếu chẳng may bị mất việc, anh ta vẫn được hưởng 90% lương trong vòng 2 năm tới, các nhu cầu chính của anh ta vẫn được nhà nước đảm bảo, anh ta sẽ không rơi vào cảnh chật vật xoay sở trả tiền học cho con, lo cho cha mẹ hay khám sức khỏe. Điều này khiến người dân ở đây ít có "nhu cầu" phải cạnh tranh để thăng tiến hơn, từ đó chuyện tạo ấn tượng với sếp cũng giảm đi rất nhiều.
Vậy sau khi đã biết về văn hoá ở Đan Mạch, chị em công sở có muốn được đến đất nước hoà bình xinh đẹp này để làm việc không?
Nhịp sống Việt