MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vận tải đường bộ đồng loạt tăng cước: Cảnh báo lạm phát

Vận tải đường bộ đồng loạt tăng cước: Cảnh báo lạm phát

Các chuyên gia cảnh báo, cước vận tải tăng mạnh có thể sẽ khiến giá nhiều hàng hóa nối đuôi nhau tăng theo và nguy cơ gây lạm phát.

Chỉ còn nước “đắp chiếu” nếu không tăng

Ông Nguyễn Minh Khang, Giám đốc doanh nghiệp vận tải hàng hoá tuyến Hà Nội- Hải Phòng cho biết, công ty vừa có thông báo đến các đối tác về việc vừa tăng cước vận tải thêm 5%. Theo đó, giá một chuyến vận tải xe container từ 5 triệu đồng tăng lên 5,5 triệu đồng.

Vận tải đường bộ đồng loạt tăng cước: Cảnh báo lạm phát - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp vận tải bắt đầu tăng cước. Ảnh: Như Ý


Theo ông Khang, chi phí xăng, dầu chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu giá thành vận tải hàng hóa đường bộ nên khi giá xăng, dầu liên tục tăng buộc các doanh nghiệp vận tải phải thỏa thuận lại với khách hàng về giá cước. Với các hợp đồng vận tải mà doanh nghiệp đã ký với khách hàng, họ phải cố gắng “thắt lưng, buộc bụng”, tiết giảm các chi phí khác để bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Ông Phạm Minh Thắng, chủ nhà xe chạy tuyến cố định Hà Nội - Nam Định cũng cho biết, hãng của ông dự kiến tăng 20% giá cước vận chuyển lên 85.000- 90.000 đồng/lượt bởi nếu không tăng, chỉ còn nước cho xe “đắp chiếu” vì càng chạy càng lỗ do ít khách và chi phí xăng dầu tăng mạnh.

Ông Lê Văn Tiến, đại diện Công ty TNHH Vận tải Thương mại Hà Anh chia sẻ, với khoảng 50 đầu xe, mỗi tháng doanh nghiệp của ông vận chuyển từ 30 nghìn đến 50 nghìn tấn hàng. Doanh nghiệp hiện phải gồng mình hoạt động để giữ mối hàng truyền thống, cho dù đang bị mất thêm gần chục triệu đồng mỗi ngày do giá dầu tăng cao từ đầu năm đến nay.

Về việc tăng giá cước, ông Tiến cho hay, đang đàm phán với khách hàng để hướng đến mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên và bảo đảm hoạt động vận tải hàng hóa được duy trì liên tục.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long dự báo, xu hướng giá xăng dầu chưa dừng lại ở mức như hiện nay mà sẽ tiếp tục tăng. Xăng dầu tuy chỉ chiếm 2 - 3% chi phí của nền kinh tế nhưng có tác động gián tiếp rất lớn. Các lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất do tăng giá xăng dầu là vận tải, logistics, đánh bắt cá xa bờ....

Mớ rau, con cá đều phải tăng giá

Theo các doanh nghiệp, việc tăng cước vận tải sẽ tác động đến mặt bằng giá cả nói chung bởi vì mớ rau, con cá, cân thịt đến tận tay người tiêu dùng đều phải sử dụng nhiên liệu để chạy xe, chưa kể chi phí vận chuyển đến chợ, siêu thị.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, các đơn vị vận tải hàng hóa, hành khách chịu quá nhiều tổn thất trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ do xe “trùm mền” trong thời gian dài vì dịch COVID-19; nay thêm tác động do giá xăng dầu tăng nên rất khó để các đơn vị vận tải hoạt động trở lại khi chi phí xăng, dầu chiếm tới 35%-40% chi phí hoạt động.

“Hiện số lượng đầu xe vận tải hoạt động trở lại chỉ chiếm 15%-20% tổng số xe, do lượng khách đi lại giảm sút. Xe chạy vắng khách, giá xăng dầu tăng nữa thì khó chồng khó, càng chạy càng lỗ nặng”, ông Liên nói và cho biết thêm, hiện nhiều hãng xe buộc phải tăng cước taxi và vận tải hàng hóa vì không chịu nổi giá xăng tăng liên tục. “Giá xăng, dầu tăng quá cao làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, các ngành vận tải, sản xuất. Điều này sẽ kéo theo giá hàng hóa thiết lập mặt bằng mới, nguy cơ gây lạm phát trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa trở lại và phục hồi kinh tế”, ông Liên nhận định.

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho hay, giá xăng dầu càng tăng cao, doanh nghiệp càng không có lãi. “Trước mắt, doanh nghiệp vận tải vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng và chờ điều chỉnh cước vận chuyển theo mức độ tăng của giá xăng dầu. Dù lỗ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận chạy để giữ thị trường, giữ khách hàng, cố gắng trang trải các chi phí vay ngân hàng”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, hiện các doanh nghiệp vận tải phải tính toán nhiều khoản để cơ cấu ra giá thành vận tải, từ khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, lương lái xe, bộ máy quản lý và các loại thuế, phí, đồng thời, cân đối thu chi để xây dựng giá vé, cước phù hợp với chi phí đầu vào. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ làm chậm quá trình phục hồi thị trường vận tải vốn đang hết sức èo uột.

Doanh nghiệp gặp khó

photo-1

Cước vận tải đường biển tăng cao cũng khiến các doanh nghiệp hết sức đau đầu. Ảnh: Như Ý


Theo thông tin từ Cục Hàng hải và các doanh nghiệp logistics, tổng sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2022 ước đạt 116 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Dù sản lượng tăng nhưng các doanh nghiệp đang đứng trước sức ép rất lớn từ việc tăng giá do tác động của dịch COVID-19 cũng như ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine. Theo thống kê, hiện vẫn còn hàng triệu container bị ùn tắc tại các cảng biển ở châu Âu và châu Mỹ trong khi nhu cầu nhập khẩu của hai khu vực này với hàng hóa Trung Quốc, châu Á cũng đột ngột tăng cao dẫn đến mất cân bằng container giữa hàng xuất và hàng nhập.

Việc thiếu hụt container rỗng trên toàn cầu khiến cước vận tải biển tăng cao, gấp 3-5 lần so với trước đây. Nhiều doanh nghiệp xuất, nhập khẩu Việt Nam đã phải giảm lượng hàng xuất khẩu.

Cũng theo các doanh nghiệp logistics, việc các công ty vận tải biển lớn như CMA, MSC hay Maersk thông báo tạm dừng những chuyến hàng tới Ukraine đã khiến cước vận tải đi châu Âu, Nga và các nước trong khu vực tăng vọt. Hiện giá thuê các tàu chở dầu Aframax cỡ nhỏ thực tế đã tăng từ 8.000 USD lên tới 100.000 USD/ngày

Với các đơn hàng đi Mỹ, doanh nghiệp cũng "đau đầu" vì cước tăng rất mạnh. Theo thống kê, chi phí vận chuyển một container 40 feet (FEU) từ châu Á sang Mỹ đang ở mức gần 9.800 USD, tăng gấp hơn 7 lần so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Do tác động của giá xăng dầu, các công ty vận tải đã đưa ra mức cước vận chuyển mới khi chào giá các công ty xuất khẩu.

"Trước đây chúng tôi cộng 160 USD/tấn khi giao hàng cho khách sang cảng Hamburg của Đức, nhưng bây giờ phải cộng thêm

300 USD/tấn. Điều này sẽ hạn chế lượng mua của khách hàng, bởi giá sẽ cao hơn rất nhiều so với các năm trước", bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Công ty Quế hồi Việt Nam VINA SAMEX cho hay.

Thục Quyên


Xe công nghệ điều chỉnh cước từ 10/3

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Grab Việt Nam cho biết, để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu, Grab sẽ tăng cước vận chuyển bắt đầu từ ngày 10/3.

Theo thông báo của Grab, cước dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TPHCM sẽ được điều chỉnh lên mức 29.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 10.000 đồng mỗi km tiếp theo. Dịch vụ taxi công nghệ có mức cước cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ được điều chỉnh lên mức 38.600 đồng cho 2 km đầu tiên và 13.900 đồng mỗi km tiếp theo tại TPHCM. Tại Hà Nội, dịch vụ này cũng được nâng giá cước lên 34.300 đồng 2 km đầu, 11.800 đồng cho mỗi km tiếp theo.

GrabCar cũng tăng cước tại nhiều tỉnh, thành phố như: Lâm Đồng, Bắc Ninh, Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng... phổ biến ở mức 27.500 đồng cho 2 km đầu tiên, dao động khoảng 10.000-12.400 đồng cho mỗi km tiếp theo với dịch vụ Grabcar 4 chỗ.

GrabBike cũng tăng cước. Tại TP.HCM, cước mới của dịch vụ này ở mức 12.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên. GrabBike tại Hà Nội được điều chỉnh lên mức 13.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên...

"Dịch vụ giao hàng GrabExpress siêu tốc tại TPHCM, Hà Nội và 19 tỉnh thành khác cũng được điều chỉnh lên mức 16.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 5.500 đồng mỗi km tiếp theo.

Đại diện Gojek thì cho biết, tới thời điểm này, Gojek Việt Nam chưa có kế hoạch điều chỉnh cước liên quan đến việc tăng giá xăng dầu.

Trước Grab, Be đã tăng cước tại Hà Nội từ ngày 10/2. Cụ thể, cước phí 2 km đầu của dịch vụ beBike là 14.000 đồng, mỗi km tiếp theo cước tăng từ 4.180 đồng/km lên 4.600 đồng/km. Cước phí mỗi km của dịch vụ beDelivery được ứng dụng giữ nguyên, nhưng cước phí 2 km đầu tăng từ 14.500 đồng lên 16.000 đồng.

Với dịch vụ beCar 4 chỗ, ứng dụng điều chỉnh tăng cước 2 km đầu tiên từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo tăng từ 9.350 đồng lên 9.500 đồng, mỗi phút di chuyển tăng từ 440 đồng lên 500 đồng.

Phạm Tuyên


Theo Ngọc Mai

Tiền phong

Trở lên trên