Vàng tăng do "bóng ma" lạm phát ngày càng lớn, Bitcoin lại biến động như "tàu lượn"
USD tiếp tục tăng giá trong phiên thứ Tư (1/6) do những dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ trái chiều với tiêu cực từ châu Âu và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Giá vàng phiên này cũng hồi phục mạnh khỏi mức thấp nhất 2 tuần.
- 01-06-2022Ngân hàng dự kiến phát hành hơn 12 tỷ cổ phiếu trong năm nay
- 01-06-2022USD và Bitcoin cùng tăng mạnh phiên 31/5, giá vàng quay đầu đi xuống
- 31-05-2022USD giảm mạnh đẩy chứng khoán, Bitcoin tăng mạnh, vàng cũng đi lên
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 1/6 theo giờ Việt Nam tăng 0,87% lên 102,62, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng.
USD tăng so với đồng euro do những dữ liệu kinh tế lạc quan phát đi từ Mỹ trong khi đồng tiền chung châu Âu vẫn chịu áp lực giảm bởi lạm phát cao kỷ lục lịch sử làm gia tăng lo ngại về triển vọng tăng trưởng của khu vực đồng euro (Eurozone).
Đồng USD tăng khoảng 0,6% so với euro trong phiên vừa qua, kéo dài đà tăng có từ phiên liền trước, sau những dữ liệu trái chiều từ hai nền kinh tế: hoạt động sản xuất tháng 5 của Mỹ tăng cao nhờ nhu cầu hàng hóa mạnh mẽ, làm giảm bớt nỗi lo về nguy cơ suy thoái kinh tế, trái lại lạm phát giá tiêu dùng ở khu vực đồng euro tăng cao kỷ lục.
Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc Western Union Business Solutions, cho biết: "Đồng USD đã tăng kể từ kỳ nghỉ cuối tuần + lễ hội vừa qua do lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ tăng trong khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn bởi lạm phát trên toàn cầu đang ngày càng thêm trầm trọng".
Thị trường đã từng kỳ vọng lạm phát đã lên đến đỉnh điểm, nhưng kỳ vọng này đang bị thách thức bởi giá dầu – đã tăng liên tiếp trong vòng 6 tháng, chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2011.
Ông Manimbo cho biết: "Việc giá dầu duy trì ở mức cao, trên 115 USD, hủy hoại niềm tin rằng lạm phát đã hoặc đang ở gần mức "đỉnh".
Thông tin về việc các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu hôm thứ Hai (30/5) đã đồng ý về nguyên tắc để cắt giảm phần lớn lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay là động lực mới nhất khiến giá dầu tăng cao.
Brad Bechtel, giám đốc mảng tiền tệ toàn cầu tại Jefferies, cho biết: "Có lẽ chúng ta nên giảm hy vọng một chút trong khi chờ đợi thêm những dữ liệu về bức tranh lạm phát trên toàn cầu và những thông tin về chuộc chiến giữa Nga và Ukraine, về tác động lên thị trường hàng hóa cũng như về việc Trung Quốc mở cửa dần lại sau giai đoạn phong tỏa chống Covid-19".
Trong một diễn biến khác, đồng đô la Australia phiên vừa qua tăng 0,1% sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế nước này tăng trưởng tốt hơn dự kiến trong quý đầu tiên của năm nay do nhu cầu trong nước mạnh mẽ bù đắp lực cản từ thời tiết ảm đạm và thị trường tràn ngập hàng nhập khẩu, là cơ sở để nước này tăng lãi suất mạnh mẽ để chống lại lạm phát đang tăng nóng.
Đồng đô la Canada trong phiên vừa qua cũng tăng vọt lên mức cao nhất trong gần sáu tuần so với đồng bạc xanh sau khi Ngân hàng Trung ương Canada vào thứ Tư (1/6) đã tăng lãi suất cơ bản từ 1,0% lên 1,5%, lần tăng 50 điểm cơ bản thứ hai liên tiếp. Đồng thời, ngân hàng này cũng cho biết họ đã sẵn sàng hành động "mạnh mẽ hơn nếu cần" để đưa lạm phát trở lại mục tiêu.
Đồng bảng Anh giảm 1,02% xuống 1,248 USD/GBP vào lúc kết thúc ngày 1/6 theo giờ Việt Nam do các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Anh sẽ xấu đi sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của nước này trong tháng 5 tăng thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2021 khi các nhà sản xuất hàng tiêu dùng phải vật lộn với cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt ngày càng trầm trọng.
Các nhà phân tích của SocGen cho biết: "Hiện tại, bảng Anh có thể dẫn đầu về xu hướng giảm giá, trong bối cảnh lo ngại về nền kinh tế". Theo ông: "Yếu tố hỗ trợ lớn nhất của đồng bảng Anh đến từ việc thị trường định giá đồng tiền này. Cặp tỷ giá GBP/USD thấp hơn 11% so với mức trung bình của thập kỷ trước và thấp hơn 4% so với mức trung bình sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit".
Đồng rúp Nga giảm trong phiên vừa qua do thiếu động lực để giữ vững ở mức cao, song đồng tiền này vẫn được hỗ trợ tích cực từ các b iện pháp kiểm soát vốn của Nga.
Kết thúc phiên 1/6, rúp Nga giảm 0,2% so với đồng đô la, xuống 61,60 RUB, sau khi dao động trong biên độ rộng, là 55,80-67,50 trong suốt tuần qua.
So với đồng euro, đồng rúp giảm 2% xuống 63,65 EUR/RUB, dao động không xa so với mức cao nhất gần 7 năm là 57,10 chạm tới vào tuần trước.
Nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục giảm giá, sau khi giảm liên tiếp 3 tháng vừa qua, do đồng USD tăng giá mạnh trên phạm vi toàn cầu, và nhu cầu USD của các doanh nghiệp gia tăng.
Trên thị trường giao ngay, nhân dân tệ nội địa kết thúc phiên giảm 170 pip, hoặc 0,25% so với lúc đóng cửa phiên liền trước, xuống 6,6890 RUB.
Các nhà giao dịch tiền tệ cho biết họ nhận thấy nhu cầu USD của các khách hàng doanh nghiệp của họ ngày càng tăng sau khi trung tâm tài chính Thượng Hải hủy bỏ các hạn chế chống COVID-19 và từ từ mở cửa trở lại. Họ nói thêm rằng một số công ty đã phải chia cổ tức sớm.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin vừa trải qua một phiên "thăng hoa" khi giá đầu phiên vượt 32.000 USD, song kết thúc phiên quay đầu giảm xuyên thủng ngưỡng 30.000 USD, xuống 29.900 USD. Bitcoin đang chật vật để tăng thêm nữa, sau 4 phiên tăng liên tiếp.
Giá Bitcoin ngày 1/6.
Giá vàng giao ngay phiên này cũng tăng bất chấp việc USD tăng giá do lạm phát tăng. Lúc kết thúc ngày 1/6 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.842,83 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 8 giảm 0,1% xuống 1.846,50 USD.
Giá vàng trong nước biến động nhẹ. Cuối phiên giao dịch, vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 68,25 triệu đồng/lượng - bán ra 69,15 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng so với phiên liền trước ở cả 2 chiều mua bán). Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 68,35 triệu đồng/lượng - bán ra 69,15 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán). Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 68,30 triệu đồng/lượng - bán ra 69,32 triệu đồng/lượng (không đổi cả 2 chiều mua bán).
"Chủ đề cơ bản của thị trường vàng vẫn là lạm phát đáng lo ngại, điều này có thể sẽ giữ cho giá vàng ở mức cao bởi thúc đẩy sự quan tâm mua nhiều vàng hơn nữa", nhà phân tích cấp cao Jim Wycoff của Kitco cho biết.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ và dữ liệu lạm phát của tháng 5 để biết manh mối về nền kinh tế và triển vọng về lộ trình thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk